Australia: Chi tiêu GD tư nhân dẫn đầu các nước phát triển

GD&TĐ - Báo cáo toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, tỷ lệ chi phí tài chính cho việc đi học trường tư ở Australia cao hơn so với bất kỳ nền kinh tế tiên tiến nào khác và đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Tuy vậy, tỷ lệ tiền công dành cho GD lại giảm đáng kể từ năm 2005 - 2015.  

Các nam sinh tại một trường trung học tư thục của Australia
Các nam sinh tại một trường trung học tư thục của Australia

Gỡ gánh nặng chi phí cho chính phủ

Tối 11/9 theo giờ chuẩn Đông Australia (AEST), OECD phát đi báo cáo hàng năm về tình hình GD toàn cầu, trong đó có đưa ra bản tóm tắt thống kê chính về đo lường tình trạng GD trên toàn thế giới.

Báo cáo cho thấy, Australia là một trong nước đóng góp nhiều nhất cho chi tiêu GD trong số các nước phát triển, chiếm khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội. Ngược lại, báo cáo cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ tài chính công dành cho GD tiểu học, trung học và dạy nghề ở Australia giảm đáng kể từ năm 2005 - 2015.

Theo đó, đến năm 2015, tỷ lệ chi trả cho GD ĐH tư nhân chiếm tới 19% tổng chi tiêu, lớn hơn bất kỳ nền kinh tế tiên tiến nào và cao gấp đôi mức trung bình của OECD là 8%. Đồng thời, tổng chi tiêu của chính phủ cho GD dưới ĐH (tiểu học, trung học và dạy nghề) giảm từ 73% xuống còn 66%. Báo cáo cũng phát hiện ra rằng ở Australia, chi tiêu cho GD dưới ĐH giảm 10% trong đóng góp vào chỉ số GDP giai đoạn 5 năm, giữa 2010 và 2015.

Tại Australia, các trường tư được tài trợ thông qua một khoản phí hỗn hợp của phụ huynh, tiền hỗ trợ và đóng góp cho mỗi HS từ các tiểu bang cũng như của cả Khối thịnh vượng chung.

Correna Haythorpe, người đứng đầu Liên minh Giáo dục Australia (AEU), cho biết báo cáo của OECD cho thấy “gánh nặng chi phí” của tài trợ GD đã được chuyển ra khỏi chính phủ. 

Giáo viên vẫn quá tải

Theo báo cáo, kinh phí GD toàn cầu đã phải chịu hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn năm 2008, đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi tài trợ công cho GD toàn cầu bắt đầu tăng trong năm 2010, nó vẫn ở một tốc độ tăng trưởng chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Trong các nước OECD, tổng chi tiêu trung bình cho GD các cấp giảm 4,1% theo tỷ lệ GDP.

“Những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu vào năm 2008 hiện đang được phản ánh trong việc điều chỉnh ngân sách công và do đó, ảnh hưởng tới chi tiêu cho GD ở tất cả các cấp học”, báo cáo cho biết.

Trong lĩnh vực GD, tài trợ cá nhân trước khi chuyển khoản tiền công - chẳng hạn khoản tiền được trao cho khu vực tư nhân thông qua học phí hoặc trợ cấp HS - chiếm 37% tổng chi tiêu cho GD. Về GD ĐH, sau khi chuyển giao kinh phí hỗ trợ, chi tiêu tư nhân chiếm 62% chi tiêu cho GD ĐH, so với mức trung bình của OECD là 31%. Chỉ Vương quốc Anh là có tỷ lệ tài trợ ĐH tư nhân cao hơn Australia. 

Điều quan tâm nhất của AEU thực tế không phải kinh phí. Họ lo ngại trước những phát hiện về khối lượng công việc của giáo viên. Báo cáo của OECD chỉ ra rằng trong năm 2017, thời gian giảng dạy ròng cho giáo viên tiểu học Australia mỗi năm là 865 giờ, so với mức trung bình của OECD là 778 giờ. Giáo viên THPT dạy 797 giờ, so với mức trung bình của OECD là 655.

“Các giáo viên Australia đang giảng dạy các lớp học lớn hơn và làm việc nhiều hơn đáng kể so với mức trung bình của OECD, đó là một dấu hiệu rõ ràng về tình trạng thiếu nguồn lực” - Haythorpe nói - “Khi các trường được cung cấp thêm nhân viên, họ có thể giải quyết các lớp học lớn hơn và hỗ trợ thêm cho những HS cần được quan tâm”.

Báo cáo chỉ ra rằng, trong thập kỷ qua, lứa tuổi từ 25 - 34 tuổi có bằng ĐH ở Australia đã “tăng đáng kể”, đạt 52% vào năm 2017.

Sự gia tăng đó đặc biệt rõ rệt ở phụ nữ. Từ năm 2007 - 2017, tỷ lệ phụ nữ độ tuổi 25 - 34 có trình độ ĐH tăng từ 46% lên 59%, cao hơn mức trung bình của OECD là 50%. Trong năm 2016, một nửa số người mới tham gia vào các chương trình nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ ở Australia là phụ nữ.

Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ nam thanh niên học ĐH tăng từ 35% lên 45%, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ nữ giới.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ