(GD&TĐ) - “Chi phí học hành của con đặt gánh nặng khổng lồ lên vai tôi. Thu nhập của gia đình tôi chỉ 6.000 tệ (975,6 USD)/ tháng. Nhưng các lớp học thêm của con trai tôi ngốn tới gần 2.000 tệ (325,2 USD)/ tháng” – cô Li, một bà mẹ sống tại Bắc Kinh, chia sẻ - “Nhưng vì tất cả những đứa trẻ khác đều học thêm như vậy nên tôi cũng phải cố cho con theo học”.
Li đưa con trai từ tỉnh Sơn Tây quê nhà ở phía tây bắc Trung Quốc tới Bắc Kinh để có thể tiếp nhận nền giáo dục tốt hơn. Cô cho biết tất cả học sinh trong lớp của con mình đều đi học thêm.
Liu, một bà mẹ khác tại Bắc Kinh có con trai đang học tiểu học. Năm 2011, để con được tham gia đội văn nghệ của trường, Liu cho con học một khóa kèn saxophone tại một trung tâm nghệ thuật sau giờ học với học phí hơn 2.000 tệ/ tháng; đi kèm là số tiền mua chiếc kèn tới 20.000 tệ (3.252 USD). “Chi cho chuyện học hành của con trai tôi ngốn tới 1/3 thu nhập gia đình nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Nó là đứa con duy nhất của tôi” – Liu cho biết sẽ dành cho con những cơ hội tốt nhất trong khả năng có thể.
Cha mẹ oằn lưng lo chuyện học hành của con cái |
“Những ví dụ trên không còn là chuyện lạ. Một số gia đình đang chi quá tay cho giáo dục của con cái” – theo Hong Ming, nhà nghiên cứu tại Viện Giáo dục Gia đình, Trung tâm Nghiên cứu Giới trẻ Trung Quốc. Theo ông, tại Mỹ, các gia đình có thu nhập hạng trung chi trung bình chỉ 1,6% thu nhập gia đình cho giáo dục của con cái, mức rất nhỏ so với tỉ lệ 16% ở Trung Quốc.
Mức chi quá lớn cho giáo dục sẽ gây nguy hiểm cho kế hoạch chi tiêu hộ gia đình, đặc biệt là với những gia đình thu nhập thấp. Dữ liệu cho thấy chi giáo dục chiếm tới 76,1% tổng chi hộ gia đình đô thị cho trẻ em, chiếm 35,1% tổng chi hộ gia đình, và 30,1% tổng thu nhập hộ gia đình.
Một câu hỏi đặt ra là liệu mức đầu tư cho giáo dục có mang lại hiệu quả như mong muốn? Nhiều phụ huynh cảm thấy bối rối khi trả lời câu hỏi này. “Hầu hết phụ huynh hiểu rằng cho trẻ học thêm quá nhiều sẽ giảm thời gian chơi và thư giãn của trẻ nhưng họ vẫn làm vì lo con mình tụt hậu so với bạn bè” – Hong lí giải.
Với nhiều phụ huynh Trung Quốc, cho con thời thơ ấu vui chơi và vui vẻ sẽ khiến chệch “đường ray” tương lai của trẻ trong một nền giáo dục siêu cạnh tranh. Lộ trình an toàn nhất và dễ dàng nhất là vào một trường tiểu học tốt, trung học tốt, đại học danh tiếng và cuối cùng là một công việc lương cao.
Chi tiêu tăng cao cho giáo dục không chỉ tăng gánh nặng kinh tế đối với phụ huynh mà cũng nhân đôi gánh nặng kiến thức và tâm lí với trẻ. Theo nhà nghiên cứu Chu Zhaohui, Viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, gánh nặng tinh thần trĩu nặng không chỉ với trẻ em mà với cả phụ huynh. Theo ông Chu thì nhiều phụ huynh chỉ chú trọng đầu tư tiền bạc cho chuyện học hành của con cái mà lãng quên những điều cốt yếu cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Ví dụ như xây dựng mối quan hệ tốt giữa cha mẹ với con cái, tạo môi trường sống vui vẻ trong gia đình…
Việc “nhắm mắt đầu tư” cho con cái theo ông Chu không chỉ gây lãng phí tiền đầu tư mà phụ huynh có thể phải nhận một “sản phẩm lỗi” trong hệ thống giáo dục.
Bảo Chi (Tổng hợp)