Phát huy thế mạnh của trang phục để quảng bá hình ảnh quốc gia, các nhà thiết kế thời trang đã tận dụng những giá trị truyền thống của áo dài và nâng lên thành sản phẩm đặc thù, tiêu biểu với kỳ vọng xây dựng kinh đô thời trang góp phần phát kinh tế và du lịch.
Đặc sản văn hóa Việt
Trang phục truyền thống của mỗi quốc gia đều hàm chứa trong đó những tinh hoa văn hóa đặc sắc. Trang phục không chỉ có tính năng che thân, bảo vệ sức khỏe, mang tính thẩm mỹ, mà còn truyền tải nhiều giá trị khác.
Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono, Scotland có váy Kilt... thì Việt Nam khơi gợi cảm xúc và nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách với tà áo dài duyên dáng.
Áo dài Việt Nam nằm trong tốp trang phục cưới truyền thống đẹp trên thế giới, nhưng áo dài ngày nay không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là một bộ trang phục, mà còn là câu chuyện về dòng chảy văn hóa, là sứ giả kết nối vẻ đẹp thẩm mỹ. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc.
Các nhà thiết kết (NTK) từ mọi miền đất nước trong nhiều năm qua đã dành tâm huyết nghiên cứu, sáng tạo, cách tân để trong thiết kế cũng như khai thác chất liệu đưa ra trình diễn những bộ sưu tập và các thiết kế áo dài mang tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp xã hội.
Những thành phố trở thành điểm đến du lịch đã không bỏ lỡ cơ hội quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, con người thông qua bộ trang phục áo dài - sứ giả văn hóa. Trong những sự kiện văn hóa, tổ chức Festival áo dài, Festival nghề truyền thống Huế… là bước đi chiến lược được lãnh đạo các thành phố Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh…đầu tư để tiến tới mục tiêu xây dựng những trung tâm thời trang lớn.
Trước mỗi sự kiện, để chuẩn bị cho công tác tổ chức và tạo dấu ấn mang đậm bản sắc văn hóa, Sở VH,TT&DL, Sở TT-TT thường có sự hợp tác với các NTK tiêu biểu. Đây cũng là cơ hội để các NTK thời trang, nghệ nhân, nghệ sĩ và những người yêu mảnh đất kinh đô, cố đô giới thiệu tới công chúng và du khách những nét đẹp biến ảo của tà áo dài duyên dáng.
Mỗi sự kiện, mỗi cuộc giao lưu văn hóa đều tạo ra môi trường khơi gợi, làm sống dậy những vốn văn hóa tốt đẹp, làm giàu thêm giá trị tinh thần cho người Việt trong quá trình hội nhập.
Từ những hoạt động làm nghề, hiểu rõ sự hình thành và phát triển của tà áo dài qua những thời kỳ và nắm chắc, khả năng ứng dụng của công nghệ trong việc thiết kế áo dài truyền thống… các NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nghệ nhân áo dài Lan Hương, NTK Ngọc Hân; Chu La, Khánh Shyna… và NTK Diego Cortizas del Valle đến từ Tây Ban Nha đã góp phần đưa trang phục áo dài trở thành “đặc sản” văn hóa Việt Nam.
|
Sân chơi bảo tồn và sáng tạo
Với định hướng xây dựng sản phẩm du lịch và tạo được những điểm đến văn hóa ấn tượng thu hút du khách và kích cầu thị trường thời trang ứng dụng, các NTK thời trang vừa khai trương một sân chơi của mình.
CLB Áo dài tại Thủ đô Hà Nội (trực thuộc Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam) sẽ tập hợp đội ngũ gần 1.000 các NTK, các nhà may trong toàn quốc.
“CLB Áo dài Việt Nam đi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người yêu áo dài. Chúng tôi không những liên kết, chia sẻ niềm đam mê gìn giữ một nét văn hoá truyền thống mà còn có thể hợp tác với các chủ cửa hàng may đo, các nghệ nhân áo dài khi thực hiện các ý tưởng thiết kế, tổ chức các show trình diễn để phát triển thương hiệu. Chúng tôi có diễn đàn để đối thoại, chia sẻ và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh, quản lý từ các NTK nổi tiếng, các chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực thời trang” - NTK Phạm Đào (Đồng Nai), chia sẻ.
Giới thiệu về những hoạt động của CLB trong năm 2019, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam - Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam phấn chấn - cho biết: CLB Áo dài Việt Nam không chỉ quy tụ những NTK áo dài hàng đầu mà còn là nơi để giới thiệu những thiết kế áo dài Việt đến với thế giới. Tà áo dài Việt sẽ không chỉ là thời trang của người Việt mà hồn cốt văn hóa của người Việt cần được lan tỏa tới nhiều cộng đồng. Áo dài sẽ mang thông điệp đưa văn hóa truyền thống của Việt Nam, văn hóa làng nghề, văn hóa vùng miền… tới du khách quốc tế.
Để áo dài gắn với sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân các làng nghề và thúc đẩy phát triển du lịch hơn nữa, những nhà thiết kế cần nhạy bén và khéo léo kết hợp những ý tưởng sáng tạo với xu hướng thời trang.
Tư duy sáng tạo sẽ đưa đến những cách tân, cách điệu khoa học, biến hóa diệu kỳ cho tà áo dài. Chỉ cần khắc họa họa tiết lấy từ các mẫu áo truyền thống của các quốc gia đặt trên tà áo dài dân tộc Việt, rồi thông qua kỹ thuật thêu đính, vẽ tay, dát vàng qua đôi bàn tay của người thợ những làng nghề nổi tiếng Việt Nam, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa NTK và kỹ thuật may đo là chúng ta vẫn có được những sản phẩm đa sắc thái, thời thượng hòa vào dòng chảy văn hóa đương đại.