Bài 1: Cấp tập xóa sổ ngôi trường hơn 30 năm tuổi

GD&TĐ - Một ngôi trường với tuổi đời hơn 30 năm đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ chỉ vì lý do: Khó khăn trong tuyển sinh một năm học. 13 giáo viên, công nhân viên đang có cuộc sống ổn định bỗng chốc trở nên thất nghiệp chỉ qua thông báo bằng miệng của cơ quan chủ quản.

Trường THPT Tư thục Phù Đổng khang trang hiện nay, từ vị trí đắc địa cho tới cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu GD toàn diện cho HS
Trường THPT Tư thục Phù Đổng khang trang hiện nay, từ vị trí đắc địa cho tới cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu GD toàn diện cho HS

Sự quyết liệt và vội vã trong việc giải thể Trường THPT Phù Đổng (phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) khiến giáo viên, phụ huynh đặt ra rất nhiều nghi ngại về những uẩn khúc đằng sau.

Quyết định gây bất ngờ

Cầm lá đơn cầu cứu gửi đến chúng tôi, tập thể giáo viên Trường THPT Tư thục Phù Đổng không cầm được nước mắt, họ nói trong giọng uất nghẹn của cảm xúc: Mong quý anh, chị can thiệp để giữ lại ngôi trường, giữ lại một phần lịch sử của bao thế hệ CBQL, GV đã gìn giữ, dựng xây.

Trường THPT Tư thục Phù Đổng những ngày đầu được thành lập dưới tâm huyết của thầy giáo Huỳnh Văn Uyên cùng nhân dân phường 8, TP Đà Lạt. Những năm 1980, khi GD đang còn gặp nhiều khó khăn và thách thức xóa mù chữ, HS khó khăn, cơ nhỡ, lang thang gần như không có điều kiện học hành thì thầy giáo trẻ Huỳnh Văn Uyên đã đi khắp cùng ngõ hẻm đưa các em về dạy học miễn phí. HS đông, thầy Uyên cùng nhân dân phường 8 xin thành lập Trường Trung học Dân lập Phù Đổng trên nền Trường Tiểu học Trung Bắc có trước năm 1975.

Ngày 4/8/1989, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 343-QĐ/UBND về việc thành lập Trường Trung học Dân lập Phù Đổng. Cái tên Phù Đổng chính thức được xác lập trên bản đồ GD tỉnh nhà. Do tính chất đặc thù của trường những ngày đầu thành lập nên ngày 9/8/1997 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1179/QĐ-UBND chuyển chủ thể quản lý Trường THPT Dân lập Phù Đổng là Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng sang cho Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng.

Tháng 8/2008, Tỉnh đoàn Lâm Đồng Ban hành quy chế hoạt động của Trường Trung học Dân lập Phù Đổng với điều lệ và thành viên tổ chức sáng lập, góp vốn xây trường một cách cụ thể gồm: Tỉnh đoàn Lâm Đồng nắm giữ 75%, UBND phường 8, TP Đà Lạt giữ 15%, ông Nguyễn Hòa Bình giữ 10%. Năm 2013, Trường THPT Dân lập Phù Đổng chính thức chuyển đổi loại hình hoạt động sang tư thục theo Quyết định số 570-QĐ/UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng với cơ quan chủ quản là Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Lâm Đồng.

Trải qua gần 30 năm với 4 đời hiệu trưởng, Trường THPT Tư thục Phù Đổng ngày càng lớn mạnh và là nơi GD-ĐT bao lớp HS. Trường vẫn tuyển sinh đều đặn hàng năm, với số lượng HS tương đối ổn. Tuy nhiên, rắc rối nảy sinh khi ngày 22/7/2017, Tỉnh đoàn tỉnh Lâm Đồng thông báo cho cô Nguyễn Thị Xuân Dung - Hiệu trưởng nhà trường về yêu cầu trường dừng tuyển sinh lớp 10 niên khóa 2017 - 2018, đồng thời tuyên bố giải thể trường, với lý do trường làm ăn thua lỗ, nhiều năm liền không tuyển sinh được.

Căn cứ vào đâu để đóng cửa trường?

Chỉ bằng một chỉ thị không có văn bản pháp lý như trên của cơ quan chủ quản, cô Nguyễn Thị Xuân Dung vẫn nghiêm chỉnh chấp hành và dừng tuyển sinh. Song song với việc dừng tuyển sinh theo lệnh cấp trên, ngày 19/4/2018 Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Dung triệu tập cuộc họp với toàn thể CB-CNV - GV nhà trường thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với CB-CNV-GV nhà trường trước ngày 31/05/2018 theo yêu cầu của bà Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng, Chủ tịch HĐQT nhà trường.

Mọi thứ ập đến một cách quá bất ngờ khiến cho tập thể GV - CNV của trường rất bức xúc, nhất là sự lý giải không thuyết phục của cấp có thẩm quyền. Cô Nguyễn Thị Như Xuân - Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cho chúng tôi biết: Họ lấy lý do tuyển sinh không được, trường làm ăn thua lỗ để dừng tuyển sinh, giải thể trường là rất bất hợp lý. Không có văn bản, quyết định pháp lý nào mà hiệu trưởng đã dừng tuyển sinh, không cho tuyển sinh rồi tự đưa ra dự báo việc tuyển sinh các năm sau sẽ tiếp tục khó khăn, để giải thể trường là quá vô lý.

“Thực tế, gần 30 năm qua trường luôn hoạt động theo phương châm tự thu - tự chi, Tỉnh đoàn Lâm Đồng không hỗ trợ hay đầu tư bất cứ một khoản nào. Trường nên hình hài khang trang như ngày hôm nay hoàn toàn từ sự đóng góp của phụ huynh, tập thể GV nhà trường, Tỉnh đoàn chỉ đứng tên cơ quan chủ quản vì tính pháp lý. Những ngày tháng khó khăn, GV còn tự giảm lương, đóng góp từng viên gạch để dựng xây nhà trường, nay chỉ bằng một quyết định miệng thông báo dừng hợp đồng lao động, xem chúng tôi như những người làm thuê là không thể chấp nhận được” - cô Xuân bức xúc.

Đối sánh những con số tuyển sinh và chi tiêu qua từng niên học, chúng tôi thấy điều các thầy cô giáo phản ánh là có cơ sở. Về tuyển sinh lớp 10, năm học 2014 - 2015 tuyển được 120/200 em, năm học 2016 - 2017 tuyển được 162/200 em, năm học 2016 - 2017 tuyển được 53/200 em (năm 2017 - 2018 không được tuyển)

Về tài chính, trường hoạt động vẫn ổn, chưa hề thua lỗ để Tỉnh đoàn phải bù lỗ. Đặc biệt trong năm tài chính 2015 - 2016 và 2016 - 2017, qua báo cáo của thủ quỹ thì trường ngoài việc đảm bảo được ổn định quỹ lương cho GV, CNV nhà trường còn để dành được một khoản tiền gần 1,4 tỉ đồng trả nợ ngân hàng (trước đó vay 1,8 tỉ để xây 4 phòng học).

Theo cô Nguyễn Thị Hiền, GV Sinh học kiêm thủ quỹ, nếu năm học 2017 - 2018 không bị cấm tuyển sinh thì khoản nợ xây dựng cơ sở vật chất hơn 400 triệu có khả năng trả hết. Điều đó cho thấy, mới chỉ qua 1 năm tuyển sinh không tốt để đưa ra quyết định xóa sổ hẳn một ngôi trường với lý do không có nguồn chi là rất đáng suy nghĩ.

Chưa bố trí, ổn định đời sống GV vẫn quyết tâm giải thể

Đây chính là điều khiến cho tập thể GV-CNV Trường THPT Tư thục Phù Đổng cảm thấy bức xúc nhất. Cũng chính vì sự cấp tập trong quyết tâm xóa sổ ngôi trường mà gần như tập thể GV-CNV đã dành cả tuổi thanh xuân cống hiến khiến họ đặt ra không ít câu hỏi cũng như sự bất phục.

Cô Phan Thị Tuyết Hoa, GV nhà trường cho biết: Thực tế thông báo giải thể trường, chấm dứt hợp đồng lao động với GV, CNV đã được Tỉnh đoàn Lâm Đồng thông báo từ năm học trước. Nhưng lúc đó Tỉnh đoàn gặp phải sự phản đối quá lớn từ phụ huynh và HS nhà trường nên đã dừng lại và chuyển sang cách không cho tuyển sinh đầu vào lớp 10 niên khóa 2017 - 2018.

“Khi chỉ thị xuống cho hiệu trưởng thực hiện việc dừng tuyển sinh, chấm dứt hợp đồng lao động với GV, CNV nhà trường, Tỉnh đoàn có hứa sẽ bố trí công việc, ổn định đời sống cho tập thể GV, CNV xong mới tính đến việc giải thể trường. Nhưng thực tế đến giờ mọi thứ không có gì. Suốt một năm qua GV, CNV chúng tôi phải tự thân chạy đôn, chạy đáo kiếm tìm một nơi làm việc nhưng vô vọng. Bởi ngoài việc lớn tuổi, trong tay lại chẳng có gì nên không thể xin được việc” - cô Tuyết Hoa phản ánh.

Thực tế, trong Công văn số 1713-CV/TU (ngày 28/6/2017) mà Tỉnh ủy Lâm Đồng phúc đáp cho Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lâm Đồng khi có Tờ trình số 25-TTr/UBH, ngày 20/6/2017 gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương chuyển đổi Trường THPT Tư thục Phù Đổng sang mô hình mầm non song ngữ chất lượng cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu rõ: Đồng ý chủ trương nhưng giao Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Sở GD&ĐT có phương án sắp xếp, bố trí công việc cho số GV hiện hữu và xử lý các khoản góp vốn đầu tư cơ sở vật chất nhà trường.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tới thời điểm này mọi thứ mới chỉ dừng lại ở thông báo miệng giữa cấp quản lý là Tỉnh đoàn Lâm Đồng, Hiệu trưởng với GV, các quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa Tỉnh đoàn Lâm Đồng với GV, CNV chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Công tác bố trí việc làm, ổn định đời sống GV, CNV vẫn chưa được Tỉnh đoàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện.

Bức xúc và nghi ngờ về sự bất thường trong việc quyết tâm giải thể Trường THPT Tư thục Phù Đổng, tại buổi làm việc với phóng viên dưới sự chứng kiến của đại diện PA83, cô Trần Thị Trung - Hội trưởng hội phụ huynh, người gắn bó với trường ngay từ những ngày đầu đặt câu hỏi: Có hay không sự khuất tất đằng sau việc giải thể nhà trường?

“Họ chuyển hết hơn 50 em HS lớp 11 qua trường khác, gấp rút chấm dứt hợp đồng lao động với GV, CNV trước ngày 31/5 để chuyển sang mô hình trường mầm non tư thục song ngữ do doanh nghiệp làm chủ. Điều này thật sự phù hợp và công bằng với tập thể GV không? Đúng pháp luật không? Vì sao họ chắc chắn mô hình mới thành công hơn mô hình đang hoạt động rất tốt, rất có chất lượng hiện nay?”- cô Trần Thị Trung nêu ý kiến.

Thực tế, thời điểm này mọi thứ mới chỉ dừng lại ở chủ trương, Tỉnh ủy Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa ban hành một văn bản, hay quyết định nào về việc xóa sổ Trường THPT Tư thục Phù Đổng. Đặc biệt, khi đối chiếu với Quyết định số 847/QĐ-UBND tỉnh Lâm Đồng (ngày 22/4/2016) về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học TP Đà Lạt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà tỉnh Lâm Đồng đã thông qua, Trường THPT Tư thục Phù Đổng vẫn được giữ nguyên. Vì vậy, những động thái gấp rút xóa sổ một ngôi trường có lịch sử 30 năm tồn tại, mà không tìm hướng giải quyết phù hợp của Tỉnh đoàn Lâm Đồng đang bị GV, phụ huynh đặt dấu hỏi lớn.

Bài 2: Chịu thiệt vẫn là giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.