Bạc Liêu chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển

GD&TĐ - Thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang diễn biến phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi...

Tình trạng sạt lở uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển, ven sông.

Tốc độ sạt lở bờ sông, bờ biển gia tăng

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 39 khu vực bị sạt lở bờ sông. Tốc độ sạt lở bờ ở các khu vực này thường từ 1 - 2m/năm (sạt lở bờ sông Gành Hào (đoạn giữa G4 và G5); từ 0,5 - 1m/năm (sạt lở bờ kênh Cà Mau - Bạc Liêu, bờ kênh 30/4, kênh Quản Lộ Gía Rai, kênh Cạnh Đền Hộ Phòng, kênh Láng Trâm, kênh Nước Mặn, kênh Ca Vĩnh, sông Gành Hào đoạn từ Rạch Cóc đến Cải Su); các khu vực tuyến sông, kênh rạch còn lại có tốc độ sạt lở từ 0,3 – 0,5m/năm.

Nhiều vị trí bờ sông, bờ biển tại Bạc Liêu bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Linh.
Nhiều vị trí bờ sông, bờ biển tại Bạc Liêu bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Linh.

Thời gian qua chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp phòng chống xói mòn, hỗ trợ thiệt hại, song những giải pháp tạm thời trên không giúp người dân thoát khỏi nguy cơ bị “tử thần”, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân sống dọc theo các tuyến kênh, rạch. 

Chỉ tính riêng trên địa bàn thị xã Giá Rai trong 6 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra 4 đợt sạt lở, các điểm sạt lở bờ kênh nằm trên địa bàn phường 1, phường Hộ Phòng và xã Tân Phong, tổng chiều dài các đoạn sạt lở trên 330 m, có 24 hộ dân sinh sống, trong đó có 14 căn nhà bị sập, ước tính thiệt hại gần 300 triệu đồng; 10 căn nhà còn lại còn lại đang đối mặt với nguy cơ sạt lở cao có thể bị trôi tuột xuống kênh bất cứ lúc nào.

Song song đó, có 4 khu vực sạt lở bờ biển tập trung ở huyện Đông Hải (2 khu vực) và TP. Bạc Liêu (2 khu vực). Tại các khu vực bị sạt lở, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đô thị, khu dân cư,...vết sạt gần đến chân đê, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng đang sử dụng như: giao thông, đường điện... Qua kiểm tra thực tế cho thấy, Bạc Liêu có khoảng 15 km bờ biển bị xói lở quanh năm; 19 km bờ biển có những tháng lở, tháng bồi; 22 km bờ biển được bồi lắng quanh năm. Qua theo dõi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu nhận thấy, tốc độ sạt lở bờ sông ở các vị trí trên thường từ 0,3-3m/năm. Có những điểm sạt lở ở sát khu dân cư, cơ sở hạ tầng.

Nguyên nhân chính gây sạt sở bờ sông, bờ biển

Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển chủ yếu do những tồn tại và nguyên nhân sau. Đó là, do diễn biến thời tiết bất thường của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển; tác động của thủy triều; tác động của sóng, gió. Tình trạng khai thác cát, phù sa ở thượng nguồn sông Mêkông; hậu quả từ các hoạt động nhân sinh như lấn chiếm, vi phạm, xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch.

Ý thức của người dân còn hạn chế khi có sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra.... cộng hưởng với vấn đề biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai và sụt lún nền đất; lưu lượng tàu thuyền đi lại trên sông, kênh, rạch nhiều, tạo ra sóng mặt nước tác động vào 2 bên bờ sông, kênh, rạch gây sạt lở bờ sông…

Đáng lưu ý là đa số những người dân bị ảnh hưởng của sạt lở có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, ngoài việc lập biển cảnh báo ở các điểm hay xảy ra sạt lở, hỗ trợ cho những hộ bị thiệt hại, UBND thành phố cũng đang lên phương án và lập quy hoạch khu tái định cư để di dời bà con nằm trong vùng sạt lở ra chỗ ở mới an toàn.

Ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Để khắc phục sạt lở, cũng như bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và giúp người dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở có chỗ ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, Sở NN&PTNT đã có công văn gửi các địa phương về việc báo cáo thực trạng, nhu cầu đề xuất, việc bố trí lại dân cư ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc di dời dân vào khu tái định cư đã khó, khó hơn là phải đảm bảo sinh kế sau di dời để người dân ổn định cuộc sống”.

Giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn

Để chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân, đến năm 2025, Bạc Liêu đầu tư và sớm hoàn thiện 27 dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, dự án di dân tái định cư và dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông do sạt lở bờ sông. Cụ thể, bờ sông có 16 dự án, công trình; bờ biển có 9 dự án, công trình; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông.

Đến năm 2030, tỉnh thực hiện 23 dự án; trong đó, có 21 dự án, công trình bờ sông; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông, phân chia theo từng giai đoạn có những biện pháp cụ thể. Tổng kính phí xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 của Bạc Liêu gần 19.300 tỷ đồng.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 cần 11.147 tỷ đồng để đầu tư và sớm hoàn thiện 27 dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển (có 16 dự án chống sạt lở bờ sông; 9 dự án chống sạt lở bờ biển) và Dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông do sạt lở bờ sông.

Giai đoạn 2026-2030 cần 8.110 tỷ đồng để thực hiện 23 dự án, công trình (kể cả dự án giai đoạn 2021-2025 chuyển sang). Trong đó, có 21 dự án và công trình chống sạt lở bờ sông; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, các địa phương trong tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát các khu vực ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó, xử lý, cắm biển báo, mốc quan trắc, giám sát, theo dõi; thông báo thường xuyên và liên tục các vị trí bờ sông, bờ biển có nguy cơ sạt lở để người dân biết, chủ động di dời, vận động, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi ở tạm an toàn.

Cùng với đó, các địa phương tổ chức lập quy hoạch di dời, sắp xếp các khu dân cư, công trình kiến trúc, kho tàng ra ngoài các khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, bờ biển theo quy định; chủ động sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.

Chủ động thông báo, khoanh vùng ngăn không cho người và phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án ứng phó và xử lý cấp bách khu vực sạt lở; thường xuyên kiểm tra các trường hợp xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ bờ sông, bờ biển; kiên quyết xử phạt hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành.

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.