Bác sĩ tư vấn cách hỗ trợ trẻ phòng dịch Covid-19 tại trường

GD&TĐ - Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hầu hết các địa phương đã quyết định cho học sinh đi học trở lại. Bác sĩ nhi khoa khuyến cáo những cách hỗ trợ trẻ phòng tránh dịch bệnh một cách hiệu quả nhất tại trường học.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Tính đến ngày 1/3, đã có 61/63 tỉnh thành cho học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Riêng Hà Nội sẽ mở cửa trường học từ ngày 2/3. Cả nước hiện chỉ còn 2 tỉnh là: Hải Phòng và Hải Dương đề nghị kéo dài thời gian nghỉ học do diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp.

Giữ vệ sinh và tăng sức đề kháng

PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh – (Trung tâm Nhi, Bệnh viện trung ương Huế) lưu ý, để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm và chăm sóc trẻ tốt hơn, nhà trường cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh nơi trẻ vui chơi, học tập. Tăng cường thông khí khu vực trường lớp bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, bật điều hoà ở nhiệt độ thích hợp. Nơi sinh hoạt của trẻ phải được tiệt trùng, lau chùi thường xuyên.

Cùng với đó, thầy cô cần duy trì nhắc nhở học sinh giữ vệ sinh cá nhân bởi đây cũng là một biện pháp quan trọng để chăm sóc trẻ em hiệu quả.

Bên cạnh đó, bếp ăn bán trú cần chú trọng tăng cường sức đề kháng, phòng dịch bằng việc cân đối khẩu phần ăn với thực đơn phù hợp. Đảm bảo ăn chín, uống sôi và thức ăn đủ ấm.

“Sức đề kháng tốt là then chốt để bảo vệ cơ thể mỗi người khỏi tác động của môi trường và nguy cơ bệnh tật. Cùng với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý từ bữa ăn học đường và bữa ăn tại gia đình, nhà trường cũng cần tăng cường thời gian biểu luyện tập thể thao, đảm bảo giấc ngủ trưa cho trẻ khi ở trường”, PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh nhấn mạnh.

Nhân viên bếp ăn Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) tiệt trùng dụng cụ, chuẩn bị bữa ăn bán trú an toàn. (Ảnh: Nhà trường)
Nhân viên bếp ăn Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) tiệt trùng dụng cụ, chuẩn bị bữa ăn bán trú an toàn. (Ảnh: Nhà trường)

Những điều trẻ cần làm khi ở trường

Sau thời gian dài nghỉ học để phòng dịch tại nhà, khi đi học lại, trẻ sẽ tiếp xúc nhiều với những khu vực đông người cũng như các vật dụng công cộng. Do đó, cha mẹ và thầy cô cần tăng cường nhắc nhở trẻ về những biện pháp tự bảo vệ, duy trì các thói quen phòng dịch mọi lúc mọi nơi.

PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh nhận định, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới hiện vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Tại Việt Nam, sau đợt bùng phát trở lại, mặc dù tình hình đang được Chính phủ và ngành Y tế kiểm soát rất tốt song chúng ta không khi nào được lơ là, chủ quan. Cha mẹ và thầy cô vẫn cần duy trì những biện pháp như: vệ sinh môi trường xung quanh, vật dụng, đồ chơi của trẻ; cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý,...

Thêm vào đó, trẻ cần được trang bị ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên vì trẻ thường có thói quen cầm nắm đồ vật, đưa tay lên mắt, mũi, miệng, là con đường xâm nhập của virus vào cơ thể. Cần nhắc nhở trẻ rửa tay khi đến lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, lúc về nhà, sau khi chơi đồ chơi và đeo khẩu trang. Cùng với việc thường xuyên đeo khẩu trang trên đường đi học, trong giờ ra chơi, cha mẹ và thầy cô cần khích lệ, động viên và hướng dẫn trẻ sử dụng khẩu trang đúng cách.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cha mẹ cần kiểm tra thân nhiệt cho trẻ trước khi đến lớp. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện không bình thường nào về sức khỏe, cha mẹ không nên cho con đến trường để tránh lây lan cho các học sinh khác.

Cha mẹ cũng cần phối kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để theo dõi tình trạng sức khỏe của con. Trong trường hợp trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào về sức khoẻ, giáo viên chủ nhiệm cần báo ngay cho các lãnh đạo nhà trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.