Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã ký ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) “Bãi bỏ Thông tư số 23/2014/ TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học” (Thông tư 23).
Thông tư 11 có hiệu lực kể từ 1/12/2023. Các khóa đã tuyển sinh Chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư số 23 (trước thời điểm này) được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.
Việc bãi bỏ này nhằm thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi (2018). Luật cho phép các trường đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình.
Tuy nhiên, trong Luật và Thông tư số 17 năm 2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học không có khái niệm "chương trình đào tạo chất lượng cao".
Trước đó, Thông tư 23 quy định, chương trình chất lượng cao là chương trình đào tạo có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đào tạo đại trà tương ứng, đồng thời đáp ứng các tiêu chí và điều kiện tại Quy định này.
Tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao gồm những quy định về chương trình đào tạo, tuyển sinh, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình chất lượng cao.
Mục đích đào tạo chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học ở những cơ sở đào tạo có đủ điều kiện nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Thông tư 23 cũng quy định, chương trình chất lượng cao được xây dựng và phát triển trên nền của chương trình đào tạo đại trà của cơ sở đào tạo có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy định này; có tham khảo chương trình đào tạo nước ngoài.
Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chất lượng cao phải cao hơn của chương trình đào tạo đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác; riêng năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương đương).
Việc xây dựng đề cương chi tiết các học phần của chương trình đào tạo chất lượng cao phải có sự tham gia của đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao, bộ phận đảm bảo chất lượng và lấy ý kiến đóng góp của cựu sinh viên, đại diện của các đơn vị sử dụng lao động.
Đề cương chi tiết các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành của chương trình đào tạo chất lượng cao phải có ý kiến thẩm định của 2 chuyên gia ngoài cơ sở đào tạo (trong nước hoặc quốc tế) am hiểu lĩnh vực chuyên môn.
Quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo chất lượng cao được thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.
XEM CHI TIẾT THÔNG TƯ 11 TẠI ĐÂY