Đây là quý thứ hai liên tiếp doanh thu Apple và doanh số iPhone giảm. Dù iPhone SE có lượng bán khả quan, nhìn chung các mẫu iPhone hiện tại đều không theo kịp doanh số của lứa iPhone màn hình lớn đầu tiên do nhu cầu tại Trung Quốc và Mỹ đang chững lại. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của “táo khuyết” vẫn tốt hơn dự báo của phố Wall.
Apple cho biết thu nhập ròng đạt 7,8 tỷ USD, giảm từ 10,68 tỷ USD, doanh thu giảm 14,6% xuống 42,36 tỷ USD từ 49,6 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
iPhone bán chậm trong bối cảnh Huawei Trung Quốc lại có bước tiến đáng kể trên thị trường toàn cầu, thách thức cả Apple lẫn Samsung. Richard Yu, Giám đốc sản phẩm tiêu dùng của Huawei, tự tin có thể đạt mục tiêu bán ra 140 triệu máy trong năm nay, tăng 30% so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2016, công ty đã xuất xưởng 60,6 triệu máy, tăng 25%.
Thành công của Huawei đã nói lên sức ép cạnh tranh mà iPhone đang đối mặt. Apple không cạnh tranh trên phân khúc thấp cấp nhưng những thương hiệu vốn bắt đầu từ những mẫu điện thoại giá rẻ như Huawei lại gây trở ngại về sau với nhiều sản phẩm cao cấp hơn.
Apple bán được 40,4 triệu iPhone trong quý vừa qua, giảm từ 47,5 triệu máy của cùng kỳ năm 2015. Quý đầu năm nay iPhone đã chứng kiến lượng bán ra giảm lần đầu tiên kể từ khi ra mắt năm 2007.
Trong một cuộc phỏng vấn, CEO Tim Cook cho rằng nhu cầu iPhone tốt hơn những con số báo cáo vì thực tế công ty đã giảm hơn 4 triệu máy tồn kho. Ông cũng cảm thấy được khuyến khích bởi doanh thu từ iPad tăng trưởng trở lại lần đầu tiên trong 10 quý và doanh thu từ các dịch vụ Apple ngày càng mạnh mẽ. Theo ông, “quý vừa rồi rất bất ngờ vì nó tốt hơn chúng tôi dự tính từ nhiều góc độ”.
Với doanh thu giảm sau 13 năm tăng liên tiếp, Apple đang đứng tại một điểm rẽ quan trọng trong lịch sử. Nó vẫn là công ty giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường và thu về lợi nhuận cao hơn bất kỳ đối thủ nào khác nhưng các thiết bị quan trọng – iPhone, iPad và Mac – đều đi xuống, trong khi các sản phẩm mới lại chưa đủ thành công để bù đắp và còn đó các lo ngại Apple đang mất dần sự sáng tạo.
Cùng lúc này, Apple vấp phải cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc, nơi chính phủ đang siết chặt quản lý với các doanh nghiệp nước ngoài. Tại châu Âu, Apple lại là đối tượng bị điều tra trốn thuế có thể dẫn tới tổn thất hàng tỷ USD. Tại chính quê hương Mỹ, nhà sản xuất iPhone lại đối đầu với chính phủ về quyền riêng tư của người dùng.
Dù vậy, Tim Cook không đồng tình với quan điểm những ngày hoàng kim của Apple đã ở sau lưng của một số nhà quan sát. “Mọi người luôn nghi ngờ chúng tôi, đây không phải điều gì mới mẻ và với những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán, chúng tôi không không quá lo lắng vì điều đó”.
Điểm sáng trong báo cáo kinh doanh của Apple chính là dịch vụ, bao gồm các thuê bao Apple Music, phí thu về từ Apple Pay và doanh thu ứng dụng. Doanh thu từ dịch vụ tăng 19% lên 5,98 tỷ USD.
Dịch vụ đã mang về 23 tỷ USD trong 12 tháng vừa qua và trong năm tới, nó còn được kỳ vọng tăng trưởng nhiều hơn, tới mức nếu là một công ty hoạt động độc lập, dịch vụ có thể lọt vào danh sách Fortune 100. Đây hoàn toàn không phải phóng đại nếu xét tới công ty xếp hạng 100 trong Fortune 500 là Northwestern Mutual đang có doanh thu thường niên 28,1 tỷ USD.
Dù vậy, doanh số các sản phẩm Apple khác không thể bù đắp cho sự thiếu hụt từ iPhone. Trong khi doanh thu iPad tăng 7% vì iPad Pro đắt hơn, số máy bán ra giảm quý thứ 10 liên tiếp xuống 9,95%. Doanh số Mac giảm 11%, đánh đấu quý thứ 3 sụt giảm.
iPhone SE, mẫu iPhone giá rẻ ra mắt ngày 31/3, giúp doanh số tăng lên nhưng giá bán thấp kéo theo lợi nhuận biên giảm. Thiết bị có giá từ 399 USD, rẻ hơn nhiều so với iPhone 6s (từ 649 USD). Nó kéo theo giá bán trung bình iPhone xuống còn 595 USD từ 662 USD của một năm trước.
Doanh thu giảm phản ánh tình hình khó khăn tại Trung Quốc. Doanh số tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan giảm 33% xuống còn 8,85 tỷ USD. Trong cùng kỳ năm 2015, doanh số tăng tới 112%. Song, CEO Apple vẫn lạc quan về thị trường này trong dài hạn.