Các trường đại học Anh đang giảm số ngày học trong tuần để sinh viên dành thời gian tìm việc làm bán thời gian trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Do tài chính eo hẹp, chi phí tăng cao, gia đình không đủ điều kiện chu cấp như trước đây, nhiều sinh viên phải đối mặt với tình trạng tài chính bất ổn khi bước vào năm học mới. Ước tính hiện nay hơn 50% sinh viên Anh vừa học vừa làm, tăng từ mức 45% vào năm 2022 và 34% vào năm 2021.
Theo Dịch vụ tuyển sinh đại học và cao đẳng (UCAS), 2/3 tân sinh viên mong muốn tìm được một công việc bán thời gian để duy trì khả năng học tập. Nhiều người nhịn ăn, làm thêm ca hoặc vay nợ.
Hiểu được khó khăn của sinh viên, nhiều cơ sở giáo dục đại học đang rút ngắn thời gian giảng dạy, trong đó các lớp học và hội thảo được sắp xếp 2-3 ngày mỗi tuần thay vì rải rác trong tuần. Dù điều này đồng nghĩa thời gian học có thể kéo dài nhưng tạo điều kiện cho sinh viên tìm công việc bán thời gian và trang trải cuộc sống.
Đơn cử, từ năm 2022, Đại học De Montfort, Leicester, đã thử nghiệm thời khoá biểu rút gọn đối với 50% chương trình đào tạo. Dự kiến nhà trường sẽ ban hành diện rộng từ học kỳ mùa thu này. Thay vì học 4 học phần cùng lúc, sinh viên sẽ học một học phần trong 7 tuần.
GS Katie Normington, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Sự thay đổi này giúp cuộc sống của sinh viên trở nên tốt hơn. Các cuộc khảo sát của trường cho thấy việc rút ngắn thời gian học trong một tuần giúp sinh viên hạnh phúc hơn, tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn”.
Tương tự, phân hiệu của Đại học Conventry tại Dagenham hoặc Greenwich chỉ giảng dạy 2,5 ngày mỗi tuần.
Ông John Dishman, Phó Hiệu trưởng Đại học Conventry, cho biết: “Mô hình này tập trung vào giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt. Dagenham là một trong những khu vực nghèo nhất ở London, người dân sống dựa vào việc làm bán thời gian. Nhiều sinh viên đi làm 5 ngày mỗi tuần nên việc chúng tôi rút ngắn thời gian học trong tuần giúp các em cân bằng giữa công việc và học tập”.
Còn tại Đại học Roehampton, từ học kỳ mùa thu này, chương trình học năm nhất được tổ chức không quá 3 ngày một tuần nhằm giúp sinh viên “kết hợp học tập với công việc”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc sinh viên lao vào làm thêm để kiếm tiền học không phải là giải pháp hiệu quả cho tình trạng khủng hoảng hiện nay. Việc làm thêm quá nhiều sẽ khiến sinh viên mất tập trung vào việc học tập, mất động lực học tập, thậm chí là bỏ học vì kiệt sức. Do đó, chính phủ và các cơ quan liên quan cần xem xét lại về mức hỗ trợ đối với sinh viên đại học.
Việc các trường không tăng học phí không đồng nghĩa gánh nặng tài chính của sinh viên sẽ giảm mà họ còn đối mặt với những áp lực khác đến từ chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, giá cả thực phẩm...
Lo lắng về chi phí sinh hoạt là mối quan tâm hàng đầu của sinh viên trong năm học 2023, theo khảo sát của Advance HE và Viện Chính sách Giáo dục Đại học Anh (HEPI). Hơn 3/4 trong số 10.000 sinh viên được hỏi nói rằng gánh nặng tài chính đã ảnh hưởng đến việc học và được coi là yếu tố chính khiến họ cân nhắc bỏ học.