Trả lời PV Báo GD&TĐ, bà Đỗ Thị Việt Hà - Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang, cho biết, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022 (PCI năm 2022) của tỉnh đứng thứ 2 trên cả nước với 72,8 điểm.
Có 2 chỉ số thành phần, gồm: “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” đứng thứ nhất toàn quốc. Các con số này đưa Bắc Giang tăng 39 bậc so với cùng kỳ năm trước.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang, 2 chỉ số thành phần trên có tới 18 tiêu chí đánh giá nên rất khó thực hiện cũng như nâng điểm.
Các chỉ số này được chủ tịch UBND tỉnh phụ trách và giao cho Sở Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm chính, đầu mối cùng 5 cơ quan khác thực hiện, gồm: Công an tỉnh, TAND tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự, Thanh tra tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ.
Với vai trò “chủ công”, Sở Tư pháp sớm ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI và Kế hoạch hành động chi tiết đối với chỉ số được giao.
Các phòng chức năng nghiên cứu, phân tích từng chỉ tiêu thành phần bị giảm điểm, tụt bậc, xếp thứ hạng thấp, qua đó đề ra biện pháp khắc phục.
Các tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền pháp luật được cán bộ phát trực tiếp cho doanh nghiệp và đăng tải công khai trên 5 trang điện tử.
Sở Tư pháp cũng đăng tải, cập nhật kịp thời các thông tin, văn bản pháp luật mới ban hành, để doanh nghiệp thực hiện kịp thời.
Cũng theo người đứng đầu Sở Tư pháp Bắc Giang, Sở này trực tiếp Chủ trì, phối hợp và tham gia cùng các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị, tọa đàm, đối thoại với doanh nghiệp để chia sẻ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Những buổi đối thoại về chỉ số PCI được chú trọng để doanh nghiệp đồng hành với tỉnh nâng cao điểm số.
Bà Đỗ Thị Việt Hà lấy ví dụ Công an tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể giải quyết những vấn đề nổi cộm; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý nguồn tin về tội phạm và phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến tình hình an ninh trật tự.
Bắc Giang đã triển khai mô hình cải cách hành chính đối với 25 đơn vị công an cấp xã, triển khai mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa trong nội bộ.
Trang bị, lắp đặt hệ thống camera giám sát có thu âm thanh, thiết bị đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố.
TAND tỉnh phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ kết quả và thực hiện cắt giảm 5% thủ tục hành chính tư pháp, thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý. Rút gọn quy trình, thời gian giải quyết án kinh doanh thương mại.
Đối với những vụ án không quá phức tạp tập trung giải quyết trước thời hạn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
TAND tỉnh công khai thông tin vụ án, lịch xét xử phiên tòa, bản án trên cổng thông tin, tại trụ sở và tới tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cục Thi hành án Dân sự tỉnh tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy trình, thủ tục đối với các đơn vị có tỷ lệ giải quyết thấp, có vụ việc phức tạp.
Cơ quan này cũng phấn đấu nhanh chóng đăng tải kịp thời, đầy đủ, đúng quy định danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân.
Sở Khoa học và Công nghệ tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đăng ký nhãn hiệu sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ, bản quyền...
Thanh tra tỉnh chỉ đạo toàn ngành công khai email, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực quản lý... đạt được hiệu quả nhất định.
“Từ những nỗ lực đó, năm 2022, chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” của Bắc Giang đạt 8,6 điểm, đứng đầu cả nước. Nhiều chỉ tiêu thành phần có sự cải thiện đáng kể như điểm trung bình “mức độ dễ dàng trong tiếp cận tài liệu pháp lý” của tỉnh xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố, tăng 28 bậc so với năm trước.
Khoảng 92% DN trong tỉnh cho biết “các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp”. 76% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp…”, bà Hà nêu rõ.