Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nhiều người lo ngại về cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở học sinh - những cá nhân bị trì hoãn việc học nhiều tháng qua do Covid-19.
Theo những hiệu trưởng đại diện cho chiến dịch Worth Less, người học sẽ khó lòng bắt kịp chương trình sau thời gian dài ở nhà. Vì vậy, việc yêu cầu HS tham dự các kỳ thi như GCSE hay A Level là điều "bất khả thi".
Trước tình hình này, các nhà lãnh đạo trường học kêu gọi cắt giảm chương trình giảng dạy và số lượng bài kiểm tra trong mỗi môn học. Yêu cầu này nhằm giảm bớt áp lực cho HS và cho phép giáo viên tập trung vào sức khỏe của người học thay vì "nhồi nhét" kiến thức.
Tuần trước, Văn phòng Quy định về Tiêu chuẩn và Thi cử - Ofqual, đã đề xuất rằng các bài kiểm tra GCSE và A-level nên được hoãn từ tháng 5 đến tháng 6/2021, giúp giáo viên có thêm thời gian giảng dạy. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị bác bỏ.
Ofqual đề xuất không có sự thay đổi trong số lượng bài thi của HS. Ngoài ra, tổ chức này kêu gọi giảm số lượng chủ đề trong một số bài kiểm tra GCSE nhất định.
Một số đề xuất khác nhằm bảo vệ quyền lợi giáo viên bao gồm: Loại bỏ yêu cầu ghi hình lại đánh giá bằng tiếng Anh trong bài GCSE, để SV GCSE quan sát thay vì thực hiện công việc khoa học thực tế, đánh giá SV nghệ thuật và thiết kế dựa trên danh mục đầu tư nghề nghiệp.
Jules White - Hiệu trưởng Trường THCS Tanbridge House ở Horsham, West Sussex và là lãnh đạo của Worth Less, cho rằng: "Chính phủ cần có sự cân bằng hơn để duy trì các tiêu chuẩn, trong khi vẫn chú trọng tới sức khỏe tâm thần HS. Ý tưởng cho rằng, HS sẽ theo kịp kiến thức sau nhiều ngày ở nhà là điều không thực tế và bất khả thi".
Theo bà White, số bài thi toán của GCSE nên được cắt giảm từ 3 xuống 2, giảm 25% số lượng văn bản và thơ trong tiếng Anh, cũng như cân nhắc các bài "kiểm tra mở".
Alan Brookes - Chủ tịch Hiệp hội Hiệu trưởng Kent, nhận định: "Trọng tâm chính là phúc lợi của HS, sức khỏe và tinh thần của họ. Việc hạn chế áp lực từ các bài kiểm tra sẽ giúp ích cho điều này".
Ông Brookes cho biết, số lượng lớn bài kiểm tra sẽ gây thêm áp lực cho HS có hoàn cảnh khó khăn - những người ít có khả năng tiếp cận các bài học trực tuyến và hoàn thành bài tập ở trường.
"Hậu quả có thể sẽ nghêm trọng. Ưu tiên của các trường học sẽ là đưa tất cả HS trở lại trường an toàn và chú trọng phúc lợi của trẻ", ông Brookers nhấn mạnh.
Trong thời gian phong tỏa, một số khu vực tại Anh ghi nhận sự sụt giảm gần 1/2 các dịch vụ xã hội. Do đó, các trường học và hội đồng tại nước này đang chuẩn bị cho nhu cầu gia tăng.
Andrew Lund - Hiệu trưởng Trường Ngữ pháp Appleby ở Cumbria, cho biết: "Phạm vi của những thay đổi được đề xuất là rất hạn chế. Nhân viên của tôi khá lo lắng rằng đề xuất là không đủ. Chúng tôi thực sự lo ngại về sức khỏe của những người trẻ tuổi khi họ trở lại trường vào tháng 9".
Hiệu trưởng Lund bày tỏ nỗ lực trong việc tham gia vào công việc trực tuyến được thiết lập cho HS, khiến các em muốn quay lại trường. Theo ông Lund, nếu thông điệp được gửi tới HS là các em sẽ sớm theo kịp kiến thức, điều đó sẽ gây tổn hại cho cả người học và nhân viên.
Trong khi đó, ông John Jerrim - Giáo sư giáo dục và thống kê xã hội tại Học viện Giáo dục UCL, cho rằng, kế hoạch thay đổi đối với các kỳ thi GCSE và A-level vào năm tới là điều không cần thiết.
"Trẻ em đã mất khoảng 1/6 khóa học ôn tập GCSE và A-level do bỏ lỡ một học kỳ.
Vì vậy, ngay cả với một giả định rằng, nếu HS không học trực tuyến, chính phủ chỉ nên cắt giảm khối lượng kỳ thi đối với một vài khu vực thay vì tất cả", Giáo sư Jerrim khuyến cáo.