Châu Âu hướng tới kết thúc đại dịch Covid-19, cảnh báo nước giàu thuê nhân viên y tế từ nước nghèo

GD&TĐ - Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge cho biết, biến thể Omicron đã chuyển đại dịch Covid-19 sang một giai đoạn mới và có thể kết thúc nó ở châu Âu.

Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge.
Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge.

Nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP, Giám đốc WHO châu Âu nói rằng “thật hợp lý khi đại dịch khu vực này đang tiến tới một loại bệnh đặc hữu”. Theo ông, biến thể Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người châu Âu vào tháng 3.

Một khi sự gia tăng hiện tại của Omicron ở khắp châu Âu giảm xuống, “sẽ có một vài tuần và vài tháng nữa để đạt khả năng miễn dịch toàn cầu, có thể do vắc xin hoặc mọi người đã bị nhiễm và nó cũng giảm theo mùa” – ông Kluge nói và dự đoán sẽ có một khoảng thời gian im ắng trước khi Covid-19 có thể hoạt động trở lại vào cuối năm nay, nhưng không nhất thiết là đại dịch sẽ quay trở lại.

Trong khi đó, tại Mỹ chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Anthony Fauci cũng bày tỏ sự lạc quan tương tự. Ông nói với hãng tin ABC News rằng khi các ca mắc Covid-19 giảm “khá mạnh” ở các vùng của Mỹ, “mọi thứ đang có vẻ tốt”.

Tuy cảnh báo chống lại sự tự tin thái quá, ông nói rằng nếu sự sụt giảm gần đây về số ca mắc ở các khu vực như phía đông bắc của Mỹ tiếp tục, “tôi tin rằng bạn sẽ bắt đầu thấy sự thay đổi trên toàn bộ đất nước”.

Văn phòng khu vực châu Phi của WHO tuần trước cũng cho biết các ca mắc Covid-19 đã giảm mạnh ở khu vực này và số ca tử vong giảm lần đầu tiên kể từ khi đợt thứ 4 do Omicon thống trị đạt đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, ông Kluge cảnh báo vẫn còn quá sớm để coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu.

“Có rất nhiều lời bàn tán về bệnh đặc hữu nhưng đặc hữu có nghĩa là có thể đoán được điều gì sẽ diễn ra. Loại virus này đã gây ngạc nhiên cho chúng ta nhiều hơn một lần nên chúng ta phải thận trọng” – ông cho biết và cảnh báo với việc Omicron lan rộng như vậy, các biến thể khác vẫn có thể xuất hiện.

Theo Hội đồng Y tá Quốc tế (ICN), làn sóng nhiễm Covid-19 được thúc đẩy bởi biến thể Omicron đã khiến các quốc gia giàu có tăng cường tuyển dụng y tá từ những nơi nghèo hơn của thế giới. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân sự ở những nơi đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, Giám đốc điều hành ICN Haward Catton cho biết “chúng tôi hoàn toàn nhận thấy sự gia tăng tuyển dụng quốc tế ở những nơi như Đức, Anh, Canada và Mỹ”.

“Tôi thực sự lo sợ giải pháp khắc phục nhanh chóng này, nó hơi giống với những gì chúng ta thấy với thiết bị bảo vệ cá nhân và vắc xin mà các nước giàu đã sử dụng sức mạnh kinh tế của họ để mua và tích trữ. Nếu họ làm điều đó với lực lượng điều dưỡng sẽ chỉ làm cho tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn” – ông cho hay.

Tại Trung Quốc, các nhà tổ chức Thế vận hội Olympic hôm qua xác nhận 72 ca mắc Covid-19 trong số 2.586 nhân viên liên quan đến Thế vận hội nhập cảnh từ ngày 4/1 đến 22/1. Tuy nhiên, không có ca mắc nào trong số 171 vận động viên và quan chức đến trong khoảng thời gian trên. Trong số các ca mắc trên, 39 ca được phát hiện trong quá trình xét nghiệm tại sân bay.

Tất cả những người tham gia Thế vận hội cần có 2 kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 96 giờ kể từ khi họ khởi hành đến Trung Quốc và hầu hết đều đi trên các chuyến bay thuê chuyến được sắp xếp đặc biệt.

Tuần trước, các nhà tổ chức cho biết vé cho Thế vận hội sẽ không được bán cho công chúng vì Covid-19. Thay vào đó vé sẽ được phân phối cho các nhóm người được yêu cầu thực các biện pháp ngăn chặn trước, trong và sau khi tham dự các sự kiện.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ