Một đời tài hoa

GD&TĐ - Hơn một nửa thế kỷ miệt mài sáng tạo, cố nghệ sỹ - họa sỹ Lê Năng Hiển đã cho ra đời 4 cuốn tiểu thuyết lịch sử và truyện có nhiều yếu tố tự thuật về 9 mối tình dang dở do ông viết, trình bày và vẽ minh họa. 

Thiếu nữ Hà Nội bên hoa đào
Thiếu nữ Hà Nội bên hoa đào

Bên cạnh đó, ông còn vẽ các bức tranh về con người và cuộc sống xã hội. Đặc biệt, thể loại chân dung phụ nữ được ông phác họa một cách tinh tế, nhẹ nhàng và đẹp một cách tự nhiên. Chính điều khác biệt này đã khiến ông vượt lên nhiều họa sỹ cùng thời và được mệnh danh là họa sỹ vẽ tranh lụa hàng đầu Việt Nam gắn liền với các bóng hồng.

Nghệ sỹ tài hoa

Cố họa sỹ Lê Năng Hiển (Zuy Nhất) sinh năm 1921 trong một gia đình có 13 đời sinh sống tại phố cổ Hà Nội. Từ khi còn đang học tiểu học, ông đã thể hiện năng khiếu mỹ thuật. Năm 15 tuổi (vừa tốt nghiệp trung học), ông bắt đầu vẽ tranh biếm họa cho báo Phong Hóa (Tự lực văn đoàn) và có nhiều bức được chọn đăng trên bìa báo; Đặc biệt, bức tranh biếm họa “Lý toét giật chuông” của ông đã đoạt giải Nhì báo Phong Hóa, từ đó càng khiến ông say mê vẽ.

Đến năm 1940, ông theo học lớp vẽ qua thư. Ngoài ra, ông còn được họa sỹ Trần Quang Trân chỉ dạy thêm chứ không học qua trường lớp bài bản nào. Từ đó nghiệp vẽ cứ theo ông đến suốt cuộc đời.

Sau những thăng trầm của cuộc sống, ông vẫn nổi lên như một nghệ sỹ đa tài, tài tử trong giới nghệ thuật Hà Nội lúc đó. Ông tham gia đóng kịch, viết văn và vẽ tranh. Cả cuộc đời miệt mài lao động, sáng tạo nghệ thuật, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm hội họa, kịch, văn chương… bằng một tình yêu nồng nàn của người nghệ sĩ đam mê cái đẹp.

Ông từng đứng ra thành lập một đoàn kịch của riêng mình, vừa làm diễn viên, vừa đạo diễn và kiêm nhiệm đủ thứ việc để kiếm sống và cũng để thỏa thú đam mê.

Nói về cố họa sỹ Lê Năng Hiển, nhà văn, nhà báo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiên – Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ cho biết: “Chúng tôi được biết đến Lê Năng Hiển như một nghệ sỹ tài hoa. Đầu tiên là 4 cuốn tiểu thuyết lịch sử và cuốn truyện có nhiều yếu tố tự thuật về 9 mối tình dang dở. 4 cuốn sách này do ông viết, tự trình bày và vẽ minh họa.

Tiếp đó là các bức tranh lẻ, tranh trưng bày tại triển lãm cá nhân của ông được chọn đăng trên bìa 1 và bìa 4 của tạp chí. Chúng tôi quý trọng những tác phẩm của ông, xem việc đăng tranh của ông trên tạp chí như là sự ghi nhận, dù có phần muộn màng trước những đóng góp của một họa sỹ lão thành cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, một tên tuổi vào hàng danh họa, nhưng còn chưa quen biết với công chúng rộng rãi…

Những bức tranh lụa, tranh sơn mài, bột màu, thuốc nước, chì than, tranh minh họa… của ông về các loại đề tài phong phú như: Phong cảnh, hoa trái, sinh hoạt thế sự, về phụ nữ và trẻ em… đem đến cho người xem cảm nhận được cách tiếp cận hiện thực, ấn tượng dưới bút pháp độc đáo bậc thầy của họa sư trong khám phá, tôn vinh cái đẹp đời sống hàng ngày.

Đặc biệt tranh chân dung của ông, đúng như lời của một danh họa Trung Quốc “Thư chi diện đạo. Thần thái vi thượng” (Nghệ thuật là kỳ diệu nhưng cái cần nắm bắt là thần thái của đối tượng).

Quả vậy, mỗi một tác phẩm ông vẽ là cả một sự thăng hoa sáng tạo, đem lại cho người xem những cảm nhận thấm thía cái đẹp trời cho nơi hình thể con người, cái thần thái của nội tâm nhân vật, bồi đắp làm phong phú, tinh tế năng lực thẩm mỹ của người xem.

Cho đến những bức vẽ trong những năm cuối cuộc đời, năm 2009: “Quê hương Hồ Chủ tịch” (tranh lụa), “Thiếu nữ mùa thu” (sơn dầu); Năm 2010: “Thiếu phụ mùa xuân” (sơn mài), “Hòa nhạc dân tộc” (sơn mài), “Tĩnh vật hoa quả” (sơn dầu), “Khỏa thân nằm” (sơn mài)… càng cho ta thấy nét bút của một tài năng bậc thầy ngày một dụng công, điêu luyện và lai thực đến kinh ngạc”.

Độc đáo tranh lụa thiếu nữ

Xem những bức tranh cố họa sỹ Lê Năng Hiển vẽ thiếu nữ, thật khó có thể hình dung rằng, tác giả chưa hề được học qua trường lớp đào tạo nào về mỹ thuật. Tất cả, ông đều tự mày mò, học hỏi bằng một sự cần mẫn, say mê và khả năng khám phá cái đẹp tiềm ẩn trong con người mình.

Những nét vẽ của ông đã đạt đến độ điệu nghệ trong nghệ thuật tranh lụa. Từng đường nét, bờ cong của người phụ nữ như hiện lên trong tranh ông đến độ nhuần nhuyễn, tinh tế và lung linh một cách lạ thường. Thiếu nữ, hay thiếu phụ trong tà áo dài dưới ngòi bút của ông đều được phô ra một vẻ đẹp mỏng manh, quyến rũ, vừa hư vừa thực…

Những bức tranh thiếu nữ ông vẽ, nhiều người xem đã thốt lên rằng: Ông hiểu và thuộc áo dài Việt Nam quá chừng, đến mức người mẫu không cần mặc áo dài ông cũng vẽ như họ đang khoác lên mình tà áo mỏng manh ấy. Và người mẫu nếu có đậm đà thì ông cũng sẽ biết cách làm tôn lên đường nét thời thiếu nữ kiêu sa thuở nào…

Kể về cha mình, chị Lê Ngọc Huyền – con gái cố họa sỹ Lê Năng Hiển - cho biết: “Ba tôi rất yêu quý gia đình mình, ông luôn trăn trở, lo toan, kiếm sống để lo cho gia đình. Cuộc đời của ba nhiều trắc trở, mãi đến khi ba 50 tuổi mới sinh được tôi là con gái đầu lòng. Hai năm sau mẹ tôi lại sinh thêm em gái. Hai chị em tôi là tài sản vô giá nhất của ba…

Ba tôi đã trải qua nhiều mối tình, li dị một đời vợ, nuôi 4 đứa con nuôi, kể cả chị tôi là con riêng của mẹ tôi. Nhà đông miệng ăn, khiến ba luôn lo lắng và không tiếc công sức, ngày đêm làm việc để lo cho gia đình. Phải nói rằng, chính từ sự lo lắng, yêu thương gia đình vô đối đã thúc giục ba ngày đêm miệt mài sáng tác. Các bức tranh lụa vẽ thiếu nữ của ba cũng từ đó liên tiếp ra đời”.

Hiện tại, tranh của cố họa sỹ Lê Năng Hiển đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Con gái cố họa sỹ cho biết: Đó là nhờ các Việt kiều yêu thích tranh của ông nên mỗi lần về thăm quê hương đã ghé mua đem đi...

Với những bức tranh lụa nổi tiếng như: “Thiếu nữ bên hoa quỳnh”, “Thiếu nữ bên hoa cúc”, “Thiếu nữ bên hoa sen”... ông được công chúng yêu mến công nhận là một trong các nghệ sỹ vẽ tranh lụa hàng đầu Việt Nam.

Họa sĩ Mai Long - một người bạn vong niên của ông nhận xét: Tranh lụa của Lê Năng Hiển là sự tích tụ những tri thức của hội họa cổ điển Âu châu, những hiểu biết sâu sắc vẻ đẹp thủy mặc Trung Hoa và tranh khắc gỗ Nhật Bản cũng như những đường nét trong tranh dân gian Việt Nam. Ông là một họa sỹ có nền tảng học vấn sâu rộng và một cuộc sống từng trải, phong phú, nhiều năm tìm tòi, thể nghiệm trên chất liệu lụa, lại là người thông minh mẫn cảm và đam mê sáng tạo, cố họa sỹ Lê Năng Hiển đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ.

Công chúng xem tranh sẽ còn nhớ mãi những tác phẩm lụa ông vẽ về Hà Nội, những bức chân dung thiếu nữ bên hoa quỳnh, hoa cúc, hoa sen… với những vẻ đẹp duyên dáng, trắng trong, tha thướt, mộng mơ. Sức thanh xuân căng đầy trong những tà áo lụa dịu dàng thanh mảnh. Những thiếu phụ nền nã, đoan trang mang một vẻ đẹp kiêu sa thanh lịch Tràng An, như những trầm tích xa xưa đầy quyễn rũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ