Giáo viên hợp đồng ở Hà Nội: Lương thấp không sợ bằng… thất nghiệp

GD&TĐ - Trước kỳ thi tuyển viên chức ngành Giáo dục trên địa bàn Hà Nội sắp diễn ra, nhiều giáo viên hợp đồng tỏ ra lo lắng sẽ mất việc. Nhiều người có thâm niên công tác 5 - 7 năm, thậm chí 15 - 20 năm vẫn chỉ sống với mức lương “cơ bản”. Nói về lương giáo viên hợp đồng, nhiều người rơi nước mắt nhưng cũng không bằng nỗi lo… thất nghiệp.

Hàng chục giấy khen, bằng khen mà cô Mỹ nhận được trong thời gian công tác
Hàng chục giấy khen, bằng khen mà cô Mỹ nhận được trong thời gian công tác

Chỉ một hệ số lương

Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo GD&TĐ, các giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh cho biết: Họ đang tập trung vào kỳ thi tuyển viên chức tới đây, nhưng cũng bày tỏ nguyện vọng được xét đặc cách vào viên chức giáo dục thay vì tuyển sinh như thí sinh tự do. Bởi giáo viên gửi đơn là những người đã dạy hợp đồng từ khi huyện còn thiếu nhân lực. Trong số đó, người có thời gian công tác ít cũng 5 - 7 năm, người nhiều là 15 - 20 năm.

Điều đáng nói, trong tổng số những giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện Đông Anh, có những giáo viên THCS từ khi vào nghề chỉ được hưởng mức lương cơ bản hệ số 1,86. Dù nhiều khó khăn nhưng tất cả giáo viên luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc. Bằng chứng là nhiều thầy cô được tặng bằng khen, giấy khen của các cấp và là giáo viên nòng cốt của trường.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Trần Thị Ngọc Mỹ, dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Nam Hồng, cho biết: Trong số giáo viên có hợp đồng từ 17 năm trở lên giống như cô có 13 - 14 người khối THCS, thậm chí người nhiều nhất là 23 năm. Về nguyện vọng trong kỳ thi tuyển viên chức sắp tới, cô Mỹ nói: “Mình theo đuổi nghề giáo viên 17 năm với mức lương 1,86. Hi vọng sự cống hiến, cùng những thành tích đã đạt được, mình sẽ được đặc cách để xét tuyển vào viên chức”.

Theo cô Mỹ, khi mới kí hợp đồng, cô được hưởng hệ số lương là 1,78. Dòng dã trong 17 năm công tác, cô hưởng mức lương không quá 1,86. Tuy nhiên, từ khi có chế độ lương mới, cô vẫn được hưởng ở mức lương đó. Hơn nữa 2 tháng nghỉ hè cô không được hưởng lương và có những năm không được đóng bảo hiểm vì bị cắt lương hè. “Mình là giáo viên dạy Văn, 4 năm nay kiêm Tổng phụ trách Đội với mức lương hơn 3,3 triệu đồng. Với mức lương đấy, xin hỏi có đủ sống, đủ tiền đóng học cho con không? Thực sự là mình may mắn khi có gia đình hậu thuẫn, nếu không chẳng thể theo đuổi được nghề truyền thống gia đình”, cô Mỹ nghẹn ngào nói.

Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục là những gì cô Đặng Thị Ngọc đem về khi hết tuổi cống hiến
  • Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục là những gì cô Đặng Thị Ngọc đem về khi hết tuổi cống hiến

Thâm niên cũng không ưu đãi

Cũng giống như trường hợp của cô Mỹ và các giáo viên khác ở huyện Đông Anh, cô Nguyễn Thị Quy - GV Ngữ văn, Trường THCS Đốc Tín cũng khó khăn không kém. Cô Quy kể: Năm 1998 tôi nhận quyết định dạy hợp đồng và trong giấy đó người ta ghi là hợp đồng 1 năm nhưng đến tận tháng 9/2018, tôi mới được kí lại hợp đồng. Trong thời gian công tác, chúng tôi không có bảo hiểm, mà chỉ có mỗi tờ giấy quyết định về việc tiếp nhận đi làm từ năm 1998 đến bây giờ. Bảo hiểm không được đóng, không được một chế độ gì, kể cả 2 lần nghỉ thai sản”.

“Lương thấp nhưng chúng tôi vẫn cố gắng ở lại vì yêu nghề, dù chẳng có bất cứ chế độ gì, bảo hiểm xã hội cũng không có. Sau 21 năm công tác, giờ đây nếu Nhà nước chấm dứt hợp đồng thì tôi cũng như mấy trăm giáo viên hợp đồng khác của huyện Mỹ Đức sẽ về tay trắng. Tuổi cũng đã nhiều sẽ chẳng biết làm gì nữa, xin vào các công ty cũng không được”,cô Quy ngậm ngùi nói.

Theo cô Quy, trong thời gian dạy hợp đồng, cô có dự thi tuyển viên chức 3 lần nhưng đều không may mắn. Lúc mới vào nghề cô hưởng mức lương 180 nghìn đồng, sau 2 năm tăng lên 240 nghìn đồng. Từ đó đến nay, mức lương tối thiểu của cô luôn ở mức thấp nhất, trong khi mức lương tối thiếu Nhà nước quy định là 1,39 triệu đồng thì cô và những giáo viên hợp đồng khác ở huyện Mỹ Đức vẫn đang hưởng 1,21 triệu đồng/tháng.

Cũng như những giáo viên hợp đồng khác, mặc dù vào ngành công tác từ năm 1996 với hình thức giáo viên hợp đồng, cô giáo Đặng Thị Ngọc đã có 23 năm công tác và tháng 1/2020 đến tuổi nghỉ hưu. Quá trình làm việc cô cũng vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng. Nhưng theo cô Ngọc, khi cô về hưu sẽ chẳng được hưởng bất cứ một chế độ gì ngoài món quà nhỏ từ phía nhà trường tặng làm kỉ niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ