Mỗi học sinh một giáo án
Nhiều năm nay, người dân phường Tân Mai (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã quen với hình ảnh của một bà giáo già vào mỗi buổi sáng, bất kể trời mưa nắng đến dạy học cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại một lớp học có tên: Lớp học linh hoạt.
Lớp học Linh hoạt nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa khu dân cư số 2, phường Tân Mai. Lớp hiện nay có hơn 21 em, nhỏ nhất 7 tuổi và lớn nhất 32 tuổi, mở cửa vào mỗi buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, bắt đầu lúc 8h30 và kết thúc lúc 10h30.
Lớp học linh hoạt của bà giáo Nguyễn Thị Côi
Bà giáo Nguyễn Thị Côi, nhân vật chính của lớp học này cho hay: Như tên gọi "lớp học linh hoạt", các học sinh ở đây đến từ khắp mọi nơi, mọi hoàn cảnh, nhiều lứa tuổi, số phận khác nhau nhưng đều chung một mục đích là xóa nạn mù chữ.
Đối với mỗi học sinh, bà giáo lại có giáo án và cách dạy khác nhau. Có những em trước kia không được đi học nhưng lại rất thông minh nên chỉ dạy vài ngày là các em đã hiểu bài. Nhưng trong lớp cũng có những em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, trình độ kém nên học cả năm mới xong một giáo án.
Việc dạy học tuy vất vả, không có thu nhập, thậm chí hàng ngày phải bỏ tiền đi xe ôm từ nhà ra lớp nhưng vì tình yêu thương với các em, mong muốn các em biết chữ để thành người có ích cho xã hội nên tôi quyết tâm làm tất cả- Bà Côi tâm sự.
Lớp học có nhiều học sinh có hoàn cảnh, số phận khác nhau, nhưng các em đều rất ham học
Trong lớp học của bà giáo Côi có những học sinh có hoàn cảnh rất đặc biệt. Phạm Duy Long bị bệnh về thần kinh nên rất nghịch, bố mẹ bất lực, đành gửi em đến lớp học của bà. Những ngày đầu đến lớp, trong giờ học, em nói suốt, không nghe lời cô giáo, nhưng sau một thời gian cảm hóa, Long đã thuần tính, ngoan ngoãn và lễ phép hơn, đã biết chơi đùa với bạn bè.
Hay trường hợp của Trần Thanh Tùng cũng rất đáng thương. Tùng có bố đang đi tù, mẹ mất sớm nên phải ở với bà ngoại nên tính khí thất thường. Khi cáu lên, Tùng sẵn sàng cầm gạch, đá ném vào người khác, thậm chí còn đánh cả cô giáo. Vận động Tùng đi học đã khó, nhưng để giúp Tùng vào khuôn khổ, tiếp thu được bài giảng còn khó khăn hơn gấp vạn lần.
Nhờ bà giáo Côi, nhiều học sinh đã biết đọc, biết viết, biết làm toán
Biết Tùng phải chịu nhiều tổn thương và đau khổ, hằng ngày bà lại sắp xếp thời gian đến nhà Tùng để trò chuyện. Những nơi Tùng hay lui tới, bà đều đến tận nơi để tìm gặp, động viên.
Bà coi Tùng như con trai của mình, khi thì mua đồ ăn cho em, khi thì sắm cho bộ quần áo. Dần dần, sự quan tâm của bà đã giúp Tùng thay đổi. Em dần mất đi sự tự ti, mặc cảm, chịu khó đến trường hơn và rất ngoan ngoãn, nghe lời cô giáo.
Lớp học luôn đông đủ học sinh. Nhiều em đến từ sáng sớm trước giờ mở cửa lớp
Bà tiên giữa đời thường
Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, bà Côi cho hay: Vào năm 1995, khi bà đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, các cán bộ trên quận, thành phố về trường vận động giáo viên tìm, tổ chức lại lớp học miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng không ai dám đứng ra nhận công việc khó khăn, vất vả này vì cơ sở vật chất không có, học sinh lại càng không nhiều. Lúc ấy, một mình bà tự nguyện đứng ra tổ chức lớp học và kiêm luôn việc dạy học cho các em.
Đó cũng là quãng thời gian vất vả nhất với bà. Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều phụ huynh không có điều kiện cho con em đi học, cộng thêm với suy nghĩ, con mình bị khuyết tật thì học cũng chẳng để làm gì nên lớp học chẳng có mấy học sinh. Một mình bà Côi phải đi từng nhà vận động gia đình có con em bị khuyết tật đi học.
Để có thể thuyết phục được các em tham gia lớp học, chiều chiều sau những buổi lên trường bà hiệu trưởng lại lân la đến Ủy ban nhân dân các phường của quận Hai Bà Trưng để nắm danh sách. Bà tìm hiểu về hoàn cảnh từng em, âm thầm tìm đến những chân cầu, phòng trọ thuyết phục các em tham gia lớp học.
Những ngày đầu tiên thật vất vả. Bà đã phải đến từng bàn, ngồi với từng em, nói chuyện giúp các em hòa nhập hơn. Những bài giảng đầu tiên thấm đẫm mồ hôi, nước mắt.
Các em không thể ghi nhớ, học trước quên sau. Có học trò, bà giáo Côi phải dạy 3 tháng mới nhớ hết mặt chữ. Tưởng như khó khăn có thể khiến mọi người bỏ cuộc nhưng lòng yêu thương của bà đối với những mảnh đời cơ cực lớn dần và trở thành vô hạn.
Có những học sinh đặc biệt như chị Nguyễn Thị Xoan- 45 tuổi. Nhờ bà giáo Côi, chị đã biết đọc, và viết chữ rất đẹp
Nhiều kỉ niệm khiến bà giáo Côi không thể nào quên. Bà nhớ lại, nhiều học sinh có khi đang học, bệnh tình tái phát. Có em ngất xỉu, có em lên cơn động kinh, phát khùng, có em lại mắc bệnh mẩn ngứa, đau mắt... Những lúc đó, bà giáo lại trở thành một người bác sĩ, xem bệnh cho các em rồi mua thuốc, xoa bóp, bấm huyệt cho các em tỉnh lại.
Nhiều em trước kia chưa đi học nghịch ngợm, ngỗ ngược nhưng khi được cô giảng giải, chỉ bảo tận tình, “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng, bà giáo đã cảm hóa các em thành người ngoan ngoãn, biết giúp đỡ người khác.
Chứng kiến học trò của mình đổi thay và nỗ lực sống tốt hàng ngày chính là động lực giúp bà giáo Côi vượt qua mọi gian nan và gắn bó cả cuộc đời với lớp học đặc biệt của mình.