Ba Lan: Kế hoạch cải cách giáo dục gây tranh cãi

GD&TĐ - Kế hoạch cải cách giáo dục Ba Lan của chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa sẽ dẫn tới đóng cửa 7.000 trường học và sa thải 9.000 giáo viên. Chương trình giáo dục mới cũng sẽ tập trung chủ yếu vào những vấn đề quốc nội thay vì mở rộng quốc tế như trước. Kế hoạch này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều…

Ba Lan: Kế hoạch cải cách giáo dục gây tranh cãi

Thay đổi cấu trúc bậc học phổ thông

Tâm điểm trong kế hoạch cải cách là xoá bỏ hệ thống trường THCS (dành cho học sinh 12 - 15 tuổi). Khoảng 7.000 trường THCS sẽ bị đóng cửa trước năm học tới và học sinh cấp học này sẽ sát nhập vào các trường tiểu học.

Chính phủ Ba Lan lần đầu tiên thực hiện mô hình trường THCS dưới thời Thủ tướng Jerzy Buzek năm 1999 nhằm thu hẹp cách biệt giữa các trường học Ba Lan với Liên minh châu Âu (EU) và mang lại cơ hội bình đẳng cho học sinh đô thị và nông thôn.

Kết quả từ Chương trình khảo sát trình độ học sinh quốc tế (PISA) do OECD thực hiện cho thấy hiệu quả từ mô hình này. “Ba Lan đã có tiến bộ to lớn trong 10 năm qua” – Andreas Schleicher, phụ trách nghiên cứu PISA, nhận xét. Thực tế Ba Lan thường nằm trong tốp 10 quốc gia có kết quả cao nhất trong xếp hạng PISA.

Tuy nhiên, theo quan điểm của chính phủ hiện tại thì hệ thống trường THCS đã cô lập học sinh vào độ tuổi có nhiều biến đổi tâm sinh lí và việc hoà nhập với trẻ em nhỏ hơn ở trường tiểu học sẽ tốt hơn.

Việc xoá bỏ trường THCS đồng nghĩa đưa hệ thống trường học trở về mô hình cũ vào trước năm 1999 – tức hệ thống giáo dục chỉ có cấp tiểu học (bao gồm cả THCS) và trung học (chỉ có THPT).

Với việc xoá bỏ trường THCS và gộp học sinh vào các trường tiểu học, Bộ Giáo dục ngay lập tức đặt hàng chục nghìn hiệu trưởng vào tình cảnh thất nghiệp.

Hiện Bộ Giáo dục toàn quyền chỉ định hiệu trưởng mới cho các trường tiểu học “mở rộng” khiến cho nhiều người lo ngại việc chỉ định này thiếu minh bạch và có thể phụ thuộc nhiều vào quan điểm chính trị của ứng viên hiệu trưởng.

Biến đổi lớn ở môn Lịch sử

Bên cạnh việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ giáo viên, cải cách giáo dục cũng sửa đổi nhiều nội dung trong chương trình giảng dạy, tập trung hơn vào vấn đề dân tộc, quốc gia. Ý kiến chỉ trích cho rằng, chương trình cải cách thiếu sự kết nối giữa nội dung các môn học. Hiện tại, sách giáo khoa các môn khác nhau tương đối liên quan. Ví dụ những chủ đề tương tự được dạy trong môn Tiếng Ba Lan và Lịch sử.

Chương trình mới sẽ áp dụng với các lớp Một, Bốn và Bảy. Sách giáo khoa chưa được biên soạn kịp cho các khối lớp khác. Giống như trước đây, môn Lịch sử bắt đầu được dạy từ lớp 4 nhưng theo Hiệp hội Sử gia Ba Lan, những nội dung liên quan đến cuộc sống hàng ngày và nền văn minh sẽ được loại bỏ khỏi 5 cuốn SGK lịch sử. Nội dung sẽ tập trung vào lịch sử quân sự và dòng dõi các anh hùng Ba Lan.

Nội dung Lịch sử lớp 4 sẽ không còn mở đầu với người Hy Lạp và La Mã, mà thay bằng Mieszko I, vị vua Ba Lan đầu tiên ở thế kỉ thứ 10. Không có nội dung mở rộng về lịch sử thế giới. Holocaust (cuộc diệt chủng do phát xít Đức cùng bè phái tiến hành dẫn tới cái chết của 6 triệu người Do Thái) không được đưa vào nội dung Thế chiến 2. Nội dung lịch sử đương đại, sự gia nhập EU của Ba Lan cũng chỉ được đề cập rất ít trong chương trình.

Theo Hiệp hội giáo viên ZNP, tổ chức có quan điểm chỉ trích chính phủ, khoảng 9.000 giáo viên sẽ mất việc. Nhưng thậm chí trước cuộc cải cách này, Ba Lan đã và đang chứng kiến giảm số lượng giáo viên – hệ quả từ giảm số lượng học sinh. Ba Lan có tỉ lệ sinh thuộc loại thấp nhất EU.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.