Bà giáo “nghịch” màu ở tuổi 76

GD&TĐ - Lúng túng bắt đầu với toan, màu ở tuổi xế chiều, trong ba năm vừa tự mày mò, học hỏi rồi sáng tác, bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu đã sở hữu hơn 100 bức tranh sơn dầu.

Bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu bên những tác phẩm của mình tại triển lãm tranh.
Bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu bên những tác phẩm của mình tại triển lãm tranh.

Những “đứa con” được bà giáo “hạ sinh” khi tuổi đã xế chiều ấy khiến không ít họa sĩ chuyên nghiệp phải trầm trồ: “Nhiều người được đào tạo bài bản cũng khó mà làm được”!

Cốc si rô và tình yêu duy nhất

Trên thế giới, đã có không ít họa sĩ tự học mà thành tài, điểm chung của họ đều là sự miệt mài, say đắm trong cuộc chơi sắc màu. Cũng hiếm ai trong số họ lại không trải qua những thăng trầm cùng thời cuộc. Bà giáo, họa sĩ Nguyễn Ngọc Dậu cũng không ngoại lệ.

Tranh của bà giáo Dậu đa phần sử dụng những gam màu tươi sáng, hồn nhiên nhưng trái lại, cuộc đời bà lại nhiều trắc trở, truân chuyên. Thế nên, ngắm tranh của bà mà không biết câu chuyện cuộc đời của người thầy, họa sĩ ấy quả là một điều thiếu sót. Bởi “nguồn cơn” sự vẽ của bà là từ tình yêu đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời.

Tình yêu ấy bắt đầu từ cuộc gặp gỡ định mệnh của một cô bé 21 tuổi và anh y tá quân y Trần Doãn Xếp vào năm 1966 trên “quê hương gang thép”. Khi ấy, cô bé Ngọc Dậu tóc tết bím hai bên trong một lần đến nhà bạn ăn cơm, tình cờ gặp anh Xếp, lính quân y thuộc Trung đoàn Sông Lô.

Hôm sau, họ lại gặp nhau lần nữa khi cô gái đi mua gạo cho thầy giáo ở chợ. “Anh mời tôi đi uống nước ở quán nhỏ dưới gốc cây đa bên chợ. Chỉ một cốc si rô và cái bánh quy mà tôi không bao giờ quên. Rồi anh bỏ một bức thư vào trong bao gạo ấy”, bà Dậu kể.

Cô gái 21 tuổi ngây thơ không biết anh bộ đội có tình ý với mình, chỉ khi người chị dịch hộ bức thư bỏ trong bao gạo cô mới thẹn thùng nhận ra. Trưa hôm sau, họ hẹn nhau ở rừng thông. Có lẽ đó là nơi tình yêu của họ bắt đầu, dù chưa kịp cầm tay nhau…

Sau đó người yêu phải đi B, đến Quảng Bình, bà Dậu chỉ nhận được lá thư tay của người yêu từ anh trai. Nhưng trong lá thư ấy, chỉ có một khúc thông báo về tình hình chiến trường, đạn bom ác liệt cùng một tấm ảnh nhỏ anh gửi tặng, mà bà đã nâng niu, gìn giữ suốt 50 năm nay.

“Rất lâu không có tin tức của anh Xếp, năm 1969, mẹ cho tôi về Giao Thủy (Nam Định) tránh bom. Trời hôm ấy hơi mưa, tôi lấy túi che đầu, bỗng có tiếng gọi: “Em Dậu ơi”. Thật bất ngờ, đó là anh Xếp. Tôi lặng người đi vì cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy. Anh từ chiến trường ra ngoài Bắc an dưỡng, hết hạn lại phải vào tuyến trong.

Anh bảo tôi cho địa chỉ, nhưng lúc đó, tôi cũng chưa tới nhà người họ hàng bao giờ để biết được địa chỉ chính xác, mà anh thì cũng di chuyển nơi đóng quân liên tục, thành ra hai chúng tôi lại bị mất dấu nhau”. Lần đầu nắm tay nhau những tưởng hứa hẹn một cái kết đẹp, nhưng không ngờ đó lại là lần cuối họ gặp nhau.

Cứ như vậy, cho tới năm 1975, bà Dậu nghe tin đại đội của anh Xếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và đã hy sinh. Tình yêu ấy là đầu tiên và duy nhất của bà Dậu.

Tới giờ, anh vẫn là một người chiến sĩ vô danh, thi thể vùi sâu nơi rừng già lạnh lẽo vẫn chưa tìm thấy. Còn cô Dậu tuổi đôi mươi ngày ấy đến giờ vẫn không yêu ai, sống một mình từ đó đến giờ với tình yêu duy nhất.

Thế nhưng, thật kỳ lạ, ngay cả khi âm dương cách biệt, hai người như vẫn giao cảm, bầu bạn với nhau. Hơn 50 năm nay, sáng nào bà Dậu cũng thắp hương, pha cà phê cho ông. Hai người, người vẽ tranh, người làm thơ.

Ông hiện về trong giấc mơ chập chờn của bà, kể những câu chuyện chiến đấu, kể về nỗi nhớ nhung chưa kịp tỏ bày. Bà kể rằng, ông đọc thơ mình sáng tác cho bà chép lại. Tới nay, bà Dậu đã chép ra hơn chục cuốn thơ của ông Xếp.

Ông ủng hộ, động viên bà vẽ và thực hiện ước mơ sau nhiều khổ đau của cuộc đời. Có lẽ với người khác, đó không phải là một tình yêu trọn vẹn, nhưng với bà Dậu, như vậy đã là đủ đầy.

“Tôi thấy như có một ma lực nào đó thôi thúc tay tôi cầm bút sau những biến cố của cuộc đời”. Và thế, những đắng đót, gieo neo và cả hạnh phúc bé nhỏ của cuộc đời đã đi vào trong tranh cùng bà giáo khi bà chạm tuổi 73. Tranh của bà như cuộn ký ức tua lại tình yêu, những đẹp đẽ của tình yêu thời thanh xuân.

Đó là nơi rừng thông xưa và tình yêu đầu tiên, những bẽn lẽn thẹn thùng hò hẹn, hình ảnh những cô giáo Tày, cô gái Dao, em bé, chàng trai Mông, nét đẹp của miền sơn cước… trong mắt cô thanh niên xung phong lên Lạng Sơn, Cao Bằng đào công sự bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1978. 

Khao khát được triển lãm tranh

Bà giáo “nghịch” màu ở tuổi 76 ảnh 1
Bà giáo “nghịch” màu ở tuổi 76 ảnh 2
Một số tác phẩm của họa sĩ Ngọc Dậu.

Một số tác phẩm của họa sĩ Ngọc Dậu.

“Có lẽ với nhiều người, tuổi già là thời điểm kết thúc, nhưng tôi đã bắt đầu với hội họa. Tôi khao khát có một triển lãm tranh của riêng mình. Và tôi đã làm được. Tôi đã liều lĩnh tự đầu tư 30 triệu đồng để tổ chức chức triển lãm tranh ở tuổi 76”, bà Dậu chia sẻ.

Tháng 5 vừa qua, bà Dậu một mình lo kinh phí, thuê xe, chuyển tranh về triển lãm tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền (Hà Nội). Triển lãm đã kết thúc và thành công ngoài mong đợi.

Nó để lại những tiếng vang không nhỏ về một hiện tượng kỳ lạ của hội họa Việt Nam được tạo ra bởi một họa sĩ lạc vào cuộc chơi sắc màu một cách hồn nhiên nhưng đầy đam mê.

Ngắm nhìn không gian nghệ thuật trong trẻo, nên thơ về con người, núi rừng Tây Bắc của bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu, công chúng và cả giới họa sĩ đều bất ngờ bởi đó là những tác phẩm của một người chưa học qua trường lớp nào về hội họa.

Bà Dậu vốn là giáo viên dạy Văn tại Trường THCS Tân Thành (TP Thái Nguyên), nay đã về hưu. Cuộc sống độc thân của bà lúc tuổi già đã khó với đồng lương hưu còm cõi, lại phải nuôi thêm em trai ruột bị liệt. Khó tưởng tượng được giữa những cái nhọc nhằn, vất vả của đời sống mà cảm hứng, lòng yêu cái “môn sắc màu” ấy vẫn cứ hừng hực trong bà.

Bà Dậu kể, anh và em trai bà đều theo ngành nghệ thuật, nhưng chưa có triển lãm tranh. Người em trai của bà là họa sĩ Nguyễn Đê Thích trước khi bị tai nạn để lại bức phác thảo dang dở. Tình cờ nhìn thấy, bà Dậu đã cầm bút thử vẽ tiếp.

“Bị chê cười, chế nhạo, coi thường… cảm giác ấy tôi đã trải qua hết chứ. Người ta học hành tử tế bài bản còn chẳng ăn thua, thì một bà già lẩn thẩn như tôi bị coi là gàn dở cũng đúng thôi. Thế nhưng tôi kệ chứ, mình cứ lặng lẽ mà làm, như mình lặng lẽ mà yêu vậy”, bà Dậu nói.

Dù chưa một lần học hành qua trường lớp về mỹ thuật, nhưng cầm cọ, pha màu vẽ như có một ma lực gì đó cuốn hút bà.

“Nhớ lại gì là tôi vẽ. Tôi cứ vẽ đến khi mệt thì ngủ, có lúc say sưa mà quên mất đã quá nửa đêm. Tôi mê vẽ lắm, cứ cảm thấy như “tẩu hỏa nhập ma”, tay mình không thể ngừng vẽ được”. Tình yêu nghệ thuật, sự lao động nghiêm túc, miệt mài cùng sức sáng tạo mạnh mẽ của bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu khiến nhiều người trẻ phải học hỏi.

Những phong cảnh, con người, kỷ niệm sống động hiện lên qua từng bức vẽ khiến người xem trầm trồ, xao xuyến và bất ngờ. Ẩn hiện trong đó, là một lòng yêu tha thiết thiên nhiên, cuộc sống và một tình yêu son sắt thủy chung của một tâm hồn không tuổi.

“Triển lãm với 55 tranh trưng bày hầu hết có bố cục người. Mà lạ thay, bức nào cũng ngay ngắn, chững chạc, màu sắc tươi sáng, nhuần nhị. Trực cảm về màu của chị là thứ trời cho, học cũng chẳng được thế.

Những bức tranh vẽ về núi sâu thẳm một cảm xúc sống mãnh liệt. Gần một nửa là những tranh thật sự xuất sắc, những bố cục, những mảng màu đẹp ngọt ngào mà nhiều họa sĩ chuyên nghiệp mơ ước cũng khó mà làm được”, họa sĩ Lê Trí Dũng nhận xét.

Người xem tranh không chỉ yêu mến không gian nghệ thuật giàu cảm xúc của bà giáo già, mà còn khâm phục bởi niềm đam mê mãnh liệt tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Hiện tại, bà Dậu vẫn đang miệt mài sáng tác mỗi ngày và ấp ủ cho triển lãm sắp tới khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ