Bài học từ đổi mới đánh giá học tập của Australia

GD&TĐ - “Dễ dàng nhận thấy sự chuyển hướng mục tiêu đánh giá học tập trong các trường ĐH ở Australia hiện nay” - GS.TS. Nguyễn Quang Uẩn (Trường ĐHSP Hà Nội) nhận định.

Bài học từ đổi mới đánh giá học tập của Australia

GS.TS. Nguyễn Quang Uẩn cho biết: Thay vì tập trung vào chức năng phân loại, quá trình đánh giá học tập ở đây hướng nhiều hơn đến các mục tiêu phát triển - đánh giá để nâng cao chất lượng học tập nhằm đáp ứng với những yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động và của xã hội, chứ không đơn thuần chỉ để phân loại mức độ hiệu quả học tập.

Chính định hướng mục tiêu này đã khiến các trường luôn nhạy bén với những thay đổi của thực tiễn. các hình thức và phương pháp đánh giá luôn được cải biến phù hợp với những yêu cầu khách quan của thị trường lao động và của xã hội.

Những vấn đề phải đối mặt

Theo GS.TS. Nguyễn Quang Uẩn, trong những nỗ lực mới của mình, các trường ĐH ở Australia đang phải đối mặt với 5 vấn đề cơ bản về kiểm định và đánh giá chất lượng học tập.

Công cụ đánh giá trực tuyến có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình vận dụng kỹ thuật đánh giá này.

Ví như, liệu đánh giá trực tuyến có đảm bảo đánh giá được khả năng tư duy sáng tạo, tư duy trừu tượng; khả năng lập luận, suy lý và phán đoán lôgic, hay chỉ đánh giá được khả năng ghi nhớ và tái nhận thông tin? …

Liệu quy trình công nghệ mang tính nguyên tắc chặt chẽ có đảm bảo cơ hội để sinh viên thể hiện toàn bộ những tri thức, kỹ năng của mình? Liệu hệ thống đánh giá được xác lập trực tuyến có đủ tinh tế để nhận diện năng lực hành động thực sự của sinh viên?

Vấn đề cơ bản trong đánh giá lớp đông là đảm bảo hiệu quả định hướng học tập cho sinh viên trong những điều kiện hết sức hạn chế về thời gian và lượng thông tin phản hồi đối với sinh viên.

Trong nhiều môn học, tính chất tái nhận của phương thức đánh giá dựa vào câu hỏi trắc nghiệm đã kích thích xu hướng học tập ghi nhớ hình thức ở sinh viên. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu đánh giá trong giáo dục ĐH.

Lớp đông là một trở ngại lớn đối với những tương tác trực tiếp giữa giảng viên với cá nhân sinh viên. Điều này khiến cho những thông tin phản hồi của giảng viên đối với sinh viên bị hạn chế. Một trong những giải pháp để tăng cường thông tin phản hồi đối với sinh viên trong quá trình đánh giá đó là sử dụng thư điện tử và mạng thông tin.

Tuy nhiên, giải pháp này lại không hiệu quả về mặt thời gian, đồng thời những thông tin phản hồi qua thư điện tử không thể chi tiết và đầy đủ như thông tin trực tiếp giữa giảng viên với sinh viên.

Đánh giá nhóm: Khi các kỹ năng tương tác, hợp tác và làm việc nhóm được yêu cầu đánh giá, việc thiết kế các hoạt động nhóm và phương thức đánh giá nhóm trở thành đòi hỏi có tính bắt buộc. Tuy nhiên, không ít những bất cập lại nảy sinh trong chính phương thức đánh giá này.

Theo quan điểm của không ít sinh viên, làm việc nhóm trong môi trường lao động hoàn toàn khác với làm việc nhóm trong môi trường học tập.

Hơn thế nữa, đến bậc ĐH, nhiều sinh viên đã hình thành cho mình thói quen làm việc độc lập với tài liệu, điều này khiến họ cảm thấy những cuộc tranh luận và thuyết phục lẫn nhau chỉ là sự lãng phí thời gian.

Vì những lý do này, nhiều sinh viên thường tỏ ra thờ ơ với các hoạt động nhóm. Do vậy, những đánh giá nhóm không phải lúc nào cũng phản ánh đúng vấn đề cần đánh giá.

Việc đánh giá cá nhân thành viên trên cơ sở hiệu quả hoạt động chung của nhóm đã tạo ra không ít những bất cập. Nhiều cá nhân thành viên cho rằng, sự tham gia của mình trong nhóm chưa được đánh giá đúng mức. Bên cạnh đó, cách đánh giá này đôi khi còn kích thích tính ỷ lại cả một số sinh viên.

 

Ngăn chặn hiện tượng “đạo văn”: Chưa có những thống kê thực tế để khẳng ịnh một cách chắc chắn về sự gia tăng của hiện tượng “đạo văn” trong các trường ĐH ở Australia. Song cảm nhận về sự phổ biến của hiện tượng này đã được chia sẻ bởi nhiều giảng viên và sinh viên.

Các trường ĐH đã nhanh chóng vào cuộc; nhiều quy định, hướng dẫn được ban hành; các phần mềm kiểm tra và phát hiện được sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nguyên nhân tiềm ẩn của hiện tượng này.

Phát triển các nguồn dữ liệu trực tuyến là đòi hỏi tất yếu đối với các trường ĐH hiện nay. Tuy nhiên, chính sự sẵn có và thuận tiện của những nguồn tài liệu này lại tạo điều kiện thuận lợi cho những hành vi “đạo văn”. Chỉ cần tải các tài liệu xuống, sau đó với các thao tác copy giản đơn, sinh viên đã hoàn tất bài tập của mình.

Rất nhiều sinh viên hiện nay phải chịu sức ép rất lớn của áp lực thành công trong học tập. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên giành quá nhiều thời gian cho việc làm thêm. Khi thời gian và khả năng không ủng hộ cho những tham vọng, “đạo văn” trở thành cứu cánh đối với không ít trong số họ.

Thích nghi hoá sinh viên quốc tế với hệ thống đánh giá bản địa: Không chỉ đối mặt với những khó khăn về ngôn ngữ, nhiều sinh viên quốc tế còn xa lạ với các phương thức đánh giá trong các trường ĐH ở Australia. Vì vậy, tạo điều kiện để các sinh viên quốc tế thích nghi với các phương thức và hệ thống đánh giá trong môi trường học tập mới luôn là vấn đề được đặt ra đối vứi các trường ĐH ở Australia hiện nay.


Mô hình về quy trình đổi mới

Trong nhiều năm qua, những nỗ lực đổi mới hệ thống đánh giá học tập trong các trường ĐH ở Australia nhằm tìm kiếm lời giải cho những vấn đề nêu trên đã gặt hái được nhiều thành công.

Trên cơ sở tổng kết các mô hình đổi mới đã mang lại thành công ở một số khoa và trường ĐH, ALP đã xây dựng lên một mô hình có tính định hướng quy trình trong đổi mới hệ thống kiểm định và đánh giá chất lượng học tập.

Theo đó, bên cạnh việc nhận diện yêu cầu đổi mới; phát hiện những trở ngại đối với quá trình đổi mới; nâng cao ý thức đổi mới là xúc tiến đổi mới trên nhiều “mặt trận”. Như tổ chức các hội thảo về kiểm tra, đánh giá; soạn thảo các hướng dẫn quy trình và phương pháp kiểm tra, đánh giá; xây dựng các điển hình về đổi mới đánh giá; xây dựng hệ thống thông tin nguồn về kiểm định và đánh giá chất lượng; có chính sách khen thưởng hợp lý đối với các nỗ lực đổi mới.

Cùng với đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đánh giá và thiết lập mạng lưới các chuyên gia hỗ trợ đánh giá. Đồng thời, xác lập mối liên kết giữa hiệu quả đổi mới với trách nhiệm giải trình và hệ thống khen thưởng

Những đổi mới về đánh giá học tập trong các trường ĐH ở Australia, theo GS.TS. Nguyễn Quang Uẩn đã đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về thực trạng đánh giá chất lượng học tập trong các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay:

Việc kiểm tra, đánh giá trong các trường ĐH của chúng ta hiện nay còn quá chú trọng đến mục tiêu phân loại kết quả học tập của sinh viên. Mục tiêu định hướng học tập còn ít được chú ý. Thông tin phản hồi đến sinh viên chưa thực sự được quan tâm.

Các yêu cầu và tiêu chí đánh giá thường chú trọng nhiều đến các mục tiêu đào tạo có tính chất khép kín trong các trường ĐH. Những yêu cầu khách quan trong thực tiễn phát triển của xã hội còn chưa được nhìn nhận một cách thoả đáng trong quá trình thiết kế và xây dựng các tiêu chí cũng như biện pháp đánh giá.

Hệ thống internet đã được hầu hết các trường ĐH ở nước ta hiện nay quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, khả năng sử dụng hệ thống này trong công tác kiểm định và đánh giá chất lượng học tập của sinh viên vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thực tiễn hiện nay cho thấy rằng, các trường ĐH ở nước ta đang phải đối mặt với vấn đề lớp đông, với hiện tượng “đạo văn” trong kiểm định và đánh giá chất lượng học tập của sinh viên. Tuy nhiên, giải pháp cho những vấn đề này vẫn chưa được xem xét thoả đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.