Bài học về quản lý tiền số

GD&TĐ - Sam Bankman-Fried, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX đình đám một thời, đã bị bắt tại Bahamas hôm 12/12.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cả triệu khách hàng đã không truy cập được vào tài khoản của họ.

Quận Nam New York, nơi đang điều tra Bankman-Fried và sự sụp đổ của FTX và công ty giao dịch liên kết Alameda, đã xác nhận chính quyền Bahamas đã bắt giữ Samuel Bankman-Fried theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ.

Được biết đến với cái tên “SBF” - Sam Bankman-Fried là một ngôi sao về tiền điện tử, và FTX từng là sàn giao dịch nổi tiếng nhất của ngành công nghiệp tiền điện tử mới nổi.

Nhưng chỉ sau một đêm, Sam trở thành tội đồ khi công ty của anh ta gặp khủng hoảng thanh khoản và nộp đơn xin phá sản vào tháng 11, khiến ít nhất một triệu người gửi tiền không thể truy cập vào tiền của họ.

Sự sụp đổ của FTS gây tác động khắp hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số. Một số công ty tiền điện tử đã tạm dừng hoạt động, đóng băng tài khoản khách hàng và trong một số trường hợp tự nộp đơn xin phá sản do tiếp xúc với FTX.

Thời báo New York, trích dẫn nguồn tin trong ngành tài chính, đưa tin rằng các cáo buộc chống lại Bankman-Fried bao gồm lừa đảo qua đường dây, âm mưu lừa đảo qua đường dây, gian lận chứng khoán, âm mưu gian lận chứng khoán và rửa tiền.

Trong bốn tuần kể từ khi FTX nộp đơn xin phá sản, Bankman-Fried đã tìm cách thể hiện mình là một giám đốc điều hành bất cẩn, để mất kiểm soát công ty, thiếu các biện pháp quản lý rủi ro trong doanh nghiệp. Anh ta phủ nhận cáo buộc rằng mình lừa gạt khách hàng của FTX mà nhất định cho rằng, bản thân mình không đủ năng lực như lầm tưởng.

Lẽ ra Bankman-Fried phải ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Hoa Kỳ theo hình thức trực tuyến vào ngày 13/12 để trả lời về việc công ty đã sụp đổ như thế nào.

Nhưng sau khi anh ta bị bắt giữ, phiên điều trần được lùi lại và sẽ bắt đầu bằng việc nghe điều trần từ Giám đốc điều hành mới của FTX là John J. Ray III, người tiếp quản Bankman-Fried từ 11/11 và được giao nhiệm vụ dẫn dắt công ty qua quá trình phá sản.

Theo John Ray, FTX thật ra là một đế chế tiền điện tử hầu như không có sự kiểm soát doanh nghiệp, thiếu hụt đáng kinh ngạc về hồ sơ tài chính và lưu giữ hồ sơ khác. “Phạm vi của cuộc điều tra đang được tiến hành là rất lớn”, Ray cho biết trong các bình luận được chuẩn bị trước khi ra điều trần.

Ray cho biết, sự sụp đổ của FTX dường như xuất phát từ sự tập trung quyền lực “vào tay một nhóm rất nhỏ gồm những cá nhân thiếu kinh nghiệm và thiếu tinh tế”, những người đã không thực hiện được hầu như bất kỳ biện pháp kiểm soát nào với công ty.

Ray cũng tuyên bố rằng “tài sản của khách hàng từ FTX.com được trộn lẫn với tài sản từ nền tảng giao dịch Alameda”. Đó là một vấn đề quan trọng đối với các nhà điều tra, vì FTX và Alameda trên giấy tờ là các thực thể riêng biệt.

Bankman-Fried đã phủ nhận việc cố ý trộn lẫn 2 quỹ và tìm cách tránh xa việc quản lý hàng ngày với Alameda - công ty đã thực hiện một số chiến lược giao dịch rủi ro cao như chênh lệch giá và “canh tác năng suất”, hay còn gọi là đầu tư vào các mã thông báo kỹ thuật số trả tiền phần thưởng giống như lãi suất, theo báo The Wall Street Journal.

Một trong những câu hỏi quan trọng về sự sụp đổ của FTX bắt nguồn từ một bài báo của Reuters vào tháng trước cho biết Bankman-Fried đã xây dựng một “cửa hậu” (backdoor) vào hệ thống kế toán của FTX, cho phép anh ta thay đổi hồ sơ tài chính của công ty mà không vấp phải cảnh báo đỏ của kế toán.

Bài báo cho biết Bankman-Fried đã sử dụng “cửa hậu” này để chuyển 10 tỷ USD tiền của khách hàng FTX cho quỹ phòng hộ Alameda và ít nhất 1 tỷ USD hiện đang bị mất, song Bankman-Fried đã phủ nhận việc biết về bất kỳ cửa hậu nào như vậy và nói rằng thậm chí anh ta còn không biết viết code.

Tiền điện tử cho đến giờ vẫn còn là vấn đề rất mới mà người ta vẫn còn tranh cãi về tính pháp lý của nó. Có điều vụ việc này cho thấy vấn đề con người hay các nguyên tắc quản lý với các mô hình kinh doanh truyền thống vẫn không hề cũ ngay trong thế giới tài chính số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ