Thí sinh thi đại học ở Trung Quốc tăng cao kỷ lục

GD&TĐ - Ngày 7 - 8/6, 12,91 triệu thí sinh Trung Quốc chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học (còn gọi là gaokao).

Giáo viên Trường Trung học Dongyang, tỉnh Chiết Giang, cổ vũ tinh thần thí sinh trước kỳ thi gaokao năm 2023.
Giáo viên Trường Trung học Dongyang, tỉnh Chiết Giang, cổ vũ tinh thần thí sinh trước kỳ thi gaokao năm 2023.

Số lượng thí sinh dự thi năm nay tăng 980.000 so với năm 2022, đánh dấu mức cao kỷ lục.

Đưa con gái đến điểm thi tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc chị Han kể, từ một tuần trước đó, chị và con gái đã thuê phòng trọ nằm gần điểm thi để tiết kiệm thời gian di chuyển. Con gái cũng có không gian học tập và nghỉ ngơi tốt nhất để chuẩn bị cho kỳ thi.

“Ba năm trước, con gái tôi đã hoàn thành tốt kỳ thi tuyển sinh THPT khi dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng và dành phần lớn thời gian học trực tuyến. Vì vậy, bây giờ cháu cũng tự tin, thoải mái hơn khi đối mặt với gaokao”, chị Han cho biết.

2023 là năm đầu tiên Trung Quốc tổ chức thi đại học sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Chính quyền các địa phương cũng bỏ quy định yêu cầu thí sinh đeo khẩu trang, ngồi cách xa nhau trong phòng thi nhưng một số địa phương nhắc nhở thí sinh tự quản lý, theo dõi sức khoẻ.

Ngoài ra, một điểm mới trong kỳ thi năm nay là việc siết chặt các biện pháp chống gian lận trong kỳ thi. Những ngày qua, Bộ Công an Trung Quốc đã phát động chiến dịch phòng chống các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến gian lận có tổ chức trong kỳ thi như mua bán thiết bị liên lạc, ghi âm hoặc chụp hình bí mật.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc thí điểm cải cách kỳ thi đại học ở một số địa phương. Trước cải cách, thí sinh lựa chọn thi đại học theo hai khối Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Chính trị, Lịch sử, Địa lý). Nhưng theo hình thức mới, thí sinh thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ bắt buộc và chọn 3 trong 6 môn thuộc Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.

Theo hướng dẫn của Bộ Công an, các hành vi như gian lận có tổ chức, cung cấp đề thi và đáp án cho thí sinh, làm thay thí sinh trong kỳ thi, mua bán hoặc sử dụng thiết bị gian lận... đều được cho là hành vi phạm tội liên quan đến kỳ thi. Các hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kỳ thi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của thí sinh và vi phạm pháp luật.

Hưởng ứng chiến dịch phát động, cảnh sát ở một số địa phương đã điều tra và vây bắt các nhóm tổ chức và gian lận liên quan đến kỳ thi.

Để nâng cấp công tác kiểm tra an ninh cho kỳ thi, năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Châu và Vân Nam huy động lực lượng tình báo để phát hiện thiết bị điện tử như điện thoại di động, đồng hồ điện tử, tai nghe hoặc các thiết bị hỗ trợ gian lận trong kỳ thi.

Chính quyền Quảng Châu cũng cảnh báo thí sinh không mặc quần áo có chứa kim loại hoặc đeo trang sức kim loại vì kim loại gây báo động giả, làm mất thời gian trong quá trình kiểm tra an ninh.

Thành phố Tất Tiết yêu cầu thí sinh kiểm tra an ninh ba bước trước khi vào điểm thi. Các điểm thi cũng lắp đặt hệ thống kiểm tra an ninh thông minh có khả năng phát hiện thiết bị gian lận tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt để phát hiện người thi hộ.

Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm 4/6 cũng đưa ra cảnh báo với thí sinh thi đại học năm nay rằng hãy hành động một cách chính trực, không gian lận và nhận thức rõ về gian lận trong thi cử. Bộ lấy ví dụ năm 2020, một đối tượng họ Zhu đã bị phạt 3 năm tù giam, 5 năm quản chế và 6.000 nhân dân tệ (gần 20 triệu đồng) cho hành vi gian lận.

Cụ thể, Zhu đã mang theo điện thoại vào phòng thi, chụp ảnh đề và nhờ một người ở bên ngoài làm bài hộ. Người này đã liên lạc cho nhiều người khác để cùng nhau giúp Zhu giải đề.

Gaokao là kỳ thi đại học có tính cạnh tranh khắc nghiệt nhất thế giới và quyết định tương lai của mỗi thí sinh. Vì vậy, đảm bảo công bằng và an ninh cho kỳ thi là điều được Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.