APEC 2018: Thất bại từ xung đột Mỹ - Trung

GD&TĐ - Lần đầu tiên kể từ đầu những năm 1990, Hội nghị Thượng đỉnh APEC- 2018 (diễn ra trong 2 ngày 17-18/11) không đưa ra được một tuyên bố chung “vì tất cả những điều tốt đẹp”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC-2018
Các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC-2018

Ngược lại, biểu tượng “mở cửa của Trung Quốc với thế giới” và toàn cầu hoá theo phong cách Mỹ giờ đã trở thành chiến trường cho Washington và Bắc Kinh. Xung đột trong cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mà chủ yếu là xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy Hội nghị Thượng đỉnh APEC-2018 xuống vực thẳm.

“Cả thế giới lo ngại”

Đó là nhận định về kết quả (và thực tế là thất bại) của Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC - 2018) của Thủ tướng Papua New Guinea, Peter O"Neill. Người Papua New Guinea cảm thấy không may mắn bởi lần đầu tiên đất nước họ tổ chức một cuộc họp cấp cao như vậy và nó trở thành hội nghị thượng đỉnh APEC đầu tiên kể từ năm 1993 không thông qua được tuyên bố chung. Trung Quốc không chấp nhận bản tuyên bố chung. Họ phản đối cái gọi là "thương mại bất công bằng" được ghi trong bản dự thảo của tuyên bố.

Hơn hai chục nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ trong khu vực tham dự APEC - 2018 trở về nhà với một ấn tượng không mấy tốt đẹp về cách hành xử của hai cường quốc: Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, rất khó để có được một kết quả khác, bởi diễn đàn đã trở thành một trong những đấu trường xung đột trong “cuộc chiến thương mại” của Washington và Bắc Kinh. Theo kênh truyền hình RT (Nga), trong suốt tiến trình của hội nghị thượng đỉnh, đại diện của Mỹ và Trung Quốc đã bày tỏ những phàn nàn về "chính sách thương mại không công bằng" với nhau.

Các đại diện từ Bắc Kinh đã nhắc lại cách chính quyền Donald Trump áp dụng mức thuế bổ sung 250 tỷ USD cho hàng hóa Trung Quốc. Đoàn đại biểu Mỹ nhắc lại các đòn trả đũa tương ứng của Trung Quốc. Và theo nhận định của tờ New York Times, ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này, người đứng đầu cả hai phái đoàn - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thi nhau khẳng định rằng đất nước của họ có lợi ích cao nhất trong khu vực, nơi có tới 60% nền kinh tế thế giới tập trung ở đây.

Mike Pence, mặc dù không quyết liệt tấn công khát vọng địa chính trị của Trung Quốc như Donald Trump trong thời gian gần đây, nhưng cũng ra sức chỉ trích dự án "Một vành đai, một con đường" mà Bắc Kinh đang ráo riết triển khai.

"Chúng tôi không dìm đối tác của mình xuống biển nợ. Chúng tôi không ép buộc các bạn thỏa hiệp độc lập quốc gia. Chúng tôi không mời chào các bạn đến với vành đai bóp nghẹt hay con đường một chiều..." - Mike Pence tuyên bố tại APEC - 2018.

Theo các nhà phân tích, những tuyên bố trên đây của Mike Pence tại diễn đàn APEC- 2018 thực chất là giới thiệu "Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương" - một trong những nỗ lực chạy đua với "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.

Đi tìm nguyên nhân thất bại của APEC-2018

Kết quả của cuộc chiến Trung - Mỹ là rất khó chịu, nhưng có thể đoán trước được. Đầu tiên, các nguồn tin cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh đã xuất hiện những khó khăn trong việc đồng ý và thông qua tuyên bố chung cuối cùng. Càng về sau, dự đoán ấy càng trở nên rõ ràng. Các nhà lãnh đạo Úc và Canada đã cố gắng "làm ngọt viên thuốc đắng". "Đã đạt được nhiều tiến bộ hơn so với mong đợi" - Thủ tướng Úc Scott Morrison chia sẻ với các nhà báo.

"Tôi không nghĩ rằng sự ngạc nhiên lớn là chúng tôi có một tầm nhìn khác về tình hình" - Đồng nghiệp Canada, ông Justin Trudeau nói thêm.

Theo các nhà phân tích, Washington và Bắc Kinh đã thể hiện một “tầm nhìn khác”, rằng sự tồn tại của định dạng APEC (xuất hiện vào năm 1989 ngay từ cuối chiến tranh lạnh và sau khi làn sóng cải cách kinh tế ở Trung Quốc bắt đầu) đã mất hết ý nghĩa.

"Tất cả đều rơi vào cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc" - Trong một cuộc trò chuyện với tờ New York Times, chuyên gia Úc Rory Metcalf nói.

"Tất cả những gì xảy ra tại Hội nghị APEC cho thấy, đối với nước Mỹ, giá trị của các tổ chức đa phương đã giảm mạnh"- ông Fyodor Lukyanov, Giám đốc khoa học của Quỹ Phát triển và Hỗ trợ Câu lạc bộ Valdai (Nga) bình luận.

Ngoài ra, theo ông Fyodor Lukyanov, nguyên nhân khiến APEC - 2018 thất bại phải kể đến vai trò của nước chủ nhà Papua New Guinea.

"Kinh nghiệm cho thấy, một địa điểm, một quốc gia (làm chủ tịch - ND) mà mọi thông số của nó không tương ứng với sứ mệnh này thì đều kết thúc trong thất bại"- Fyodor Lukyanov khẳng định.

"Thường thì khi hội nghị diễn ra, trách nhiệm ngoại giao con thoi thuộc về nước chủ tịch. Đó là những nỗ lực được thực hiện trước đó để đảm bảo rằng các tài liệu cuối cùng được ký kết" - Fyodor Lukyanov khẳng định. Nếu Hội nghị Thượng đỉnh có thể chọn một quốc gia “nặng cân” hơn và tinh vi hơn trong chính trị thế giới thì một tuyên bố chung hàm chứa những từ ngữ “ngụy trang” cho các cuộc đối đầu, xung đột sẽ được thông qua.

"Vào năm 2012, khi Nga là Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh APEC, điều này đòi hỏi một công việc to lớn" - ông Fyodor Lukyanov nhớ lại. “Nhưng Papua New Guinea rõ ràng là không thể và không có khả năng làm được điều này” - Fyodor Lukyanov nhấn mạnh. Có điều, theo ông Lukyanov, dù sao đi chăng nữa, Papua New Guinea vẫn không phải là lý do chính dẫn đến thất bại của APEC-2018.

Hoa Kỳ đang thúc đẩy một khái niệm khác - Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có sứ mệnh rõ ràng là kiềm chế Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ được “khoanh vùng” bởi một vòng tròn các quốc gia trung thành với Washington.

Về phần mình, Trung Quốc cũng “chưa sẵn sàng nhượng bộ nghiêm túc với người Mỹ”. Bắc Kinh tin rằng, họ có đủ sức mạnh để các nước khác phải lắng nghe Trung Quốc chứ không phải là ngược lại. Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, xung đột Mỹ - Trung hẳn sẽ kéo dài.

Một câu hỏi được đặt ra rằng trong bối cảnh như vậy, thái độ của các nước còn lại trong khu vực sẽ ra sao?

Thực tế là khi vai trò của các tổ chức quốc tế lớn như APEC bị... nhiễu loạn, các nước trong khu vực chủ động thúc đẩy hợp tác song phương. Hàng loạt các cuộc gặp song phương được tiến hành bên lề APEC-2018. Ví như Thủ tướng Nga B.Medvedev có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo rằng ở vùng "tâm bão" của cuộc xung đột Mỹ - Trung, các quốc gia ASEAN có thể bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đây là tình cảnh hết sức khó khăn của các nước nhỏ trong khu vực. Điều quan trọng là mỗi nước phải có những bước đi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của chính mình trong tổng quan khu vực.

 Fyodor Lukyanov: “Xung đột từ lâu đã phát sinh trong cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương. APEC là một sản phẩm của thời kỳ, khi mọi người tin vào toàn cầu hóa mà nước đầu tiên là Trung Quốc. Tuy nhiên, định dạng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đưa vào hoạt động sau khi kết thúc chiến tranh lạnh thì giờ đây, chính Washington cho là không còn phù hợp nữa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.