Ba thập kỉ ẩn mình của tên cướp có bằng tiến sĩ

GD&TĐ - Sở hữu bằng tiến sĩ cùng lối tư duy khoa học, tỉ mỉ, tên cướp ngân hàng có biệt danh “Kẻ cướp Đêm thứ Sáu” đã ẩn mình trong bóng tối suốt ba thập niên.

Camera ghi lại hành động tấn công ngân hàng của “Kẻ cướp Đêm thứ Sáu”.
Camera ghi lại hành động tấn công ngân hàng của “Kẻ cướp Đêm thứ Sáu”.

Chỉ đến khi người ta phát hiện những tài liệu bí mật trong rừng, thân thế của hắn ta mới được tiết lộ.

Bí ẩn ống chứa tài liệu trong rừng

Đúng vào ngày Cá tháng Tư (1/4/2001), khi đang chơi trong rừng ở Radnor, bang Pennsylvania (Mỹ), hai cậu bé tìm thấy một ống nhựa PVC dài gần một mét được bọc kín, giấu trong ống cống bê tông. Bên trong ống nhựa, hai em tìm thấy các bọc tài liệu liên quan đến nhiều vụ cướp ngân hàng, thậm chí là hướng dẫn cách làm sạch một khẩu súng Baretta.

Tiếp tục tìm kiếm, lũ trẻ sửng sốt khi phát hiện ra 5 khẩu súng lục, khoảng 500 viên đạn và 8 mặt nạ hóa trang ngày lễ Halloween. Chúng vội chạy về thị trấn và dẫn cảnh sát đến khu rừng để điều tra. Tại đây, cảnh sát tìm thấy một boongke sâu gần một mét, chứa nhiều ống nhựa PVC và thùng chứa không thấm nước.

Boongke không chỉ là một cái hố mà đã được đào cẩn thận, lót bằng gạch và bê tông vô cùng chắc chắn. Bên trong chứa sách, bản đồ, ghi chú trên 160 ngân hàng từ bang Virginia đến Connecticut và các bản đồ phác thảo bằng tay với tiêu đề như “Carbon W”, “Carb M”… Nhiều bản vẽ có số đo la bàn, số bước từ một điểm mốc đến những chiến lợi phẩm không xác định.

Vụ việc được chuyển cho FBI. Không mất nhiều thì giờ, cơ quan chức năng đã đoán ra chủ nhân của boongke chính là kẻ cướp ngân hàng với biệt danh “Kẻ cướp Đêm thứ Sáu” mà họ đã tốn công truy tìm suốt ba thập niên.

Không ai biết danh tính của tên cướp nhưng những vụ trộm đã biến hắn trở thành huyền thoại. Vào thời điểm đó, hắn ta là tên cướp ngân hàng giỏi nhất nước Mỹ khi đã thành công thực hiện hơn 50 vụ cướp ngân hàng trong 30 năm với tổng giá trị hơn 2 triệu USD.

Hắn ta luôn làm việc đơn độc như một con sói, đều đặn vào chiều tối ngày thứ Sáu, khoảng 10 phút trước khi ngân hàng đóng cửa. Thủ đoạn trong các vụ cướp gần như giống nhau.

Hắn thường mang theo súng, mặc quần áo rộng thùng thình và đeo mặt nạ che hết cả khuôn mặt. Đó thường là mặt nạ hóa trang thành nhân vật Freddy Krueger, kẻ sát nhân trong loạt phim “A Nightmare on Elm Street”.

Từ vị trí đứng, hắn ta nhanh nhẹn nhảy lên quầy giao dịch tại ngân hàng, bắn phá vào các ngăn kéo, lấy tiền mặt, bao gồm cả những vị trí cất giấu bí mật được thiết kế để hạn chế trộm cướp, sau đó thoát ra ngoài trong chưa đầy 2 phút. Chính nhờ mặt nạ, quần áo rộng thùng thình nên nạn nhân không thể miêu tả chính xác vóc dáng, màu da, màu tóc hay cân nặng của thủ phạm.

Điểm chung giữa các ngân hàng là nằm gần rừng. Sau khi hoàn thành phi vụ, tên cướp sẽ chạy bộ vào trong rừng, không sử dụng ô tô hay xe máy. Trước khi lũ trẻ tìm thấy tài liệu trong boongke, cảnh sát vẫn chưa có manh mối nào về danh tính của tên cướp.

Nhiều tháng sau khi phát hiện ra boongke, các thám tử lần theo những tấm sơ đồ thu được và phát lộ nhiều căn hầm bí mật, kích thước nhỏ được đào bằng tay.

Trong đó cất giấu khoảng 100 hộp nhựa chứa 47.000 USD tiền lẻ, 30 khẩu súng lục và hàng nghìn viên đạn. Bên cạnh đó là vài cuốn sách huấn luyện võ thuật xuất bản từ những năm 1980 được sử dụng như tài liệu rèn luyện “tay nghề”.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra phát hiện một trong những tờ quảng cáo là của trường dạy karate ở Drexel Hill, bang Pennsylvania. Cảnh sát đã liên hệ với chủ sở hữu của trường và hỏi xem có học viên nào ở độ tuổi trung niên, thân hình gọn gàng, nhanh nhẹn hay không.

Người chủ võ trường đáp: “Chắc chắn các ông muốn tìm Carl Gugasian, 55 tuổi”. Sở hữu đai đen bậc ba karate, Carl Gugasian trở thành nghi phạm chính trong cuộc điều tra.

Những ống nhựa chứa tài liệu bí mật được Carl che giấu trong rừng.
Những ống nhựa chứa tài liệu bí mật được Carl che giấu trong rừng.

Hành động tinh vi

Carl Gugasian sinh ra ở bang Pennsylvania vào ngày 12/10/1947 trong một gia đình người Armenia di cư sang Mỹ. Năm 15 tuổi, hắn ta bị bắt khi đang cố gắng cướp một cửa hàng kẹo và bị gửi đến cải huấn tại Cơ sở Thanh thiếu niên Mỹ trong 18 tháng.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Carl lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện tại Trường Đại học Villanova. Đến năm 1971, ông đăng ký vào quân đội. Thời gian này, Carl được huấn luyện về vũ khí chiến thuật và lực lượng đặc biệt. Sau khi rời quân ngũ, ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ về Phân tích hệ thống và bằng tiến sĩ chuyên ngành Thống kê và Xác suất.

Là một người yêu thích thể thao, Carl thường chạy bộ xung quanh khu phố, vai đeo chiếc ba lô nặng để rèn luyện thể lực và sức bền. Theo tờ kê khai thuế, Carl là nhà đầu tư thống kê tự do nhưng cũng là tay nghiện cờ bạc. Tuy chỉ lái chiếc xe cũ mèm, Carl sở hữu nửa triệu USD trong tài khoản ngân hàng.

Ngày 7/2/2002, Carl bị bắt khi đang nghiên cứu bản đồ chuẩn bị cho phi vụ ăn trộm tại thư viện thành phố Philadelphia. Ban đầu, ông ta giữ im lặng nhưng sau đó đành nhận tội. Cảnh sát cho rằng, người mẹ 79 tuổi, hai anh trai và bạn gái đã thay đổi suy nghĩ của Carl. Không ai trong số họ biết về cuộc sống bí mật của ông ta.

Ảnh chân dung thời trẻ của Carl Gugasian.
Ảnh chân dung thời trẻ của Carl Gugasian.

Sau khi bắt giữ Carl, cơ quan điều tra đã lấy dấu vân tay của ông, so sánh cho thấy dấu vân tay của Carl trùng khớp với dấu vân tay trong những tập tài liệu được tìm thấy trong rừng.

Khi được hỏi tại sao lại cướp ngân hàng, Carl giải thích rằng khi ông bị bắt và đưa đến trại cải tạo Cơ sở Thanh thiếu niên Mỹ vì tội ăn trộm, ông không biết hành vi này sẽ được xóa khỏi hồ sơ phạm tội.

Ngược lại, Carl cho rằng, hồ sơ của mình đã có một dấu ấn đen tối. Tương lai về sau, ông nghĩ sẽ không bao giờ tìm được công việc thực sự và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phạm tội.

Carl thú nhận với cơ quan điều tra rằng đã hoàn thiện các phương pháp cướp ngân hàng sau phi vụ đầu tiên vào năm 1973. Sử dụng bản đồ địa hình, Carl xác định mục tiêu là ngân hàng ở các thị trấn nhỏ gần rừng và đường cao tốc.

Trong những tháng trời tối sớm, Carl sẽ nấp sau những tán cây vài ngày liên tiếp để quan sát nhân viên và ngân hàng, từ đó nắm bắt hành vi của từng người.

Ông ta chọn ra tay vào tối thứ Sáu, ngay trước giờ ngân hàng đóng cửa vì thời điểm này, số lượng khách hàng đã vãn và có nhiều tiền mặt hơn. Carl chọn những chiếc mặt nạ vừa khít, không để lộ màu da và mặc quần áo rộng thùng thình để che đi vóc dáng. Khi vào ngân hàng, Carl di chuyển theo kiểu “càng cua” để gây nhầm lẫn về chiều cao.

Sau mỗi vụ cướp, Carl chạy vào rừng, sử dụng thiết bị chặn mùi để nguỵ trang đường di chuyển, giấu các bằng chứng trong những ống nhựa. Sau đó, ông nhảy lên một chiếc xe đạp, đi xuyên qua những lùm cây đến một chiếc xe tải đậu gần xa lộ, chất xe đạp vào cốp và tẩu thoát.

Thủ đoạn của Carl không mới mẻ. Chủ yếu, ông ta đánh vào tâm lý bất ngờ, sợ hãi của nạn nhân để tiến hành vụ cướp nhanh nhất có thể.

Ông ta đã dẫn FBI đến những chỗ cất giấu còn chưa bị khám phá, thậm chí còn diễn lại rất tỉ mỉ quá trình chuẩn bị, cảnh cướp ngân hàng để cơ quan điều tra quay lại làm tư liệu huấn luyện sĩ quan.

Sau khi nghe những lời giải thích của tên trộm, một đặc vụ FBI phải thốt lên: “Tôi chưa bao giờ gặp phải vụ cướp nào như vậy trong suốt những năm làm việc trong FBI. Tư duy, cách thức hoạt động của nghi phạm khiến tôi choáng ngợp. Ông ta thực sự là một bậc thầy”.

“Bậc thầy” cướp ngân hàng

Mặt nạ Freddy Krueger khiến các nạn nhân vô cùng kinh hãi.
Mặt nạ Freddy Krueger khiến các nạn nhân vô cùng kinh hãi.

Carl đã cướp khoảng 50 ngân hàng trên khắp bang Pennsylvania và các bang lân cận, chiếm đoạt 2 triệu USD và bắn bị thương hai người. Có những ngân hàng, ví dụ như Shokan, bị “Kẻ cướp Đêm thứ Sáu” đột nhập hai lần.

Tuy nhiên, sau lần cướp đầu tiên, nếu quay lại ngân hàng, hắn sẽ chọn ra tay vào trưa ngày thứ 2. Dù thời điểm tấn công giữa hai lần không gần nhau nhưng các ngân hàng từng bị cướp đã siết chặt bảo vệ hơn vào chiều thứ Sáu. Lần cướp được nhiều tiền nhất của Carl rơi vào ngày 7/6/1999, với số tiền trị giá 122.000 USD.

Với những tội danh trên, Carl có thể chịu mức án 115 năm tù. Tuy nhiên, sau khi bị bắt, nhờ thái độ hợp tác với cơ quan điều tra, Carl chỉ bị kết án 17 năm tù. Thời điểm đó, ông Linwood Wright Jr, công tố viên liên bang, khẳng định Carl có thể là “tên cướp ngân hàng may mắn nhất tại Mỹ”.

Một phần của thỏa thuận cho bản án 15 năm tù là Carl sẽ trở thành “nhà tư vấn bị giam giữ” cho FBI. Kể từ đó, ông ta thường xuyên được phỏng vấn trên băng video cho một bộ phim đào tạo kỹ thuật chống cướp ngân hàng, làm cơ sở huấn luyện cho học viện cảnh sát.

Ông ta cũng giúp đỡ đơn vị lập hồ sơ của FBI và dẫn các đặc vụ đến 27 boongke của mình ở bang Pennsylvania. Trong tù, Carl dạy toán học giải tích cho các tù nhân khác.

Sau khi hoàn thành 15 năm tù giam tại nhà tù Fort Dix NJ, Carl được thả tự do sớm vào ngày 5/5/2017, ở tuổi 69, vì cải tạo tốt. Ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh, được nhắc đến trong nhiều bộ phim tài liệu về điều tra hình sự Mỹ.

Trong một bức thư gửi tòa án liên bang tại thành phố Philadelphia, Carl thừa nhận không lấy làm tự hào trước những “chiến tích” của mình.

“Mặc dù, tôi luôn hợp lý hóa hành vi của mình bằng cách tự huyễn rằng cướp ngân hàng không có nạn nhân, tôi nhận ra rằng tất cả những người chứng kiến một vụ cướp đều chịu tổn hại vô cùng lớn về mặt tinh thần”, Carl Gugasian viết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ