Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của các nhà lãnh đạo châu Âu và những người đồng cấp của họ từ Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (Celac), nhằm khôi phục quan hệ giữa hai khu vực trên thế giới, một diễn biến đáng chú ý đã xảy ra.
Liên minh châu Âu đã ban hành một tuyên bố trong đó đề cập đến "Malvinas/ Quần đảo Falkland", văn bản này được ký kết bởi 27 thành viên EU và 32 quốc gia Celac.
Tạp chí UK Defence Journal cho biết: "Đây không phải là một tài liệu ràng buộc, nhưng quyết định gọi các đảo theo tên tiếng Tây Ban Nha có ý nghĩa sâu sắc".
"Điều này xảy ra bất chấp nỗ lực của Ngoại trưởng James Cleverley nhằm loại bỏ hoàn toàn việc đề cập đến quần đảo khỏi tuyên bố hội nghị thượng đỉnh và đã khiến chính quyền Anh cảm thấy tức giận".
Anh và Argentina đã tranh chấp quyền sở hữu quần đảo phía Nam bán cầu này kể từ năm 1833. Thủ tướng Rishi Sunak mới đây đã đưa ra tuyên bố lên án "sự lựa chọn từ ngữ tồi tệ" của EU.
Tranh chấp Quần đảo Falklands/Malvinas vẫn là vướng mắc lớn trong quan hệ giữa Anh và Argentina. |
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Argentina lại hoan nghênh việc EU sẵn sàng "lưu ý" các yêu sách lãnh thổ của chính phủ nước này và xem đây như một "chiến thắng của ngoại giao".
Buenos Aires từ lâu đã ủng hộ đối thoại và đàm phán về quần đảo Malvinas. Trong khi đó, Anh liên tục tuyên bố đây là lãnh thổ của mình và người dân địa phương đã bỏ phiếu ủng hộ quan điểm đó.
"Vụ việc này làm nổi bật ảnh hưởng ngày càng giảm của Anh trong các vấn đề của EU sau Brexit. Chính phủ nước này nhận thấy rằng việc đề cập tên gọi mà Argentina sử dụng gây nghi ngờ về chủ quyền của London", tờ UK Defence Journal kết luận.
Những thước phim thực tế ghi lại trận chiến tại Quần đảo Falklands/Malvinas vào năm 1982 giữa Hải quân Anh và Argentina. |