Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho Hùng Dũng: Cần tối thiểu 6 tháng để bình phục

GD&TĐ - Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho Hùng Dũng cho biết, chấn thương của tiền đạo này thuộc loại nặng, cần phải được phẫu thuật và điều trị đúng cách. Trước mắt, cần tối thiểu 6 tháng để bình phục chấn thương.

Hùng Dũng cần tối thiểu 6 tháng để bình phục chấn thương.
Hùng Dũng cần tối thiểu 6 tháng để bình phục chấn thương.

Ngày 24/3, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh thông tin, cầu thủ Đỗ Hùng Dũng được phẫu thuật vào sáng nay và ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.

Hiện sức khỏe của cầu thủ Hùng Dũng đã ổn tình, đang được các bác sĩ theo dõi.

Hùng Dũng được bác sĩ Phạm Quốc Hùng, một trong những bác sĩ hàng đầu, chuyên gia trong lĩnh vực cơ xương khớp trực tiếp phẫu thuật.

Vị bác sĩ này trước đó cũng từng mổ cho nhiều cầu thủ Hà Nội FC như Đình Trọng, Văn Hậu, hay Duy Mạnh cũng từng nhờ bác sỹ này thăm khám sau khi phẫu thuật tại Singapore; phẫu thuật cho cầu thủ Nguyễn Thị Liễu của ĐT nữ Việt Nam.

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết: “Ca mổ đã được diễn ra thành công, với phương pháp kết hợp xương bằng đinh chốt kín qua C-Arm”.

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng chia sẻ, phương pháp phẫu thuật này là lựa chọn tối ưu trong trường hợp của Hùng Dũng.

Theo đó, đây là phương pháp cho phép sắp xếp các đầu gãy và mảnh gãy về vị trí giải phẫu, cố định vững chắc ổ gãy, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình liền xương và hồi phục chức năng của chân sau này.

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho tiền vệ Đỗ Hùng Dũng. Ảnh: FBNV.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho tiền vệ Đỗ Hùng Dũng. Ảnh: FBNV.

Bác sĩ Dũng cho hay, điều may mắn trong chấn thương này là Hùng Dũng chỉ bị gãy xương chày và xương mác chứ không bị tổn thương dây chằng, hiện tâm lí Dũng cũng đã ổn định lại.

Đánh giá về chấn thương của Hùng Dũng, bác sĩ Quốc Hùng cho biết, chấn thương của Hùng Dũng thuộc loại nặng, cần phải được phẫu thuật và điều trị đúng cách. Trước mắt, anh cần tối thiểu 6 tháng để bình phục chấn thương.

Cũng theo bác sĩ, với chấn thương dạng này, Hùng Dũng sẽ phải phẫu thuật, đóng đinh nẹp vít, sử dụng dụng cụ kết hợp xương.

Nếu thêm tổn thương cổ chân và đầu gối thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Sau này khi hồi phục, hậu quả của chấn thương có thể gây ra biến chứng như dễ bị cứng khớp, co rút, khó bình phục nếu như vận động mạnh.

Tuy nhiên, bác sĩ nhận định, đây là dạng chấn thương không phải hiếm với các vận động viên thể thao hay các cầu thủ. Điều quan trọng là sau phẫu thuật cầu thủ hồi phục và tập luyện như thế nào để có thể trở lại. Ý chí và quyết tâm của cầu thủ cũng rất quan trọng để quá trình hồi phục diễn ra tốt hơn.

Hình ảnh từ phòng mổ, bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật kết hợp xương cho Hùng Dũng. Ảnh: BV.
Hình ảnh từ phòng mổ, bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật kết hợp xương cho Hùng Dũng. Ảnh: BV.

Trước đó, sáng 24/3, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng đã trải qua ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ tại bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh sau khi gặp chấn thương cực kì nghiêm trọng ở trận đấu giữa câu lạc bộ TP.HCM và Hà Nội tối 23/3.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực cơ xương khớp cho biết, nếu xét về mức độ nghiêm trọng, có lẽ gãy xương dễ hồi phục hơn chấn thương đứt toàn bộ dây chằng.

Tuy nhiên, chấn thương của Dũng thuộc loại nặng, đòi hỏi trình độ ê kíp phẫu thuật cho anh phải rất cao. Sau đó, Dũng cần phải được điều trị đúng cách. Nếu kết hợp được các yếu tố với nhau thì có thể từ 3 - 6 tháng, Dũng có thể đi lại, tập nhẹ được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ