Át chủ bài trong dòng chảy vũ khí đổ vào Ukraine

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 9/8 công bố bổ sung thêm một gói viện trợ quân sự thứ 18 cho Ukraine, có trị giá 1 tỷ USD và lớn nhất trong gần 20 đợt viện trợ cho Kiev kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự hồi tháng 2.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lầu Năm Góc cho biết, lô vũ khí mới nhất Mỹ viện trợ cho Ukraine đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt theo quyền hạn đặc biệt được quy định trong Hiến pháp. Gói hỗ trợ thứ 18 này bao gồm các loại vũ khí đang được Mỹ cho rằng Ukraine đã sử dụng “rất hiệu quả”.

Cụ thể gói viện trợ mới sẽ có các đầu đạn dành cho các Hệ thống Tên lửa cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ đã gửi đến Ukraine từ trước. Đây là loại vũ khí hiện đại nhất Mỹ viện trợ cho Ukraine và được đánh giá là sẽ tạo bước ngoặt trên chính trường.

Ngoài thêm đầu đạn cho HIMARS, Mỹ cũng sẽ gửi thêm 1.000 quả tên lửa vác vai chống tăng Javelin, khối lượng lớn thuốc nổ C-4, mìn sát thương Claymore và hàng chục nghìn quả đạn pháo và hệ thống phòng không khác.

Ngoài các vũ khí sát thương, Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch cung cấp thêm 50 xe điều trị y tế đặc chủng, cùng với nhiều vật tư và thiết bị y tế trong đợt viện trợ mới này.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để cung cấp cho Ukraine thêm những hỗ trợ quan trọng khác, nhằm tạo ra sự khác biệt trên chiến trường trong cuộc đối đầu với quân đội Nga.

Tính tổng cộng kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức hồi tháng 1/2021 đến nay, ông đã phê duyệt 9,8 tỷ USD tiền viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong đó riêng giai đoạn từ ngày Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự vào Ukraine hôm 24/2 đến nay là 9 tỷ USD.

Ngoài viện trợ về vũ khí và quân sự, Quốc hội Mỹ còn thông qua khoản viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine hồi tháng 5 vừa qua, sau khi đã cung cấp khoản viện trợ 13,6 tỷ USD trước đó.

Dòng chảy vũ khí từ Mỹ và đồng minh đổ vào Ukraine đang là nguồn hỗ trợ chính để quân đội Ukraine có thể tiếp tục cuộc đối đầu với quân đội Nga. Trong đó át chủ bài là hệ thống tên lửa tối tân HIMARS do Mỹ sản xuất. Các quan chức Ukraine khẳng định, đây là “vũ khí thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường bởi tính hiệu quả của chúng.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận sức mạnh của HIMARS khi tuyên bố họ đã phá hủy 6 trong số 16 bệ phóng HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine cùng nhiều kho dự trữ đạn dược khác phục vụ cho hệ thống tên lửa này.

Trong khi đó, tính hiệu quả về vũ khí viện trợ của Mỹ cũng được truyền thông Mỹ đặt câu hỏi. Hãng CBS News hôm 4/8 công bố kết quả điều tra của họ cho biết chỉ có khoảng 30% số vũ khí mà Mỹ và các đồng minh gửi tới Ukraine đã thực sự đến được tiền tuyến.

Truyền hình CNN của Mỹ trước đó cũng từng trích dẫn một quan chức giấu tên cho biết số vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine “giống như rơi vào một hố đen và không thể theo dấu chỉ sau một khoảng thời gian ngắn”. Điều này ám chỉ tính hiệu quả kém của nguồn vũ khí khổng lồ mà Mỹ viện trợ cho Ukraine trong cuộc đối đầu với quân đội Nga.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, Nga cũng liên tục tung thêm khí tài vào các mặt trận tại Ukraine. Hai dòng chảy vũ khí đổ vào Ukraine đã biến cuộc xung đột tại đây trở thành cuộc chiến khốc liệt nhất trên đất châu Âu kể từ Thế chiến II đến nay. Điều đáng lo ngại hơn là với những “dòng chảy vũ khí” không ngừng này thì ngày kết thúc cuộc chiến vẫn chưa thể xác định được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.