Bắc Ninh - Bắc Giang đẩy mạnh ổn định việc làm cho người lao động

GD&TĐ - Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tăng cường bảo đảm điều kiện đời sống, y tế và nhu cầu học tập cho con em công nhân lao động để ổn định việc làm.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn thăm hỏi công nhân khu công nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn thăm hỏi công nhân khu công nghiệp.

“Chiều” doanh nghiệp để giữ việc

Liên quan quyền lợi và việc làm của người lao động, tại hội nghị tiếp xúc cử tri mới đây (12/5), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đem lại công ăn việc làm, tránh nguy cơ hàng nghìn lao động phải ra đường.

Tại hội nghị có 18 ý kiến với 6 nhóm vấn đề chính, trong đó nổi bật là nỗi lo mất việc, nhu cầu nhà ở xã hội, y tế và nhu cầu học tập của con em công nhân.

Về vấn đề này, ông Lê Ánh Dương cho biết, sau đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp khó khăn, không cho công nhân tăng ca hoặc tăng ca ít. Sau đó, khi họ khó khăn hơn thì áp dụng giãn, giảm giờ làm. Đặc biệt, có công ty điện tử cắt giảm cả vạn người lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang lý giải, thiếu việc làm xuất phát từ nhiều lý do, trong đó nổi bật là thiếu đơn hàng từ Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, Bắc Giang đã có giải pháp tạo việc làm cho người lao động.

Đầu tiên, Bắc Giang tăng thu hút đầu tư thay vì trông chờ doanh nghiệp tạo việc làm mới. Qua đó, những tháng đầu năm 2023, Bắc Giang đã đẩy mạnh và thu hút 1 tỉ USD.

“Bắc Giang không có ngày nào không có nhà máy xây mới. Tỉnh đang mở thêm khu công nghiệp như: Việt Hàn, Yên Lư, Tân Hưng và mở rộng Quang Châu, Hòa Phú...”, ông Lê Ánh Dương thông tin.

Tiếp đó, Bắc Giang tạo điều kiện thuận lợi khi cấp phép ngành nghề mới cho các doanh nghiệp vì nếu quy định “cứng”, không uyển chuyển, hàng nghìn người lao động có nguy cơ ra đường.

“Bắc Giang đã cải thiện môi trường đầu tư và tạo nhiều điều kiện khác chủ yếu để chiều các doanh nghiệp. Để họ mang công ăn việc làm cho người lao động...”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nói.

Để minh chứng cho điều này, ông Dương kể câu chuyện một doanh nghiệp lớn có hàng vạn lao động hỏi lộ trình làm đường gom, cầu vượt, nâng cấp hạ tầng.

Sau đó 3 năm, không chỉ đáp ứng nhu cầu “mở đường”, Bắc Giang còn cấm xe tải trọng lớn theo giờ khi qua khu công nghiệp để ưu tiên xe đón công nhân.

Trước ý kiến của cử tri Công ty Luxshare ICT về nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ tại khu công nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, cách đây 6 năm, tỉnh có đề án giải quyết các vấn đề gửi trẻ học tập của con em công nhân.

Hiện trường mầm non đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ từ 3 tuổi trở lên. Tuy nhiên, với trẻ dưới 3 tuổi gửi trường công lập thì chưa đáp ứng được, bởi liên quan đến biên chế giáo viên dành cho mẫu giáo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện trên địa bàn rà soát nhu cầu. Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định tỉnh sẽ trả lương cho cơ chế hợp đồng giáo viên. Bởi vậy, các trường mầm non ký hợp đồng với giáo viên, trong đó ưu tiên địa bàn gần khu công nghiệp.

Bảo đảm lợi ích người lao động

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (bên phải) đối thoại với công nhân lao động.Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (bên phải) đối thoại với công nhân lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (bên phải) đối thoại với công nhân lao động.

Trước phản ánh về tín dụng đen và trộm cắp tài sản ở khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang xác định 3 nhóm tội phạm chính gồm đánh bạc, ma túy và tín dụng đen.

“Chỗ nào nổi lên mà có dấu hiệu tội phạm là dẹp ngay. Song giảm bớt thì phải hai phía. Ngoài trấn áp tội phạm, nhu cầu vay của công nhân phải đáp ứng dễ dàng. Ngân hàng cần quan tâm vấn đề này...”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nói.

Công an chính quy Bắc Giang đã về địa phương, phát động trong phong trào an ninh trật tự và thí điểm tăng cường lực lượng chức năng ở địa bàn trọng điểm đông công nhân.

Còn tại Bắc Ninh, nhiều nhóm vấn đề chính như việc làm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)... đã được CNLĐ kiến nghị với Đoàn ĐBQH Bắc Ninh trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Về nợ hay trốn đóng BHXH, đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh Bắc Ninh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp thường xuyên, đột xuất.

Trong năm 2022, BHXH tỉnh Bắc Ninh cũng đã thực hiện 92 cuộc thanh, kiểm tra nghiêm ngặt tại 393 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, truy thu trên 3 tỷ đồng, buộc các đơn vị sử dụng lao động phải giải quyết quyền lợi cho trên 1.300 lao động, xử phạt chủ sử dụng lao động với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Riêng 4 tháng đầu năm 2023, đã có 22 cuộc thanh, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động với 7 quyết định xử phạt với các hành vi chậm nộp, trốn đóng của doanh nghiệp cùng nhiều chế tài buộc chủ sử dụng lao động phải thực hiện trách nhiệm đối với người lao động.

Liên quan đến quyền lợi của CNLĐ, Trưởng đoàn ĐBQH, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, chuyển tải đầy đủ đến Quốc hội và các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương. Đồng thời làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm như: Nhà ở cho công nhân; tuổi nghỉ hưu; chế độ cho giáo viên, nhân viên y tế...

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Bắc Ninh luôn rất quan tâm, tạo chính sách tối đa đối với CNLĐ.

Tổ chức Công đoàn cần phát huy đúng hơn, đủ hơn, rõ nét hơn, kịp thời hơn vai trò của mình với tư cách là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công đoàn viên, công nhân và người lao động trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ