Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường": Những lời ca rưng rưng cảm xúc

GD&TĐ - Chớm đông, gió bắt đầu se lạnh, tháng tri ân trở về gõ cửa trái tim. Một chút nhớ, một chút thương, một chút yêu đong đầy nơi sâu thẳm.

Ca khúc “Em đi gieo mùa xuân đất nước” (Nhạc và lời: Đặng Hoàng Long). Ảnh: Thế Đại.
Ca khúc “Em đi gieo mùa xuân đất nước” (Nhạc và lời: Đặng Hoàng Long). Ảnh: Thế Đại.

Hòa điệu cùng những ca khúc về thầy cô và mái trường, lòng ta rưng rưng cảm xúc: Kính yêu, cảm phục, cúi đầu ghi tạc trước ân sâu của những người khai sáng tâm hồn, đưa ta đến chân trời tri thức, dạy cho ta bài học làm Người quý giá.

Nhọc nhằn gieo chữ

Nghề trồng người rất đỗi gian nan, chông chênh nhất vẫn là những thầy cô dạy học nơi bản làng hẻo lánh, hải đảo xa xôi. Âm thầm gieo từng con chữ, khai sáng tâm hồn em thơ.

Năm 2018, trong chuyến đi thực tế sáng tác tại Đồng Văn, Hà Giang địa đầu Tổ quốc, tình cờ gặp gỡ cô giáo nhỏ xinh từ miền xuôi lên dạy học bản xa, trò chuyện, thấu hiểu, nhạc sĩ Đào Hữu Thi sáng tác ca khúc: “Em là cô giáo vùng cao”.

Lời ca ngân vang chạm tới muôn triệu trái tim, ca khúc viết về một người nhưng tỏa rộng ngân xa đến muôn vạn cuộc đời. “Bản làng yêu ơi em rời phố thị. Vượt núi băng rừng cõng cái chữ lên non. Dẫu nắng mưa hay mùa đông giá lạnh. Cùng các em thơ vượt núi đến trường…”.

Rời xa phố thị, nén nỗi nhớ thương đất mẹ quê cha, lên với bản làng, cùng đàn em thơ ngây sớm tối, mang yêu thương thắp sáng núi rừng. Yêu lắm! Thương lắm! Những bước chân băng đèo lội suối, vượt qua vực thẳm non cao, âm thầm mang yêu thương dâng tặng cho đời.

Chia tay núi rừng, ta dạt dào cùng sóng biển, đến nơi đảo xa với lớp học gieo neo giữa muôn dặm trùng khơi. Ca khúc “Người gieo chữ nơi đảo xa” của nhạc sĩ Trần Hùng như một lời tri ân dành tặng thầy cô dạy học ở đảo xa.

Sâu lắng, ngọt ngào, giai điệu vang lên lòng ta bồi hồi cảm xúc: “Giữa biển khơi nơi muôn trùng sóng gió, bao ánh mắt em thơ đêm ngày ngóng đợi, khao khát dâng trào, tràn căng bầu nhiệt huyết, gạt mọi âu lo thầy đến với đảo xa. Lớp học trên đảo phòng mượn tạm đơn sơ, lưa thưa vài mái đầu từ bữa ăn giấc ngủ, mầm xanh cùng tiểu học, cùng chung một lớp mình thầy chăm lo…”.

Gian nan nghề gieo chữ, ấm áp tình yêu thương. Đảo xa mà tình nghĩa lại gần, trân quý biết bao các thầy cô giáo ngày đêm làm bạn với hải âu, sóng biển, mang yêu thương gieo chữ học trò, dạy cho các em tình yêu Tổ quốc, chắt chiu tấc đất quê mình.

Bục giảng vẫn vang tiếng thầy, sân trường in dấu chân cô, buồn vui cùng con chữ, không ngại gian nan, bất kể nơi đâu, “người lái đò thầm lặng” luôn cháy hết mình vì mầm xanh tương lai đất nước, vì sự nghiệp trồng người cao cả thiêng liêng. Giai điệu yêu thương ngân vang gõ cửa tâm hồn, lay tỉnh lương tri, hãy quý trọng biết ơn!

Nhớ mãi ân sâu

Ca khúc “Tình cô” (Nhạc: Kiều Tấn Minh - Thơ: Phạm Bạch Trúc). Ảnh: Thế Đại.

Ca khúc “Tình cô” (Nhạc: Kiều Tấn Minh - Thơ: Phạm Bạch Trúc). Ảnh: Thế Đại.

Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” khép lại, cùng với “Em là cô giáo vùng cao” (Đào Hữu Thi), ca khúc “Tình cô” của nhạc sĩ Kiều Tấn Minh được trao giải Nhất. Với những ca từ sâu lắng, giai điệu nhẹ nhàng, bài hát đã khơi được mạch nguồn thương mến nhất của lẽ sống ân tình: “Mẹ sinh con ra cho con hình hài, cô dang đôi tay dắt con vào lớp.

Mẹ đã bên con bước chân đầu đời, cô luôn bên con nét chữ đầu tiên. Mẹ lo cho con sớm khuya thân gầy, cô xây cho con lâu đài kiến thức. Mẹ luôn bên con bước trên đường dài, cô mãi dõi theo tương lai học trò…”. Mẹ và cô, những suối nguồn yêu thương, người cho cuộc đời, người xây đài tri thức.

Ca từ giản dị mà làm vút cao ơn nghĩa cuộc đời. Tình khúc vang lên, lòng ta rưng rưng cảm xúc. “Làm sao đếm hết có bao bụi phấn rơi? Làm sao đếm hết khách qua đò sang sông? Làm sao đếm hết ơn cô rộng mênh mông? Dẫu tháng năm vẫn không phai nhòa. Ngày mai cất bước dẫu chói lòa vinh quang. Dù cho sỏi đá rải đường đời gian nan. Tình cô con vẫn mãi mang trọn trong tim. Khắc ghi như mẹ hiền luôn bên con”.

Sông sâu sào dài đo được, lòng người đưa đò ai biết được sự bao la. Cho đi không mong nhận lại, mang thương yêu lan tỏa thương yêu. Lời ca nhắc tôi, nhắc bạn khắc cốt ghi tâm ân nghĩa cô thầy. Lẽ sống đẹp ấy là hành trang nâng bước ta đi trên muôn nẻo đường cuộc sống.

Không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp, cô giáo mầm non, yêu nghề mến trẻ, Nguyễn Thương Thương gửi trọn lòng mình trong ca khúc “Con mãi không quên”. Nhịp điệu bài hát sôi nổi, trẻ trung, rạo rực tâm hồn: “Cô là người nâng ước mơ con bay xa, là người dạy con biết yêu quê nhà, dạy cho con từng chữ ê a, yêu thương con như là mẹ cha…

Cô ơi lòng chúng con không quên, cô luôn dạy chúng con nên người, mai sau con sẽ lớn khôn, con ca vang khúc hát tri ân, mãi khắc ghi ơn cô từng ngày…”. Tâm hồn đẹp cần được ươm trồng từ khi còn thơ bé, lời hát của Thương Thương sẽ thắp sáng yêu thương, nâng bước em thơ khôn lớn nên người. Ca khúc vang lên từ tấm lòng sẽ lan tỏa đến triệu tấm lòng. “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lí ngày xưa sáng đến mai sau.

Ngày về ấm áp

Ca khúc “Bài ca về mái trường” (Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thịnh). Ảnh: Thế Đại.

Ca khúc “Bài ca về mái trường” (Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thịnh). Ảnh: Thế Đại.

“Chủ đề sáng tác ca khúc về thầy cô, mái trường đã chạm vào mạch cảm xúc, khơi nguồn cho tôi đẩy tình cảm, ký ức, nỗi nhớ sâu sắc thành tác phẩm”. Phạm Xuân Hải, tác giả ca khúc “Trở lại mái trường xưa”, nhạc phẩm mới được tặng giải Nhì cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” đã chia sẻ như vậy.

Ai cũng từng đi qua một thời áo trắng, kỉ niệm tuổi học trò ghi khắc mãi trong tim. “Lòng bồi hồi trở lại mái trường xưa, kỉ niệm ùa về trong ngàn nỗi nhớ, vẫn hàng phượng vĩ khoe mình trong nắng, sân trường trưa vắng, đâu rồi tiếng ve, gặp lại từng giọng nói thầy cô, tình bạn bè bao niềm thương mến, tháng ngày bên nhau xây từng mơ ước… dù đi xa trong tim còn nhớ mãi lời thầy cô bao nghĩa tình…”.

Hòa theo khúc nhạc, kỉ niệm thân thương trở về, lòng rưng rưng xúc động. Nhớ lắm một thời cháy bỏng khát khao, nhớ lắm giọng nói thầy cô mỗi ngày vang trên bục giảng, nhớ lắm phút đùa vui giận hờn bè bạn mến thương ơi. Sắc phượng đỏ, ve vẫn râm ran mỗi độ hè sang.

“Bài ca về mái trường” sẽ mãi ca vang, nơi gieo mùa xuân đất nước. Trở về rồi tiếp tục đi xa để cống hiến, dựng xây mang mật ngọt hoa thơm dâng tặng cho đời. “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm khuya, giọt mồ hôi rơi nhòe trang sách”, ánh mắt yêu thương luôn dõi theo bước chân em trên nẻo đường cuộc sống.

Đông đã về, cái lạnh tan đi bởi tình người ấm áp, niềm vui cùng những con chữ, niềm vui ngày ngày đến lớp cùng học trò thân yêu. Lắng sâu trong những ca khúc ngọt ngào, ta càng yêu hơn phấn trắng bảng đen, yêu hơn nghiệp trồng người gian nan, hạnh phúc.

“Dạy là học hai lần”, tự nhủ lòng mình mãi luôn cố gắng làm tròn sứ mệnh. “Như những người lái đò thầm lặng, như dòng sông chở nặng phù sa, như bài hát không lời, như cánh buồm chở đầy khát vọng, thầy lặng thầm bên trang giáo án cuộc đời…”.

Trải qua 12 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các tác giả chuyên, không chuyên trong nước. Riêng mùa thi năm nay, Ban tổ chức nhận được hơn 400 tác phẩm. Các sáng tác tập trung phản ánh truyền thống và những nét đẹp của nghề giáo, những cống hiến thầm lặng của người làm công tác giáo dục trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Sau nhiều vòng đánh giá, Ban tổ chức đã chọn ra 30 tác phẩm đạt giải, trong đó có 2 giải Nhất; 4 giải Nhì; 8 giải Ba và 16 giải Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về 2 tác phẩm: "Em là cô giáo vùng cao" của tác giả Đào Hữu Thi (Quận Long Biên, Hà Nội) và "Tình cô" của Kiều Tấn Minh (nhạc), thơ Phạm Bạch Trúc (Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ