Giá nào cho bà mẹ đơn thân?

Ngoài giằng xé tâm lý, những người mẹ không lập gia đình mà sinh con phải đối diện với một mâu thuẫn vô cùng thực tế giữa sự tự trọng, tự ái không muốn nhận trợ cấp từ cha của đứa bé và bài toán tài chính khi nuôi con.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

“Lúc mới sinh con, tôi chi tiền mạnh tay với tất cả những thứ dành cho con. Ví dụ, phải mua sữa ngoại cho con uống mới yên tâm, do tôi không có nhiều sữa mẹ. 

Từ tháng thứ sáu trở đi, nhiều thứ phải chi đến chóng mặt, tiền dành dụm vơi dần, tôi bắt đầu chi li hơn. Tôi so sánh từng loại sữa về giá trị dinh dưỡng lẫn giá tiền, sau đó chọn sữa nội giá mềm” - Bà mẹ đơn thân Khánh Nga, 30 tuổi, nhân viên kinh doanh tại TPHCM chia sẻ.

Không nhận tiền từ cha của con

Khánh Nga là người cá tính, có quan điểm sống rất thoáng. Sau bao nhiêu cuộc tình không tìm được người đàn ông ưng ý, cô quyết định sinh con một mình. 

Cô không nói với gia đình và bạn bè biết cha đứa bé là ai. Mình cô âm thầm “cày” gấp đôi gấp ba để chuẩn bị kế hoạch tài chính bảo đảm cho việc sinh nở và nuôi con. Cô không nhận tiền từ cha của con, cam kết không làm phiền anh, sẽ chịu trách nhiệm việc nuôi con một mình.

Ngọc Trang, 36 tuổi (nhân viên văn phòng tại TPHCM, làm mẹ đơn thân được hơn 5 năm) cũng không nhận trợ cấp từ cha của con vì cho là anh ta thiếu trách nhiệm. Khi biết cô có thai, anh ta đưa cho cô một số tiền, yêu cầu cô bỏ cái thai. 

Dù thời điểm đó công việc của Ngọc Trang không ổn định, đối tác của cô thuộc dạng công tử nhà giàu, nhưng cô vẫn quyết định giữ con mà không cần nhận tiền của anh ta. 

Biết Ngọc Trang sinh con trai, anh này ngỏ ý muốn nhận con, chia sẻ tài chính để nuôi con nhưng Ngọc Trang một mực từ chối, dù vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt), thông thường có hai trường hợp làm mẹ đơn thân: một là người phụ nữ chủ động không lấy chồng, chỉ muốn có con. Ngay từ đầu, cô ấy đã cam kết với “đối tác” là chỉ muốn đứa con, nên việc cô ta không nhận trợ cấp từ người cha của đứa bé là hợp lẽ. 

Trường hợp thứ hai là thụ động, có nghĩa là người phụ nữ do hoàn cảnh đưa đẩy nên phải chấp nhận một mình sinh con. Một bên là chuẩn bị sẵn tài chính và tinh thần đối đầu với khó khăn, một bên là đột ngột phải gánh chịu khó khăn.

Không dễ vượt qua

Thu nhập của Khánh Nga thuộc loại khá nhưng cũng có lúc cô thiếu hụt. Do là nhân viên kinh doanh nên lương bổng của Nga không đều đặn hàng tháng mà theo hoa hồng trên từng hợp đồng. 

Từ lúc cô sinh con, các hợp đồng cũng giảm dần, nên có tháng tiền chưa lấy được đồng nào mà sữa, thức ăn, nhu yếu phẩm… hết sạch, cô phải gọi điện vay mượn bạn bè thân chứ không dám gọi cho gia đình. Khánh Nga từng tuyên bố, cô tự lo cho con được, giờ hỏi tiền ông bà ngoại thì không ổn.

Một trong những điều làm các bà mẹ đơn thân lo lắng nhất là con đau ốm. Bệnh nhẹ thì không sao, bệnh nặng kéo dài thì đúng là gánh nặng. Có đợt, con nằm viện suốt một tháng, Ngọc Trang phải xin nghỉ không lương. Viện phí, thuốc men réo hằng ngày nên tiền dành dụm cứ bay vèo vèo. 

Ở bệnh viện, cô vừa tất tả chăm con vừa tranh thủ lúc con ngủ thêu mấy bức tranh để có thêm chút tiền. Khi đồng tiền cuối cùng trong tài khoản được rút ra, mà bác sĩ cho biết con cô phải nằm thêm hơn mười ngày nữa, cô gần như kiệt sức. Thế là Ngọc Trang đành nuốt cục tự ái, gọi điện cho bố của con. Anh ấy cũng đồng ý gửi tiền cho con. 

Cô tâm sự: “Trong tài khoản không còn một đồng, bỗng nhiên có hơn chục triệu rót vào, tôi thấy như trút bớt được một phần gánh nặng. Nếu không vì con, đời nào tôi chịu nhận tiền của anh ta”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm phân tích: “Nuôi con là một hành trình dài, không ai biết trước những khó khăn nào sẽ đến. Nếu người phụ nữ quá tự tin vào khả năng lao động của mình thì sẽ ẩn chứa rất nhiều rủi ro. 

Công việc đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ và không phải lúc nào mình cũng khỏe mạnh để đương đầu, gồng gánh. Vì vậy, nếu có thể nhận trợ cấp từ cha của bé thì rất nên nhận. Anh ta chấp nhận đưa tiền là có tình cảm và trách nhiệm với con, chứ không phải vì thương hại theo cách nghĩ của nhiều phụ nữ. 

Đây là quyền lợi chính đáng của con, không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần. Bản thân người mẹ khi nhận tiền cho con cũng vơi bớt được phần nào gánh nặng tài chính và tâm lý”.

Cái giá nào cho bà mẹ đơn thân?

Sau sự cố con nằm viện dài ngày, Ngọc Trang dẹp bỏ tự ái đã ôm 5 năm qua để quyết định nhận tiền trợ cấp từ cha đứa bé. Cô tạo một tài khoản riêng cho con để sử dụng vào việc học hành, chữa bệnh và để dành cho tương lai. 

Cô cho biết: “Tôi muốn con tôi được sung sướng, đầy đủ, điều mà tôi biết là mình khó có thể làm trọn vẹn cho con. Giờ tôi không sĩ diện gì nữa. Ai có nuôi con một mình mới hiểu đoạn trường tôi phải trải qua”.

Khánh Nga thì hiện vẫn giữ vững lập trường một mình lo cho con. Vì thế, cô phải làm việc bất kể giờ giấc, hy sinh nhiều thú vui, dẹp bỏ những sở thích riêng. 

Trước đây, cô được tiếng là người sành điệu, nhưng từ khi có con, cô tằn tiện hẳn. Có lúc đứng tần ngần trước cửa hiệu thời trang, cũng muốn mua cho mình cái áo đẹp, nhưng cô lại thôi. Khánh Nga chia sẻ: “Thiệt thòi lớn nhất là không được tự do làm điều mình muốn như thời son rỗi, trong khi thực tế mình vẫn chưa lập gia đình. 

Đùng một cái bỗng chuyển sang cuộc sống mới, bao nhiêu thứ ập đến đỡ không kịp. Dù mình đã chủ động chuẩn bị tâm lý và tài chính, nhưng vẫn không tránh khỏi những tủi thân, giằng xé trong lòng”.

Nói gì thì nói, đứa con đã hiện hữu trên cõi đời này thì bằng mọi giá, dù buồn dù vui, dù khổ nhiều hay khổ ít, dù thiếu thốn hay dư dả… cũng phải nuôi con đến nơi đến chốn. 

Ngọc Trang tâm sự: “Khi nhìn con ngủ như một thiên thần, mình thấy ấm áp dễ chịu lắm. Lúc ấy, những lo lắng về tài chính và cả những nỗi giằng xé như biến mất, chỉ còn lại tình thương dành cho con”.

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.