Bài 5: Cạnh tranh hay không?

GD&TĐ - Rất nhiều nhà quản lý và giáo viên băn khoăn về câu chuyện chỉ tiêu dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Điều này liên quan đến việc liệu giáo viên khi dự thi/xét thăng hạng có phải cạnh tranh như công chức hay không?

Phân hạng giáo viên nhằm sắp xếp vị trí việc làm ổn định. Ảnh: Hữu Cường
Phân hạng giáo viên nhằm sắp xếp vị trí việc làm ổn định. Ảnh: Hữu Cường

Không có một mẫu số chung

Theo quy định, công chức thi nâng ngạch thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, nghĩa là số lượng công chức đủ điều kiện được cử dự thi phải lớn hơn tổng số chỉ tiêu công chức được thăng hạng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Điều đó có nghĩa là khi dự thi hoặc xét nâng ngạch, chẳng hạn thi thăng hạng, công chức nếu đạt điểm theo quy định chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là xét theo tổng điểm của các môn kiến thức chung và chuyên môn nghiệp vụ (ngoại ngữ và tin học là môn điều kiện) từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu được phê duyệt.

Đối với giáo viên, việc thi và xét theo nguyên tắc cạnh tranh chưa được áp dụng. Theo đó, giáo viên đủ điều kiện dự thi/xét thăng hạng nếu đáp ứng các yêu cầu hoặc xét là đạt và được bổ nhiệm vào hạng cao hơn, không phụ thuộc vào tổng số giáo viên của đơn vị tham dự thi hoặc xét. Đây là một điều kiện khá thuận lợi cho giáo viên vì không phải chịu sức ép cạnh tranh trong cùng một thời điểm với chính các giáo viên khác của đơn vị.

Tuy nhiên, vấn đề bất cập hiện nay của nhiều địa phương, cơ sở giáo dục là chưa thực hiện tốt hoặc không thực hiện việc xây dựng và sử dụng Đề án vị trí việc làm như là một công cụ hữu hiệu trong quản lý nhân sự.

Về lý thuyết, Đề án vị trí việc làm phải được cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, được sử dụng ổn định từ 1 - 3 năm. Các vấn đề liên quan đến nhân sự, đội ngũ phải được thể hiện trong Đề án vị trí việc làm (số lượng, chất lượng, cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp…).

Trên thực tế, nhiều địa phương đang thực hiện việc xây dựng Đề án vị trí việc làm theo kiểu “làm cho có”, nghĩa là xây dựng xong thì chậm được phê duyệt, do chậm được phê duyệt nên rốt cuộc có mà không thể dùng, vì những thời điểm quan trọng như tuyển dụng (nhất là đối với ngành Giáo dục) thì Đề án chưa được phê duyệt kịp nên không thể dùng làm cơ sở để tuyển dụng.

Bên cạnh đó, về lý, cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp phải được thể hiện rõ ở Đề án vị trí việc làm của từng cơ sở giáo dục mà không có một mẫu số chung cho tất cả các đơn vị. Bởi vì, chỉ có chính cơ sở giáo dục, căn cứ vào điều kiện, tình hình, chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh phát triển trên địa bàn và trong khu vực mới có thể xác định nhu cầu về cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Chẳng hạn, đối với hạng chức danh nghề nghiệp cao nhất ở mỗi cấp học (hạng I đối với cấp học THCS, THPT và hạng II đối với cấp học mầm non, tiểu học), thì một cơ sở GD ở trung tâm tỉnh/thành phố sẽ có nhu cầu lớn hơn so với ở địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Xây dựng hiệu quả Đề án vị trí việc làm

Có thể nói rằng, một trong những nội dung cần thiết phải được quan tâm đối với các cơ sở giáo dục chính là xây dựng và sử dụng một cách có hiệu quả Đề án vị trí việc làm trong quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo. Cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên cần được thể hiện rõ trong Đề án, làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt số lượng giáo viên đủ điều kiện dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hằng năm.

Trong thời gian qua, một số địa phương xảy ra tình trạng giáo viên đủ điều kiện thì nhiều, nhưng cấp có thẩm quyền không cử dự thi vì có sự khống chế chỉ tiêu. Nhưng sự khống chế chỉ tiêu nếu có mà không căn cứ vào cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp trong Đề án vị trí việc làm thì sẽ là sự khống chế mang tính chất cảm tính và võ đoán, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của giáo viên và sự phát triển của chính cơ sở GD.

Bởi vì, như đã phân tích ở trên, mặc dù giáo viên dự thi/xét thăng hạng hiện nay không phải cạnh tranh, nhưng nếu không xác định được cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp thì cơ sở giáo dục sẽ gặp khó khăn trong việc quyết định cho bao nhiêu giáo viên dự thi/xét thăng hạng mỗi năm. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm sẽ lấy cơ cấu hạng đã được phê duyệt trong Đề án vị trí việc làm làm cơ sở để ra quyết định phê duyệt số lượng giáo viên được thăng hạng hằng năm đối với cơ sở GD đó.

Trong quy định hiện nay về điều kiện dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, ngoài việc giáo viên đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi là một điều kiện quan trọng. Đồng thời, việc cử giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương.

Như vậy, việc xác định được cơ cấu đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên của các cơ sở GD là rất quan trọng. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cần quan tâm tới nội dung này khi tiến hành xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ sở GD. Giáo viên, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của chính mình, cần chủ động quan tâm và đề nghị cơ sở GD phải xác định được cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp của đơn vị, từ đó xây dựng các lộ trình cá nhân để tích lũy điều kiện, minh chứng tham dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.