Hà Nội: Giảm áp lực thi vào 10 từ thiết kế đề thi

Hà Nội: Giảm áp lực thi vào 10 từ thiết kế đề thi

Giảm câu hỏi vận dụng cấp độ cao

Năm tới, Hà Nội thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 với việc tổ chức thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn); 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học).

Các bài thi Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Các câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế theo hướng ở cấp độ nhận thức thấp nhất (chủ yếu ở cấp độ nhận biết, một số ít câu ở cấp độ thông hiểu), do đó học sinh không nhất thiết phải học thêm mà chỉ chuyên cần là đáp ứng được yêu cầu.

Thời lượng dự kiến làm bài thi tổ hợp là 90 phút tương ứng với khoảng 50 câu trắc nghiệm khách quan. Mỗi môn trong bài thi tổ hợp (trừ môn Ngoại ngữ) có khoảng 10 câu hỏi trắc nghiệm khách quan; yêu cầu về mức độ kiến thức, kỹ năng các môn trong bài thi tổ hợp đương tương với bài kiểm tra 15 phút ở trên lớp.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đề thi các môn Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận được giữ như các năm học trước. Tuy nhiên, đề thi sẽ được thiết kế giảm tỷ lệ các câu hỏi vận dụng ở cấp độ cao nhằm làm giảm áp lực ôn tập, thi cử cho học sinh.

Bài thi tổ hợp với mục tiêu dần tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới đó là “theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên”. Trong bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ ở trường phổ thông. Ngoài ra, bài thi Tổ hợp vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với các đối tượng học sinh.

Phương án có bài thi tổ hợp, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, nhằm thực hiện đến năm học 2023-2024 thi tích hợp các môn theo chương trình sách giáo khoa mới, rất thuận lợi cho giáo viên, học sinh đã được tiếp cận, làm quen.

Bên cạnh đó, bài thi tổ hợp gồm nhiều môn giúp cho khả năng bao quát chương trình học ở cấp THCS được thể hiện tương đối đầy đủ. Không còn tình trạng học tủ, học lệch, không còn môn chính, môn phụ, hướng học sinh tới việc “học gì thi nấy”.

Học sinh từng bước được tiếp cận với hình thức trắc nghiệm khách quan trong bài thi, từng bước làm quen với hình thức của bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Việc chấm bài trắc nghiệm khách quan bằng phần mềm máy tính đảm bảo cho tính khách quan, công bằng trong việc đánh giá kết quả bài thi của học sinh.

Hình thức thi trắc nghiệm khách quan phù hợp với những kỳ thi trên diện rộng, vừa tiết kiệm, đơn giản mà vẫn đảm bảo đánh giá được đầy đủ, chính xác năng lực người thi. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá là xu hướng phát triển của khoa học đo lường và đánh giá trên thế giới.

Công bố đề minh họa bài thi tổ hợp chậm nhất vào tháng 9/2018

Các câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế theo hướng ở cấp độ nhận thức thấp nhất (chủ yếu ở cấp độ nhận biết, một số ít câu ở cấp độ thông hiểu), do đó học sinh không nhất thiết phải học thêm mà chỉ chuyên cần là đáp ứng được yêu cầu.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ tháng 5/2018 đến tháng 8/2018, Sở GD&ĐT xây dựng cấu trúc đề thi và công bố đề thi minh họa của bài thi tổ hợp chậm nhất vào tháng 9/2018, giúp giáo viên và học sinh có thể tham khảo, làm quen với định dạng của đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập.

Tháng 3/2019, Sở này sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp nhằm tránh việc học sinh chỉ tập trung học ở một số môn thi, giảm hiện tượng giáo viên ở các môn không thi có suy nghĩ dễ dãi trong yêu cầu, đánh giá quá trình học tập của học sinh, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS.

Hàng năm, trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, Sở GD&ĐT Hà Nội chú trọng đưa nội dung bồi dưỡng về phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cho giáo viên, đặc biệt phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh bằng hình thức trắc nghiệm khách quan cho giáo viên THCS.

Năm tới, trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập được phép tuyển sinh theo phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS, không nhất thiết phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của các trường công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập, giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ