Bắc Ninh: Dạy và học “thích ứng” để phụ huynh an tâm, học sinh an vui đến trường

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT Bắc Ninh chủ động triển khai các hoạt động dạy và học đảm bảo thông suốt, chất lượng trong điều kiện phòng chống dịch Covid - 19 để trường học an toàn, phụ huynh an tâm, học sinh an vui…

Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Bắc Ninh) thực hiện đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường.
Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Bắc Ninh) thực hiện đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường.

Giải “bài toán” dạy và học

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Ninh cho thấy,  ngay sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022, hơn 95% học sinh bậc học phổ thông tại tỉnh trở lại trường học trực tiếp.

Tại trường THCS Bình Định (huyện Lương Tài), thầy Phùng Đức Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ ngày đầu trở lại trường, cả thầy cô, học sinh đều hào hứng trong dạy và học. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tăng cường, bảo đảm dạy và học thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh.

Thầy Ngọc đánh giá, năm học 2021-2022 tiếp tục đầy biến động.“Trước thử thách, khó khăn hiện hữu, trường THCS Bình Định đã xây dựng kế hoạch dạy học với phương châm dù bất kỳ tình hình dịch thế nào vẫn không ngừng nhiệm vụ dạy và học...”, thầy Ngọc nói.

Theo thầy Ngọc, nhà trường xây dựng cụ thể kế hoạch đón học sinh trở lại trường, kế hoạch an toàn giảng dạy, học tập.

“Học sinh đến trường đều được thầy cô chủ nhiệm đón tại lớp. Các em thực hiện nghiêm các quy trình phòng dịch như: Rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay ở các khu được định sẵn. Sau đó, thầy cô chủ nhiệm đón các em tại cửa lớp, hướng dẫn sát khuẩn tay, rồi mới vào lớp. Trong suốt quá trình học tập, học sinh hạn chế tiếp xúc với bạn bè trong lớp hoặc khác lớp, thực hiện nghiêm túc “Quy định 5K”.

Trường THCS Bình Định (huyện Lương Tài) linh hoạt dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh.
Trường THCS Bình Định (huyện Lương Tài) linh hoạt dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh.

Tất cả hoạt động phòng, chống dịch của học sinh đều có sự giám sát của thầy cô chủ nhiệm, bộ môn và đội cờ đỏ, cán sự phụ trách lớp. Liên đội có đội giám sát phòng dịch, lớp có ban phòng dịch của học sinh. Nhà trường có “Tổ an toàn Covid-19” được Hiệu trưởng ra quyết định thành lập và có kế hoạch hoạt động cụ thể; Đồng thời, xác định “An toàn để học tập và học tập phải thực sự an toàn” trong dịch…”, thầy Ngọc nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, trường THCS Bình Định chia 2 ca học (sáng, chiều). Ca sáng cho khối 6 và 9, ca chiều là khối 7 và 8.

“Việc chia ca học có khó khăn trong bố trí nhân lực giảng dạy nhưng rõ ràng đảm bảo được giãn cách cần thiết cùng lúc có số lượng đông học sinh đến trường. Nhà trường phối hợp Trạm Y tế xã trong việc theo dõi sức khỏe học sinh và ứng biến những tình huống bất thường xảy ra. Phối hợp tiêm vắc xin phòng dịch cho các em từ 12 đến 15 tuổi, đến nay, 99,8% học sinh được tiêm 2 mũi…”, thầy Ngọc cho biết thêm.

Hiệu trưởng trường THCS Bình Định cũng cho biết, không chỉ thích ứng an toàn trong dịch, nhà trường còn linh hoạt và sáng tạo các phương án dạy học để tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy được đảm bảo.

Khi dịch bùng phát tại địa phương, toàn trường chuyển trạng thái dạy học bằng phương án trực tuyến. Thầy cô triển khai kế hoạch dạy học theo thời khóa biểu phân công. Ban Giám hiệu thường xuyên vào các lớp học trực tuyến để dự giờ và giám sát công tác dạy của thầy cô, nhiệm vụ học của học sinh.

Khi học sinh được trở lại trường, nhà trường thực hiện song song 2 hình thức giảng dạy (hai trong một) vừa triển khai nhiệm vụ giảng dạy trực tiếp với học sinh không liên quan đến dịch và trực tuyến với học sinh không thể đến trường vì dịch. Qua đó, 100% học sinh vẫn được học tập một cách đầy đủ.

“Đến thời điểm hiện tại, hoạt động dạy, học và công tác đảm bảo an toàn trong dịch của nhà trường vẫn được duy trì tốt.

Dù dịch bệnh dự báo còn kéo dài, phức tạp nhưng dưới vòm xanh lá, trong mỗi tiết tại trường THCS Bình Định vẫn âm thanh thân thương quen thuộc từ lời giảng ân cần, trầm ấm của thầy cô và tiếng thảo luận bài của học trò. An toàn và thanh bình như thể chưa hề có dịch…”, thầy Ngọc nhấn mạnh.

Trẻ an vui đến trường

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Ngô Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Bắc Ninh) cho biết, sau Tết Nguyên đán, kế hoạch đón trẻ trở lại trường đã được nhà trường xây dựng và chuẩn bị.

Theo cô Hường, cùng với chất lượng học tập cho trẻ, nhất là trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 thì công tác đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Trường Mầm non Sao Mai thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình dịch, biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và cơ quan chức năng địa phương để tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh dưới nhiều hình thức.

Đồng thời, tuyệt đối không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế..., hạn chế các hoạt động có sự tham gia của nhiều lớp.

Cô giáo trường Mầm non Sao Mai hướng dẫn cho trẻ rửa tay với nước sát khuẩn để phòng dịch.
Cô giáo trường Mầm non Sao Mai hướng dẫn cho trẻ rửa tay với nước sát khuẩn để phòng dịch.

Nhà trường cũng khuyến khích sử dụng bình (chai) nước uống cá nhân; thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Các phương án đón và trả học sinh cũng được thông báo cụ thể và công khai trên cổng thông tin của nhà trường theo từng khối lớp, không để tình trạng tập trung đồng loạt.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo và toàn diện nên hầu hết các phụ huynh các em nhỏ đã tin tưởng, đồng ý và tự nguyện đưa trẻ đến trường học trực tuyến từ ngày 7/2. Sau ngày đầu tiên đón trẻ đến trường (8/2), tất cả các em nhỏ đã được học trực tiếp tại trường với tổng số 850 em.

Không chỉ đảm bảo công tác phòng chống dịch, Trường Mầm non Sao Mai cũng tập trung thực hiện đầy đủ chương trình học để đạt được kết quả mong đợi đối với trẻ từng độ tuổi. Trong đó, các Tổ chuyên môn của trường xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể đối với từng khối lớp, sao cho phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, địa phương.

"Tại trường Mầm non Sao Mai, lớp trẻ 3 tuổi đã được làm quen với ngôn ngữ; trẻ lớp 4 tuổi đến 5 tuổi đã có thể cộng trừ thành thạo các phép tính nhiều chữ số nếu không cần ghi nhớ.

Ngoài ra, công tác giảng dạy ngoại ngữ cho trẻ cũng đạt chất lượng hàng đầu so với các cơ sở giáo dục mần non tại thành phố Bắc Ninh. Qua đó, tạo nguồn chất lượng học sinh lớp 1 cho các trường tiểu học...", cô Hường nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.