Cần thiết điều chỉnh xét tuyển sớm

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc nhìn nhận và điều chỉnh về xét tuyển sớm là cần thiết để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Cần quy về thước đo chung

Tại Tọa đàm về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn – khẳng định, Bộ luôn cầu thị, lắng nghe vì mục tiêu tốt hơn cho cả hệ thống.

Trước đây, những lần sửa đổi thông tư dù lớn hay nhỏ đều xin ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, thầy cô trực tiếp đào tạo, quản lý nhiều năm có kinh nghiệm để bàn bạc, đưa ra những gì tối ưu nhất.

Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của xã hội với nhiều ràng buộc, công tác tuyển sinh cần thay đổi, hạn chế các bất cập bởi có tác động lớn, trực tiếp đến các trường và thí sinh, nhất là trong bối cảnh tự chủ hiện nay.

Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Quy chế là chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Thứ trưởng cho rằng, cần nhìn nhận và có điều chỉnh về “xét tuyển sớm” là cần thiết để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh.

Hơn nữa, điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Đây mới là thước đo và cần quy về thước đo chung này. Đương nhiên quy đổi được là điều không dễ, nhưng vẫn cần bàn.

img-7335-1.jpg
Thí sinh nhập học vào Trường ĐH Đông Đô. Ảnh: TG.

Bảo đảm công bằng, bình đẳng, chất lượng

Khẳng định công tác tuyển sinh của đại học, cao đẳng tác động lớn tới quá trình học ở giáo dục phổ thông, Thứ trưởng cho biết, việc có quy định chặt chẽ hơn nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển.

Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ hai của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều học sinh chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn. Điều này sẽ khó khăn cho các em sau này khi vào đại học.

Ngoài ra, chúng ta cần đo được năng lực, khả năng học tập của thí sinh phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu của từng ngành/chương trình đào tạo. “Chúng ta cần xác định quan điểm là, làm thế nào để công tác tuyển sinh đơn giản hóa, thuận lợi nhất cho các trường nhưng không được vi phạm những nguyên tắc chung của giáo dục là: công bằng, bình đẳng, chất lượng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, dự thảo chưa phải là cuối cùng nhưng có những điểm mới nhằm khắc phục một số bất cập. Việc dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho xét tuyển sớm sẽ tác động ngược trở lại giáo dục phổ thông. Giờ đây, dù có khó khăn vẫn phải làm, nhận cái khó về mình, làm sao để các trường và các thí sinh được thuận lợi nhất.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi. Những điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Thông tư nhằm khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh thời gian qua và đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ