Bài học bổ ích từ hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Với phương châm “học đi đôi với hành”, ngành GD TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã mạnh dạn cho HS trải nghiệm cuộc sống. Trong đó, hoạt động GD gắn liền với thực tế và trải nghiệm du lịch thực tế bằng Anh ngữ luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ thầy, trò…

Bài học bổ ích từ hoạt động trải nghiệm

GD gắn liền với thực tế

Ngoài việc chú trọng dạy chữ, ngành GD&ĐT TP Cao Lãnh trong thời gian qua đặc biệt quan tâm đến GD kỹ năng sống và tăng cường khả năng thực hành cho HS. Ngay từ đầu năm học 2016 - 2017, ngành GD thành phố đã xác định hoạt động GD gắn liền với thực tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện có hiệu quả, ngành GD thành phố chỉ đạo các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm ở các môn học: Lịch sử, Địa lý, GD công dân, Anh văn... Cách làm là tổ chức mỗi tháng ít nhất 1 lần, tạo điều kiện cho HS tích cực nghiên cứu, tìm ra những cái mới trên cơ sở kiến thức đã học trong nhà trường, cuộc sống. GD cho HS kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tìm tòi…

Theo đó, các trường học nằm trên địa bàn các phường, xã sẽ liên kết với nhau để tổ chức GD trải nghiệm cho HS với phương châm “GD gắn liền với thực tế”. Với cách làm này, thầy trò các trường sẽ có nhiều chuyến trải nghiệm, về nguồn, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương hết sức thú vị. Đằng sau những hoạt động này nhà trường sẽ lồng ghép nội dung GD kỹ năng sống, GD đạo đức cho HS.

Tại xã Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh), ba trường tiểu học gồm TH Trần Phú, TH Lý Thường Kiệt và TH Phan Đăng Lưu đã liên kết để tổ chức nhiều hoạt động GD gắn liền với thực tế. Theo bà Ngô Thúy Anh - Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Đồng Tháp: Các trường đã tổ chức hoạt động GD gắn liền thực tế với nhiều nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Từ đó phát huy mạnh mẽ vai trò tổ chức cho HS trong việc thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”. Chính hoạt động GD gắn liền với thực tế đã trang bị cho HS khả năng vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội hàng ngày…

Không chỉ là những chuyến tham quan, dã ngoại, mà mỗi chuyến thực tế giúp HS được hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển xã Tân Thuận Đông cũng như Đề án phát triển du lịch của xã. Đồng thời, qua hoạt động này, các trường còn tuyên truyền GD HS về thực hiện “Năm văn minh đô thị 2017”; đặc biệt là GD ý thức bảo vệ môi trường. Hoạt động này còn góp phần GD kỹ năng sống cho HS, nhất là về giao tiếp và ứng xử. Đặc biệt là đối với người nước ngoài, tạo điều kiện cho các em giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau về giao tiếp bằng tiếng Anh.

Tham gia hoạt động không chỉ có HS, cán bộ quản lý, giáo viên mà còn có lãnh đạo UBND xã, thành phố và các ban ngành. Hoạt động trải nghiệm được tổ chức tại điểm du lịch Thiện Thành, ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông với các hoạt động như: Nghe lãnh đạo địa phương tuyên truyền về lịch sử hình thành và phát triển xã Tân Thuận Đông và Đề án phát triển du lịch của xã Tân Thuận Đông; Tham gia vẽ tranh cổ động về bảo vệ môi trường và du lịch Tân Thuận Đông trong tương lai; Giao lưu bằng tiếng Anh với nội dung “Giới thiệu đề án phát triển làng du lịch, những trái cây đặc sản của xã Tân Thuận Đông” và giao lưu với khách nước ngoài...

Những bài học bổ ích

Hoạt động GD gắn liền với thực tế ở TP Cao Lãnh còn lồng ghép nội dung HS trải nghiệm du lịch thực tế bằng Anh ngữ. Thông qua điểm du lịch cộng đồng xã Tân Thuận Đông, các Trường TH Lý Thường Kiệt, TH Trần Phú và TH Phan Đăng Lưu tổ chức cho HS giao lưu với du khách nước ngoài.

Điểm mới trong hoạt động GD trải nghiệm này là Ban tổ chức đã vận dụng nội dung giới thiệu du lịch Tân Thuận Đông đến với du khách thông qua các hình thức: Thuyết trình về du lịch, giao lưu và hái hoa dân chủ (giao tiếp bằng tiếng Anh); giao lưu trực tiếp với du khách đến từ Australia, Canada và Ấn Độ; thi vẽ tranh cổ động về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch Tân Thuận Đông. Hoạt động nhằm nâng cao vai trò của ngành GD trong việc quảng bá du lịch địa phương đến với du khách. Đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng Anh ngữ cho HS, giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.

Bên cạnh GD thông qua trải nghiệm, các trường học còn rèn luyện đạo đức cho HS trong thông qua các giờ ngoại khóa, cho HS vui chơi, giải trí bằng các trò chơi dân gian; tổ chức thăm, viếng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng tuần, trong buổi chào cờ, nhà trường nhắc nhở HS rèn luyện đạo đức, tác phong. Thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, phòng đuối nước bằng cách cho các em xem các biển báo về an toàn giao thông, biển chỉ dẫn... Nhờ kết hợp nhiều biện pháp GD, trong những năm học gần đây, tình hình đạo đức của HS ở TP Cao Lãnh luôn được đảm bảo.

Bà Ngô Thúy Anh - Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Đồng Tháp - cho biết: “Hoạt động GD gắn liền với thực tế của các trường tiểu học thuộc xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh là một cách làm hay, phù hợp với quan điểm của ngành. Mục tiêu chính mà ngành GD Đồng Tháp hướng đến là giúp HS đất Sen Hồng hướng tới tự tin, tự lực, biết phản biện, gắn kết thực tiễn, định hướng tương lai”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên luôn hết lòng tận tụy với các em học sinh.

Cô giáo 'ươm mầm' tri thức trên non cao

GD&TĐ - Bằng sự tận tâm và lòng nhiệt huyết, Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên đã có nhiều đóng góp cho ngành GD&ĐT vùng biên huyện Mường Nhé (Điện Biên).