Bài thi đỗ trạng nguyên lừng danh sử Việt

GD&TĐ - Thông qua bài thi, Vũ Kiệt không chỉ đỗ đạt cao, ông còn chứng minh được trí tuệ uyên bác của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau...

Đình Cửu Yên, xã Ngũ Thái (Thuận Thành, Bắc Ninh) thờ Thành hoàng làng và Trạng nguyên Vũ Kiệt. Ảnh minh họa: INT.
Đình Cửu Yên, xã Ngũ Thái (Thuận Thành, Bắc Ninh) thờ Thành hoàng làng và Trạng nguyên Vũ Kiệt. Ảnh minh họa: INT.

Theo sách “Cương mục”, Vũ Kiệt (1452 - ?), quê ở xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Năm 20 tuổi, ông đỗ trạng nguyên khoa thi Nhâm Thìn, đời vua Lê Thánh Tông (1472).

Đạo làm thầy

Trả lời câu hỏi: “Sách xưa có câu thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính. Nhưng hiện tại, nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may hoặc qua tuần, qua tháng lại đổi thầy.

Một nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Đạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được?”.

Vũ Kiệt trả lời rằng: “Thần nghe, cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tôn nghi trong sách vở. Các ngành, nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng không thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho.

Kẻ sĩ phải thấy mình được vinh hạnh, càng chăm lo việc thực học. Lúc chưa thành đạt thì sống theo đạo lý thông thường để chờ thời gặp mệnh, không để mất phẩm chất riêng. Lúc đã được tin dùng thì phải giữ đúng danh vị và làm việc thực sự, không thể để mất cái điều mà mình mong muốn”.

Bàn về những tồn tại của giáo dục lúc bấy giờ, Vũ Kiệt cho rằng: “Cũng có khá nhiều người làm thầy tư chất kém cỏi, văn vẻ vụng về. Cái mà học trò cần là sự uyên bác nhưng người thầy lại có kẻ nông xoàng, tài cán thô thiển”.

“Đạo làm thầy không vững như thế còn lạ gì khi thấy sĩ tử xấu hổ việc đi học... Tâm thật đã mất trước khi ra làm quan rồi, sau khi ra làm quan còn tìm sao được tiết tháo và phong độ của họ...”.

Vũ Kiệt còn đề ra hướng để khắc phục những tồn tại ấy: “Thần mong bệ hạ đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ càng. Việc nuôi dạy sĩ tử phải đúng hướng... Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa... Người dùng lời gian dối để trau chuốt, dứt khoát không dùng. Người dám nói thẳng... thì có thể thu nhận”.

Chống tham nhũng

Khi vua Lê hỏi rằng: “Trẫm lo lắng cho cái thói tham lam làm đổi thay phong tục, nên đặt chức đình úy để xét tra những điều gian dối của bọn quan lại, thưởng người liêm khiết để khuyến khích làm việc tốt. Thế nhưng người có chức vị vẫn không trong sạch, gió thổi bóng theo.

Bọn quan lại nhỏ tự làm những điều ô nhục, ngày càng tràn lan. Dân càng nghèo mà đóng góp ngày càng lắm, pháp luật càng nghiêm mà kẻ gian ngày càng nhiều. Việc quân cơ, việc chính sự biến đổi rối rắm.

Của cải xuất kho lại rơi vào tay bọn tham nhũng, thật chẳng có lúc nào mà quá như lúc này. Hãy nêu lên cái nguyên nhân sinh ra những tệ hại ấy và bằng cách nào để sửa đổi và có tin là sửa đổi được không?”.

Bài thi của Vũ Kiệt đã trả lời: “Thần cho rằng câu hỏi của bệ hạ là muốn để tâm làm trong sạch mọi dòng vẩn đục và mong muốn các quan noi theo đó để làm chuẩn mực. Thần nghe lời giải thích trong kinh Xuân Thu “sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan... Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được.

Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu con người không làm chủ được sự ham muốn ấy thì sẽ sinh ra rối loạn... Vả lại gần đây, con người sống lâu trong thời bình, nên có phần sơ suất về màng lưới ngăn cấm trong đời sống hằng ngày.

Trong khi làm việc công thì thường dùng quà cáp, tết nhất, dùng của đút lót làm lễ vật hằng ngày, giày dép, quần áo diêm dúa, tiêu pha hoang phí, tệ tham nhũng tích tụ thành thói quen, điềm nhiên cho đó là việc thường.

Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tín cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa vạch trần bộ mặt của đám tiểu nhân được... Thần thấy trong Kinh lễ có câu “đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính” là có ý nói những việc làm của quan cấp cao thực để cho cấp dưới xem xét và noi theo...

Lấy lý mà nói thì bọn tiểu lại, bọn trộm cướp còn tự thay đổi trước sự giáo hóa của quan lệnh trong ấp, huống hồ lại đối với các bậc quan trên... Nhưng phép thuật ngày nay thì người làm quan lớn hoặc ban ơn để tỏ rằng mình là người hiểu biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu cạnh, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh đều trái với lẽ phải, khinh trọng thiên lệch. Khi tìm được chỗ hở thì gây ra tệ lậu bán buôn, hoặc không giữ chắc của công, hoặc lấy của công để vun vén cho mình”.

Từ những phân tích trên Vũ Kiệt đã chỉ cách khắc phục: “Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị giao cho họ trọng trách... Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và nêu từng việc để biết được sự liêm khiết của họ.

Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ, để điều trần tâu lên chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng ưu đãi và quan trường cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và trưởng quan cũng tùy theo đó mà xử phạt. Làm như vậy thì con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được.

Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải là người tốt, mà là muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng trong”.

Trạng nguyên Vũ Kiệt được ca ngợi là “bậc thiên tài kiệt xuất, đức độ vẹn toàn”, tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Ngôi làng quê ông có tên Nôm là Vít nên dân gian quen gọi ông là Trạng Vít. Bài văn sách thi Đình của Vũ Kiệt được triều đình coi như kiệt tác về sách lược trị nước, an dân, được lưu truyền làm mẫu cho các sĩ tử sau này học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.