Tái khởi động chuỗi sản xuất
Ông Đào Xuân Cường - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bắc Giang cho biết, đã có 19 doanh nghiệp được chấp thuận hoạt động trở lại với tổng số lao động đăng ký là 5602 công nhân (tính đến 3/6). Trong đó, Bắc Giang đã có 4 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất.
Số còn lại đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để đón công nhân vào làm việc. Công nhân trở lại làm việc phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình tầm soát nguy cơ dịch bệnh do ngành y tế hướng dẫn. Họ cũng phải có giấy xác nhận địa phương mới được quay lại làm việc trong KCN.
“Doanh nghiệp lo toàn bộ việc đón người lao động từ địa phương quay lại KCN. Từng xe chở công nhân được Sở GTVT Bắc Giang thẩm định và cấp số đi đón công nhân. Số xe trên được đón đúng tuyến và đúng công nhân của công ty…”, ông Cường thông tin.
Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Giang cho biết, Liên đoàn lao động tỉnh và Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang phối hợp để các doanh nghiệp đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động.
“Các gói hỗ trợ doanh nghiệp gửi đến công nhân cũng như Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Quản lý sẽ phối hợp giám sát, lập danh sách gửi đến công nhân khi đi làm trở lại. Qua đó chia sẻ với công nhân lao động vượt qua dịch bệnh, an toàn sản xuất…”, ông Cường chia sẻ.
Hơn 550 doanh nghiệp Bắc Ninh trở lại hoạt động
Ông Bùi Hoàng Mai - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp có ký túc tạm thời cho công nhân ở tại chỗ thì mới cho hoạt động. Đối với doanh nghiệp không có nhà ở tạm thời cho công nhân ở nhà máy, doanh nghiệp thì tạm thời dừng.
“Đến 2/6, Bắc Ninh có hơn 550 doanh nghiệp hoàn thiện và gửi phương án, kế hoạch bố trí cho người lao động ăn, ở và làm việc lại tại công ty. Ban Quản lý thành lập 40 đoàn đi kiểm tra, thẩm định những đơn vị nào đủ điều kiện an toàn phòng dịch, phòng chống cháy nổ, ăn ở đảm bảo cho công nhân mới được phép hoạt động trong khu công nghiệp...”, ông Mai thông tin.
Theo ông Mai, các doanh nghiệp đã tuân thủ các chủ trương về phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và của tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng hết sức có thể để bảo đảm tối đa về cơ sở vật chất, đáp ứng cho nhu cầu ăn, nghỉ của người lao động.
Các KCN Bắc Ninh có hơn 1.100 doanh nghiệp với hơn 320.000 lao động. Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm 75% nên việc đi lại giữa các địa phương rất lớn. Việc triển khai cho người lao động ở, ăn và làm việc tại nhà máy là “không có tiền lệ”.
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức họp khẩn và ra văn bản hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Đồng thời huy động 100% cán bộ, công nhân viên túc trực 24/24 để hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
“Mọi giao dịch với các doanh nghiệp đều được triển khai theo hình thức trực tuyến, nhằm giải quyết kịp thời, bảo đảm an toàn, khoảng cách theo quy định về phòng dịch”, ông Bùi Hoàng Mai cho hay.
Doanh nghiệp và người lao động “chung chí hướng”
Ủng hộ giải pháp này của tỉnh, ông Shim Chul Woo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fine MS Vina (KCN Quế Võ) thông tin, tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến sản xuất phải tạm ngưng.
Công ty đã sắp xếp lại các khu vực nhà máy, dành không gian làm nơi ở cho người lao động. Mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để lắp đặt, bố trí chỗ nghỉ có vách ngăn và thiết lập các khu phòng tắm, nhà vệ sinh cho người lao động để khởi động lại việc sản xuất bất cứ lúc nào.
Trong quá trình đến làm việc và kiểm tra tại nhà máy, Tổ kiểm tra của tỉnh hướng dẫn công ty cách bố trí khoa học, hợp lý và đảm bảo các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn Covid-19, an toàn thực phẩm và an ninh trật tự.
Chị Nguyễn Thị Luyện, nhân viên văn phòng Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam (KCN VSIP Bắc Ninh), chia sẻ, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp và lây lan nhanh như hiện nay, việc quyết định ăn, ở, làm việc tại nhà máy là hợp lý để dễ khoanh vùng và tránh lây lan ra cộng đồng.
Do thời gian chuẩn bị gấp rút, trong bối cảnh dịch bệnh vốn đã gặp nhiều khó khăn, song công ty cũng đã cố gắng sắp xếp chỗ ăn, ngủ cho cán bộ công nhân viên để đảm bảo sinh hoạt và làm việc.
“Ngoài ra, công ty có hỗ trợ thêm 100 nghìn đồng/ngày, miễn phí 3 bữa ăn và cấp một số đồ dùng cá nhân. Tuy còn con nhỏ nhưng vì chế độ đãi ngộ tốt và công ty mong muốn công nhân trở lại sản xuất để kịp giao hàng cho khách nên tôi cố gắng thu xếp công việc để quay trở lại làm việc”, chị Luyện nói.