Huy động toàn dân xây dựng nông thôn mới

Huy động toàn dân xây dựng nông thôn mới
(GD&TĐ) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phải là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.
Ngày 6/8 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Quy hoạch nông thôn.
Hội nghị giao ban trực tuyến về triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Quy hoạch nông thôn.
 Hội nghị giao ban trực tuyến về triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Quy hoạch nông thôn.
Chương trình có mục tiêu tổng quát là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng XHCN. Mục tiêu đến năm 2015, 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, năm 2020 đạt 50% theo Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Quy hoạch phải đi trước một bước
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị.
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình, công cuộc triển khai xây dựng nông thôn đã được tiến hành hàng chục năm nay. Tuy nhiên việc huy động toàn dân tham gia vào Chương trình của Chính phủ theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X như hiện nay là một phong trào rất lớn nên cần phát động sâu rộng tới toàn dân. 
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần phải đánh giá chính xác tình hình, lập được quy hoạch, huy động và cân đối được nguồn lực. Trong đó quy hoạch phải đi trước một bước.
Về tình hình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, đến nay mới chỉ có 50/63 tỉnh có báo cáo với tổng số xã là 6.590 xã, còn lại 2.521 xã thuộc các tỉnh chưa có báo cáo rà soát lập quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, nhiệm vụ quy hoạch cần xác định rõ các yêu cầu cụ thể đối với phạm vi toàn xã, gồm quy mô sử dụng đất, dự báo quy mô dân số trên địa bàn xã, thôn, bản theo từng giai đoạn. Các yêu cầu về bố trí dân cư thôn, bản, mạng lưới các công trình công cộng, công trình phục vụ sản xuất; quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối các thôn xóm với nhau, với vùng sản xuất và các khu động lực có ảnh hưởng; yêu cầu về bảo đảm vệ sinh môi trường trong các thôn xóm. Các yêu cầu xây dựng, định hướng kiến trúc đặc trưng, các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật chủ yếu của khu trung tâm xã, các công trình công cộng, dịch vụ cấp xã, thôn, công trình phục vụ sản xuất và nhà ở.
Tại Hội nghị, đại biểu nhiều tỉnh cũng cho rằng, quy hoạch là khâu khó nhất và là vấn đề đầu tiên cần chú trọng.
Ông Bùi Tiến Dũng Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình cho rằng, hiện nay việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn chắp vá, không đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của CNH – HĐH. Trong đó vấn đề quy hoạch không chỉ cho một xã mà cần phải đồng bộ, có sự liên kết giữa các xã. Từ đó mới xây dựng được nông thôn có sản xuất phát triển, cuộc sống của nông dân sung túc, đảm bảo diện mạo làng xã thay đổi, môi trường sạch đẹp. Do đó, vấn đề quy hoạch đối với từng lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa… một mặt do Nhà nước đảm đương nhưng phải có sự tham gia của địa phương để đảm bảo sự đồng bộ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trịnh Duy Hùng cho rằng, kế hoạch rà soát quy hoạch gặp khó khăn, trong đó có yêu cầu các xã rà soát việc sử dụng đất. Hà Nội đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến 2012 hoàn thành quy hoạch nông thôn. Theo ông Trịnh Duy Hùng, vấn đề có tính quyết định là lập được quy hoạch cụ thể đối với từng lĩnh vực  và làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa đặc biệt của xây dựng nông thôn mới để cộng đồng trách nhiệm, tránh trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các địa phương thúc đẩy xây dựng quy hoạch, lựa chọn thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng trước trong đó có chỉ tiêu giáo dục, y tế, hệ thống chính trị ở cơ sở và một số điều kiện về cơ sở hạ tầng để phát triển cơ sở sản xuất và nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần. Phó Thủ tướng cũng đề nghị, tiêu chí giáo dục phải đạt chuẩn sớm nhất, đến năm 2020 phải đạt từ 80-90% tiêu chí giáo dục đã đề ra.
Lưu ý về vấn đề quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, muốn đạt được chỉ tiêu năm 2020 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp thì quy hoạch phải đi trước một bước. Thủ tướng cho rằng, hiện nay hầu hết các xã đã có quy hoạch, do đó cần rà soát lại để điểm gì hợp lý thì giữ lại, chưa hợp lý thì điều chỉnh.
Thủ tướng yêu cầu, đối với cấp xã cần làm tốt 3 điểm: bố trí mặt bằng không gian quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất; rà soát lại quy hoạch để bổ sung hạ tầng từ giao thông, thủy lợi, y tế… tất cả đều phải kết nối với huyện, và quy hoạch cụm dân cư.
Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn xã tự làm quy hoạch, người dân cũng phải tham gia trực tiếp vào quy hoạch.
Về kinh phí triển khai thực hiện, Thủ tướng cho biết, Nhà nước đảm bảo 40% kinh phí, trong đó 23% từ các chương trình mục tiêu và 17% kinh phí từ Chương trình này. 60% số kinh phí còn lại chủ yếu là huy động đóng góp từ phía cộng đồng và nhân dân.
Phát động phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 
Về kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2010 - 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị thành lập Ban chỉ đạo các cấp ở địa phương, trong đó cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Sở NNPTNT là cơ quan thường trực điều phối, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Chương trình trên địa bàn.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phát động cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” trong quý III/2010. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, thường xuyên, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, vừa vận dụng hướng dẫn của Trung ương vừa vận dụng điều kiện của địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện. Theo đó, cả hệ thống chính trị cần quyết liệt, nỗ lực thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả.
Thủ tướng cũng lưu ý, cần thống nhất nhận thức sâu sắc về mục đích ý nghĩa của chương trình này. Trước hết, đây là Chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì cụ thể hóa thực hiện một nội dung cơ bản trong Nghị quyết của  Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nếu đạt và vượt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, diện mạo đất nước sẽ thay đổi toàn diện.
Thủ tướng yêu cầu, các địa phương cần lập mục tiêu cụ thể của địa phương mình chứ không dừng lại ở mục tiêu mà Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra. Bên cạnh đó, cần rà soát hiện trạng, xác định thứ tự ưu tiên các tiêu chí để triển khai thực hiện, trong đó, đặc biệt quan tâm đến giáo dục đào tạo và học nghề, lưu ý đào tạo cán bộ quản lý xây dựng nông thôn mới ở xã.
Về tổ chức chỉ đạo thực hiện, Thủ tướng đề nghị, cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, làm quyết liệt, kiên trì, liên tục. Chương trình phải được thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp, Nhà nước và nhân dân cùng làm, là sự nghiệp của dân, do dân, dân làm, dân hưởng. Do đó cần phải thực hiện quyết liệt với các giải pháp đồng bộ, có lộ trình bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng yêu cầu  lãnh đạo các địa phương đưa chương trình này thành nội dung trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tại địa phương.
Giang Đông/VGP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ