Một số công trình từng chỉ ra thủy ngân trong cá dẫn đến tổn thương hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch cùng phổi, thận, da và mắt.
Vì lý do này, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc cùng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ khuyến cáo bà bầu không nên ăn quá 300 g cá một tuần.
Theo Fox News, nghiên cứu mới đăng tải trên tờ JAMA Pediatrics phát hiện một lo ngại khác mà người mẹ tương lai có thể đối mặt. Nếu ăn quá nhiều cá, các hợp chất ô nhiễm từ thực phẩm sẽ xâm nhập vào nội tiết tố của thai nhi làm tăng nguy cơ béo phì khi trẻ ra đời.
Để đưa ra kết luận, tiến sĩ Leda Chatzi từ Đại học Crete (Hy Lạp) cùng đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu của 26.000 phụ nữ mang thai từ 15 công trình khác.
Kết quả cho thấy so với người ít ăn cá, phụ nữ ăn cá quá thường xuyên trong thai kỳ có 22% sinh ra con phát triển nhanh bất thường trong giai đoạn từ sơ sinh đến 2 tuổi. Đồng thời, nguy cơ bé thừa cân khi 4 tuổi là 14% và khi 6 tuổi là 22%. Ảnh hưởng này rõ rệt hơn ở trẻ gái.
Chatzi cho biết như thế không có nghĩa là phái đẹp phải tránh hoàn toàn món cá bởi đó là nguồn cung cấp các dưỡng chất cần thiết như protein, vitamin D và omega 3.
"Nhìn chung, phụ nữ nên ăn nhiều loại cá khác nhau mỗi tuần và tránh dùng các loài cá săn mồi lớn như cá thu, cá kiếm, cá nhám và cá kình", tiến sĩ giải thích.
Phát hiện trên cũng gây tranh cãi bởi đi ngược lại với quan niệm trước đây cho rằng omega 3 trong cá chống lại béo phì. Tiến sĩ Emily Oken, chuyên gia dinh dưỡng và y tế cộng đồng thuộc Đại học Havard (Mỹ) nhận định: "Ăn nhiều cá có thể là dấu hiệu của chứng ăn không kiểm soát và chúng ta đều biết rằng bà bầu tăng quá nhiều cân trong thai kỳ dễ sinh ra con béo phì".
Tóm lại, phái đẹp không có gì phải lo lắng nếu ăn cá điều độ.