Ba mẹ là nhà giáo

GD&TĐ - Vừa được ba chở về đến nhà, con gái đã reo lên khoe với mẹ:

Ba mẹ là nhà giáo

- Mẹ ơi, hôm nay con được cô giáo chủ nhiệm khen đấy mẹ!

- Thế cô khen con gái mẹ thế nào nào?

- Giờ ra chơi, cô trò chuyện với các cô giáo khác rằng: “Trong lớp, ai cũng học giỏi, chăm ngoan được như bé Bích thì tốt biết mấy. Chắc cũng nhờ một phần ba mẹ của bé đều là giáo viên!”. Nghe con hồ hởi nói, cả anh và chị đều bắt gặp nhau ở ánh mắt rạng rỡ cùng nụ cười hạnh phúc. Rồi bỗng nhiên anh miên man nghĩ về nghề giáo của vợ chồng mình.

Mười lăm năm trước, anh chị học cùng lớp Sư phạm. Anh nhớ đến những thế hệ thầy cô, có biết bao người giỏi giang, yêu thương, nâng đỡ anh và cả những kỉ niệm khó quên suốt những năm học ở phổ thông dưới tán phượng hồng hay bên hình ảnh bảng đen phấn trắng thân thương. Thế là anh đã quyết định chọn nghề giáo. Vợ anh cũng vậy. Chị từng nói với anh rằng “chỉ ước được trong dáng vẻ áo dài đứng trên bục giảng trước ánh mắt thơ ngây của học trò, trong những bài dạy bổ ích…”. Và rồi, trong hai năm thi đại học liên tiếp, chị vẫn chọn thi vào ngành cử nhân Sư phạm.

Ngày anh chị cưới nhau, trong những lời chúc phúc có cả những lắng lo của mọi người về cuộc sống tương lai của hai vợ chồng, rằng “cả hai vợ chồng đều là giáo viên, lương ba cọc ba đồng sẽ khó khăn, vất vả lắm đấy”. Quả đúng thế! Mười năm ra trường làm nghề gõ đầu trẻ, anh chị đã phải ở trọ hết chỗ này đến chỗ khác, giờ mới được an cư trong ngôi nhà của mình. Đó cũng là thành quả của những tháng ngày anh chị đã cần mẫn làm việc, dành dụm, tích cóp dần mới có được. Thi thoảng nghĩ lại, cũng chỉ biết thở phào vui với những gì mình đang có.

Ngay cả bây giờ, dù cuộc sống gia đình anh chị đã tương đối ổn định nhưng những áp lực, trăn trở từ công việc không phải là không có. “Lương ba cọc ba đồng” không nói. Có người thẳng thắn: “Chưa bao giờ thấy giáo dục nước nhà lại quẩn quanh với những thay đổi, cải cách như bây giờ”.

Có người thở dài: “Giáo viên gì mà dạy thì ít còn họp hành, làm sổ sách, giấy tờ thì nhiều”. Người lại lo sợ: “Với xu hướng sáp nhập, chuyển sang tự chủ, giảm biên chế; rồi thì không được chửi mắng, dùng bạo lực đối với học trò thế này thì không khéo nhiều giáo viên mất việc như chơi, thậm chí còn…”. Đủ những chuyện như thế! Nhiều khi anh chị tự dặn lòng an ủi nhau: Thôi, nghề nào cũng có cái hay cái dở, phải “sinh nghề tử nghiệp” thì mới có thành quả tốt đẹp được.

Giữa xã hội ồn ào, mưu sinh cơm áo, anh chị vẫn từng ngày cố gắng chắt chiu, gom nhặt những niềm vui từ nghề giáo mà mình đã chọn. Chị kể anh nghe câu chuyện về cậu học trò chị dạy trên lớp, ba mẹ đều đã mất, phải ở với bà nhưng rất chăm ngoan. Anh khoe với chị về cậu sinh viên là lớp trưởng lớp anh chủ nhiệm, nhà rất nghèo, vừa đi học vừa làm thêm nhưng toàn diện cả về học tập lẫn hoạt động phong trào cũng như khả năng quản lý lớp.

Đó còn là những câu hỏi thăm, những lời động viên, những lần trò ghé nhà thầy cô chơi của bao thế hệ học trò được anh chị dạy dỗ, dìu dắt. Sự tiến bộ của trò, những tình cảm ấm áp trò dành cho thầy cô luôn là nguồn động viên tinh thần rất lớn để anh chị nhận ra ý nghĩa lớn lao và luôn vững tay chèo với nghề.

Anh chị thấy vui với niềm vui bình dị của một gia đình giáo viên. Dù cuộc sống còn nhiều điều phải lo nghĩ nhưng với vị trí của một nhà giáo, việc gì cũng được anh chị suy nghĩ trước sau và thực hiện một cách nhẹ nhàng. Đó là sự quan tâm, thấu hiểu lẫn nhau tạo nên chiều sâu tình cảm, giúp đời sống vợ chồng luôn gắn kết bền chặt, hạnh phúc.

Vui nữa là anh chị có thời gian và luôn biết dành thời gian bên con. Những điều hay lẽ phải, ý thức sống tốt trong từng lời nói, việc làm luôn được anh chị vun đắp cho con. Bởi vậy, con gái anh chị dù mới học lớp Hai, không chỉ tròn vành câu chữ, học tốt mà cũng đã ra dáng chững chạc, có ý thức tự lập và biết đồng cảm, sẻ chia. Ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười và niềm yêu thương vì thế luôn là nơi anh chị muốn trở về.

Nghĩ đến tương lai của con sau này, nếu được, anh chị cũng chỉ mong con trở thành một cô giáo, cũng sẽ đứng trên bục giảng dạy cho học trò những bài học ý nghĩa, những điều hay lẽ phải ở đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ