Tình trạng nhân viên y tế căng thẳng mệt mỏi sau 2 năm đại dịch Covid-19 phổ biến ở rất nhiều nước.
Tại bang New South Wales, y tá từ khoảng 150 bệnh viện công trên cả bang đã tham gia biểu tình trước toà nhà nghị viện bang trong cuộc biểu tình lớn nhất của giới y tá từ một thập kỷ qua. Họ vẫn giữ lại một lực lượng nòng cốt làm việc trong thời gian đó để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Các y tá mang khẩu trang, mặc áo choàng, bày tỏ sự phẫn nộ với tình trạng thường xuyên thiếu giường bệnh, thiết bị và con số tử vong nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kéo dài này.
Những tấm biểu ngữ của họ nêu rõ tình trạng mà họ đang đối mặt: “Y tá đang không thể chống chọi được”, “Lời cảm ơn không thay thế được thu nhập”… Suốt 2 năm qua, các nhân viên y tế Australia phải làm việc trong những điều kiện ngặt nghèo thời Covid-19 trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày và tiến hành một chương trình tiêm chủng chưa từng có.
Song những tháng gần đây, số ca Covid-19 bùng nổ ở Australia khiến số bệnh nhân tăng lên, các y tá bị hạ bậc do bị ốm hoặc phải cách ly. “Cộng đồng cần lắng nghe sự thật – số lượng nhân viên hiện giờ không đủ, không an toàn nên bệnh nhân đang gặp nhiều nguy cơ” – Hiệp hội Y tá và Nữ hộ sinh bang New South Wales nói.
Bộ Y tế bang NSW cho biết, số y tá, hộ sinh ở các bệnh viện công trong bang hiện nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào. Ngoài ra, việc đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, việc xét nghiệm và truy vết ngặt nghèo có nghĩa là nhiều nơi ở Australia vẫn khá an toàn với dịch.
Nhưng chủng Omicron xuất hiện dẫn tới hàng chục nghìn ca nhiễm và hàng chục ca tử vong mỗi ngày. Cho đến giờ Australia đã có khoảng 2,5 triệu ca nhiễm trong số 25 triệu dân. Tình trạng quá tải diễn ra ở khắp các bệnh viện.
Giới y tá yêu cầu tỷ lệ thích hợp phải là 1 y tá chăm sóc 4 bệnh nhân trong mỗi ca làm việc, và lương phải tăng thêm 2,5% so với mức lương mà chính phủ đề ra cho lĩnh vực công. Tờ Guardian dẫn lời một y tá có 15 năm làm việc nói rằng tình hình đã lên tới mức nghiêm trọng và việc đi biểu tình dường như là lựa chọn duy nhất của cô. Một y tá khác làm việc cho phòng cấp cứu nói rằng anh đã hết sức chịu đựng và nghĩ tới việc chuyển nghề.
Họ buộc tội các chính trị gia “không kết nối với thế giới thực”, không hiểu được thực tế làm việc tại các bệnh viện khi làn sóng Omicron tràn tới, chính phủ không dành đủ nguồn lực cho hệ thống y tế khiến họ bị tổn thương. “Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình với quy mô lớn hơn và giận dữ hơn mỗi lần chúng tôi bị phớt lờ” – Tổng thư ký Hiệp hội Y tá và Hộ sinh bang NSW nói.
Sự kiệt sức của giới nhân viên y tế không phải là của riêng một quốc gia nào sau 2 năm đối mặt với Covid-19. Ngay cả Australia, một trong những quốc gia có nền y tế tốt nhất thế giới cũng đối mặt với tình trạng không bền vững như vậy.
Theo Hiệu trưởng ngành y Đại học công nghệ Queensland, Giáo sư Patsy Yates, nghiên cứu của bà và đồng nghiệp công bố trên tạp chí Lancet cho rằng, dù ở bất kỳ đâu, Mỹ hay Châu Âu, việc cải thiện tình trạng của nhân viên y tế sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong, giúp việc điều trị cho bệnh nhân tốt hơn và tiết kiệm chi phí do ít lượt khám hơn, tăng hiệu quả của nền kinh tế.
Có lẽ bất kỳ chính phủ nào cũng cần quan tâm đến tiếng nói của giới y tá để có sự đầu tư chi phí và cải thiện quy trình một cách thích đáng, nhằm không xảy ra tình trạng quá tải, thiếu nhân viên y tế, tạo thêm gánh nặng cho ngành y tế lẫn bệnh nhân trong đại dịch.