Sáng nay, thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo cấm biển từ 13 giờ, ngày 7/7 để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Theo đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng các địa phương ven biển có trách nhiệm tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ và có khả năng mạnh lên thành bão.
Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại bến. Quản lý chặt phương tiện ra khơi và kiên quyết cấm biển từ 13 giờ ngày 7/7.
Được biết, Thanh Hóa hiện có 6.840 phương tiện tàu thuyền các loại, chuyên khai thác trên biển. Nhiều ngư dân ở các vùng biển vẫn còn tư tưởng chủ quan, tranh thủ khai thác khi có gió mùa hay sóng lớn. Bởi lẽ, thời điểm này các loài hải sản thường hoạt động tầng trên nên sản lượng cao hơn.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp gặp rủi ro do không lường trước được những bất trắc, hoặc bão đến sớm hơn dự tính.
Trước đó, đêm qua (6/7) Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành cấp tỉnh liên quan phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ.
Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi. Tổ chức cấm biển từ 13 giờ ngày 7/7 cho đến khi thời tiết bình thường trở lại.
Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi. Kiểm tra, bảo vệ các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công.
Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, xung yếu. Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Người đứng đầu cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở GD&ĐT chỉ đạo, rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là các học sinh thi tốt nghiệp THPT. Các sở, ngành liên quan chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Đặc biệt, triển khai ngay việc rà soát phương án sơ tán, di dân tập trung đảm bảo an toàn 2 mục tiêu phòng, chống thiên tai và dịch Covid-19 cho người dân, các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai tại khu vực ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét. Thời gian hoàn thành trước 16 giờ hôm nay.