Bài kiểm tra học kỳ đặc biệt

GD&TĐ - Không làm bài kiểm tra tập trung như cách truyền thống, cũng không thi trực tuyến, nhiều học sinh được trải nghiệm cách “kiểm tra” để lấy điểm học kỳ hết sức đặc biệt.

Nhóm thực hiện nội dung về vùng Trung du miền núi Bắc Bộ trong dự án “Dấu ấn Việt Nam” tại showcase báo cáo học tập.
Nhóm thực hiện nội dung về vùng Trung du miền núi Bắc Bộ trong dự án “Dấu ấn Việt Nam” tại showcase báo cáo học tập.

Làm dự án lấy điểm học kỳ

Dự án tổng kết lại những nội dung đã được học về Địa lý Việt Nam là ý tưởng được học sinh lớp 12M1, Trường THPT Olympia đề xuất với cô Nguyễn Thị Trinh trong một giờ thảo luận về các đặc sản quê hương. Đề xuất này ngay lập tức được đồng ý. Sau đó, Ban tổ chức dự án nhanh chóng ra đời để lên kế hoạch, điều phối công việc.

“Khi đó, học sinh vô cùng hào hứng. Chắc chắn khi tham gia vào dự án, các con sẽ học được nhiều hơn những gì gói gọn trong bài kiểm tra giấy 50 phút”. Cô Trinh nhớ lại suy nghĩ khi lập kế hoạch trình Ban giám hiệu phê duyệt, cho phép lấy dự án thay thế cho bài kiểm tra học kỳ II.

Hành trình thực hiện “bài kiểm tra học kỳ” đặc biệt bắt đầu như vậy. Toàn bộ học sinh khối 12 được chia thành 14 nhóm, mỗi nhóm 4 người và học sinh được quyền tự chọn thành viên. Việc lên kế hoạch, phân chia nhiệm vụ được thực hiện khá chuyên nghiệp với sự tự vấn của, hỗ trợ của giáo viên.

Tuy nhiên, mọi việc không phải suôn sẻ ngay từ đầu, một số nhóm bắt đầu xuất hiện trở ngại. Ví dụ, nhóm của Khánh Linh có một thành viên gặp khó khăn về hợp tác nhóm; các thành viên khác phải rất nỗ lực để bạn có thể làm việc cùng; giáo viên hướng dẫn cũng liên tục nhận được yêu cầu hỗ trợ, tư vấn… Gần đến này báo cáo, nhóm của Châu Giang lại quyết định “phá đi làm lại” toàn bộ vì không hài lòng với sản phẩm hiện tại.

Và rồi sau gần 2 tháng tự làm, tự tìm hiểu, dự án “Dấu ấn Việt Nam” đã thành hình. Dưới dạng những sản phẩm được trưng bày tương tác, kiến thức môn Địa lý về các vùng miền tổ quốc được thể hiện theo cách trực quan, sinh động, dễ hiểu nhất.

Điểm đặc biệt của dự án là việc số hóa các kiến thức thông tin, sử dụng mạng xã hội làm kênh truyền tải nội dung. Các dự án học tập đã không còn bó hẹp trong lớp học khi được chia sẻ với một cộng đồng lớn hơn. Những bài viết của học sinh có tới hàng nghìn lượt thích, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Facebook đã không còn là kênh giải trí vui chơi đơn thuần của các bạn trẻ gen Z, khi giờ đây các em đã biết thổi hồn cho kiến thức, để những nội dung học tập mang nhiều giá trị hơn không chỉ với bản thân mà còn với những người xung quanh.

Dù số điểm đạt được khác nhau, tùy kết quả và quá trình làm việc, nhưng học sinh sau khi hoàn thành dự án chia sẻ niềm vui vì không chỉ thu nhận được nhiều kiến thức, mà còn chia sẻ những kiến thức đó với các bạn bè cùng lứa tuổi trên mọi miền đất nước, thậm chí cả bạn bè quốc tế.

“Em luôn thích được tạo điều kiện làm dự án. Đó là hình thức học, đánh giá, kiểm tra không đặt nặng vào tính thi thố mà tập trung vào khả năng tiếp nhận, sáng tạo, vận dụng kiến thức. Chúng em học được rất nhiều, nhưng không phải bằng cách phải thuộc rất nhiều trang sách với những thông tin, con số khô khan.” - Cao Hoàng Anh, học sinh lớp K12 Olympia chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Trinh nghe nhóm thực hiện nội dung về vùng trung du miền núi Bắc Bộ trong dự án “Dấu ấn Việt Nam” thuyết trình.
Cô Nguyễn Thị Trinh nghe nhóm thực hiện nội dung về vùng trung du miền núi Bắc Bộ trong dự án “Dấu ấn Việt Nam” thuyết trình.

Hay nhưng không dễ

Không chỉ “Dấu ấn Việt Nam”, khá nhiều dự án tương tự đã được triển khai tại Olympia để học sinh lấy điểm học kỳ thay cho bài kiểm tra giấy. Quá trình làm dự án, học sinh tự học hỏi và trưởng thành về các năng lực chung; đồng thời tiến bộ hơn hẳn về kĩ năng trình bày, thiết kế poster, kĩ năng thuyết trình… Với môn Ngữ văn, thay vì các hình thức kiểm tra thông thường, học sinh có cơ hội truyền tải những kiến thức đã học trong chương trình phổ thông thông qua hình thức kịch nghệ, sân khấu hóa các bài học… Những dự án; kịch nghệ, sân khấu hóa được trưng bày, báo báo, biểu diễn trong một showcase báo cáo học tập công phu.

Theo Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT, kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình giáo dục phổ thông. Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Từ trước đến nay, hình thức kiểm tra trên giấy, thực hiện tập trung trên lớp là cách làm phổ biến. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, học sinh phải tạm dừng đến trường, cách làm này trở nên thiếu khả thi. Nhiều trường triển khai kiểm tra trực tuyến với những hình thức khá đa dạng. Tuy nhiên, cách kiểm tra thông qua dự án học tập có vẻ ít được thực hiện.

“Tôi rất ủng hộ quan điểm mới trong kiểm tra, đánh giá của Bộ GD&ĐT”. Cô Nguyễn Thị Trinh chia sẻ điều này và cho biết: thực tiễn dạy học cho thấy để hình thành và phát triển năng lực, học sinh cần được làm và trải nghiệm nhiều hơn. Và việc áp dụng dạng bài tập lớn, hay dự án cho học sinh thay những bài kiểm tra giấy sẽ giúp các em tự lựa chọn mảng nội dung yêu thích, tìm hiểu sâu và vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn.

Bên cạnh đó học sinh được phát triển các năng lực chung đặc biệt qua quá trình làm nhóm là năng lực giao tiếp hợp tác, năng lực tìm hiểu thông tin... Tuy nhiên, cái khó của hình thức kiểm tra này quản lí, giám sát quá trình học sinh làm việc. Học sinh trong nhóm có thể ì khi có bạn gánh việc, thời gian hạn hẹp... Giáo viên cần đánh giá rất khách quan. Đặc biệt, để làm được các bài tập dự án, rất cần sự đồng hành ủng hộ của phụ huynh, nhà trường.

Chia sẻ kinh nghiệm, cô Nguyễn Thị Trinh cho rằng, trước khi muốn triển khai các bài tập dự án nên tiến hành khảo sát nhu cầu xem học sinh có mong muốn làm hay không; bởi chỉ khi mong muốn, thích làm, các em mới chủ động và tích cực.

“Học sinh cần được thảo luận, đóng góp ý tưởng sản phẩm, cũng như đưa ra mong muốn. Giáo viên lên kế hoạch chi tiết cho từng tiết và gửi tiêu chí đánh giá cho học sinh. Học sinh trong nhóm tự phân công nhiệm vụ chi tiết; sau đó có đánh giá chéo giữa các thành viên. Giáo viên quản lí quá trình làm việc online và liên tục nhận xét, góp ý cho phần làm của các con” - cô Trinh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.