Bài học để làm bố mẹ tốt

Bố/mẹ đơn thân phải lo tài chính, vừa làm bố vừa làm mẹ, trong đầu luôn suy nghĩ liệu mình đã bù đắp đủ cho con hay chưa.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Các ông bố, bà mẹ đơn thân thường không biết phải nói gì khi con hỏi về bố/mẹ mình. Họ không dám nói vì sợ nói dối sau này con lớn hiểu chuyện lại trách móc nên tốt nhất là nói dần sự thật theo độ tuổi của bé.

Hãy nói rõ cho các cô giáo của con biết bạn muốn các cô nói gì về gia đình mình khi bé hay các bạn của bé hỏi, vì trong chương trình học có những bài học về gia đình. 

Các thầy, cô giáo cũng cần có thái độ đúng với những em bé trong các gia đình bố, mẹ đơn thân, không thương hại, cũng không chiều chuộng vì nghĩ làm như thế để bù đắp cho bé. 

Những em bé đó càng phải tự lập để sau này không thấy thương hại chính mình hay đổ lỗi cho người khác vì hoàn cảnh của mình khi so sánh với các bạn, và để bé luôn có thể tự đứng trên đôi chân của mình.

Các ông bố, bà mẹ đơn thân phải được tôn trọng, vì trong khi hai bố mẹ chăm một đứa con đã mệt, vất vả, tốn kém thì họ làm gấp đôi số lượng công việc hàng ngày. Họ lo tài chính, vừa làm bố vừa làm mẹ, trong đầu luôn suy nghĩ liệu mình đã bù đắp đủ cho con hay chưa.

Người lớn hãy nói cho trẻ biết, trên thế giới có rất nhiều mẫu gia đình: Gia đình có hai mẹ, gia đình có hai bố, gia đình có bố và mẹ, gia đình chỉ có bố, gia đình chỉ có mẹ. 

Mẫu gia đình nào không quan trọng, điều quan trọng là gia đình đó có thực sự hạnh phúc hay không. Người lớn cần tôn trọng lựa chọn của người khác để làm gương cho trẻ, vì nếu người lớn không làm được đương nhiên trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng đó và phán xét những người không giống mình.

Ở lớp học mầm non, có em bé nói về gia đình mình rất tự hào. Có em bé khóc khi kể về gia đình không hạnh phúc, có những bạn không thể tập trung khi đến lớp, ngáp suốt ngày vì mệt mỏi chuyện gia đình, đánh bạn để giải tỏa căng thẳng... 

Thế nên điều quan trọng không phải gia đình đó có đủ cả bố và mẹ hay không mà điều quan trọng là trẻ có hạnh phúc và yêu quý gia đình mình, có muốn về nhà sau giờ học không. Bố mẹ có làm đúng vai trò bố và mẹ với con không? Gia đình là tổ ấm hay tổ lạnh?

Có gia đình nhiều người lớn xung quanh quá, ông, bà, bố, mẹ, cô, dì, chú, bác... ai cũng đòi làm "sếp" của trẻ. Trẻ vừa làm sai một cái gì đó thì ngay lập tức ba bốn giọng nói cất lên sửa sai, nhắc nhở, rèn lại bé cho đúng thì còn tệ hại hơn là ở những gia đình đơn thân nhưng bố, mẹ có kiến thức, biết nuôi dưỡng cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trách nhiệm thôi chưa đủ. Trẻ cần được yêu thương để cảm thấy an toàn. Yêu thương chỉ có thể được cảm thấy khi cả hai bố mẹ hạnh phúc với nhau. Bạn vui thì mới làm người khác vui được, chứ đang buồn làm sao giả vờ vui trước mặt con, chưa kể nhiều người cáu bạn đời của mình rồi lôi con ra làm nơi trút giận.

Thường thì mọi người có con mới nghĩ đến việc làm thế nào để trở thành ông bố bà mẹ tốt. Có những yếu tố quyết định bạn có là ông bố bà mẹ tốt hay không được hình thành từ rất lâu trước khi bạn lập gia đình. 

Bạn chỉ có thể trở thành bố mẹ tốt khi bạn thực sự tốt với chính bản thân, hạnh phúc với mình và không phụ thuộc vào người khác để có thể hạnh phúc, hay bắt người khác chịu trách nhiệm về hạnh phúc của chính mình. Nếu bản thân bạn không làm cho mình hạnh phúc làm sao bạn biết tạo ra được một gia đình hạnh phúc?

Bạn chỉ có thể là ông bố và bà mẹ tốt khi lấy người bạn thực sự yêu, vì chỉ những ông bố bà mẹ yêu thương nhau mới có thể nuôi dưỡng được những em bé vui vẻ trong gia đình mình. Bạn chỉ có thể là ông bố bà mẹ tốt khi bạn có kiến thức, vì nếu không có kiến thức làm sao nuôi con một cách khoa học cho đỡ vất vả. 

Con có phát triển tốt, vui vẻ, khỏe mạnh, thông minh... hay không là do bố mẹ có tạo ra môi trường kích thích sự phát triển cho bé hay không. Thế nên chính bạn phải tích lũy vốn kiến thức cần thiết để sau này bé hỏi “Cái gì đây?” hay “Tại sao lại thế?” bạn có thể trả lời tất cả những câu hỏi đó. Có kiến thức bạn mới có thể mang kiến thức đến cho con.

Với những bạn trẻ chưa có gia đình, hãy hành động có trách nhiệm với mình, với người yêu của mình, với gia đình và xã hội. Nếu bạn chưa sẵn sàng về kinh tế, kiến thức, tâm lý để làm bố mẹ, hãy đặt mình vào vị trí đó. 

Sinh ra một em bé rất đơn giản, nhưng nuôi dưỡng một em bé vui vẻ, nên người là một sứ mệnh cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hãy có trách nhiệm với những đứa con bạn muốn có trong tương lai, vì chính bạn là người thầy đầu tiên của con, là “đồ dùng học tập”, là hiện thân các bài học kỹ năng sống đầu tiên của con.

Gia đình là thế giới thu nhỏ đầu tiên của bé và bố mẹ là người chịu trách nhiệm về thế giới quan của con.

Theo Giáo viên Montessori/Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.