Giáo viên Anh đình công, sinh viên lao đao

GD&TĐ - Sau khi vật lộn với quá trình học bị cản trở bởi Covid-19, sinh viên tại Anh phải đối mặt với việc bỏ lỡ cơ hội việc làm.

Giáo viên Anh đình công vì phản đối mức lương được đưa ra.
Giáo viên Anh đình công vì phản đối mức lương được đưa ra.

Tình trạng giáo viên Anh đình công do tiền lương đã tác động không nhỏ tới sinh viên nước này.

Bỏ lỡ công việc mơ ước

Ray (21 tuổi) đã bỏ lỡ công việc mơ ước tại một tổ chức từ thiện sau khi không thể nộp bằng tốt nghiệp. Do gặp trục trặc trong quá trình chấm điểm, nam sinh này phải đợi 8 tuần để có kết quả luận văn.

“Thật đáng buồn. Tôi đã làm việc rất chăm chỉ. Tôi đã học ở thư viện đến 3 giờ sáng”, Ray cho biết. Hiện, nam sinh này theo học ngành nghiên cứu lịch sử và chính trị tại Trường Đại học Chichester.

Ray không biết khi nào sẽ nhận được điểm. Trong khi đó, nhiều bạn bè của Ray đều đã có điểm. Điều đó khiến nam sinh vô cùng đau lòng. Ray là một trong số hàng nghìn sinh viên bị ảnh hưởng bởi tranh chấp về lương và điều kiện của nhân viên tại 145 trường đại học Vương quốc Anh. Trước đó, Hiệp hội Đại học và Cao đẳng nước này tuyên bố, tình trạng đó có thể ảnh hưởng đến hơn nửa triệu sinh viên tốt nghiệp vào mùa Hè năm nay.

Khi nộp đơn xin việc, tổ chức từ thiện cho biết đã cố gắng đáp ứng hoàn cảnh của các sinh viên. “Tổ chức từ thiện thậm chí còn nói rằng, họ có thể chấp nhận điểm luận văn. Song, đáng buồn là tôi cũng không thể cung cấp điểm luận văn. Vì vậy, họ không thể chấp nhận đơn đăng ký của tôi.

Tôi đã bỏ lỡ một công việc mơ ước”, Ray tâm sự. Nam sinh này cảm thấy vô cùng khó chịu khi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Covid-19 trong năm đầu tiên. Năm Covid-19 thứ hai tiếp diễn với việc cách ly và xét nghiệm. Trong khi hiện tại, tình trạng đình công làm giảm cơ hội bắt đầu sự nghiệp sau đại học của anh.

Trước tình hình này, hội sinh viên đã trấn an Ray rằng, lễ tốt nghiệp vẫn sẽ được tiến hành. Song, họ vẫn không chắc chắn chính xác khi nào việc đó sẽ được hoàn thành. “Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo và quản lý cấp cao nhà trường”, hội sinh viên cho biết. Hiện tại, Ray cho biết vô cùng lo ngại về việc luận văn của mình có thể không được chấm điểm.

“Tôi đã làm việc chăm chỉ để hoàn thành bằng cấp và luận văn của mình. Song, đến cuối cùng, tôi cảm thấy điều đó thật lãng phí thời gian. Trong thời kỳ đại dịch, những năm học của chúng tôi phải kết thúc đột ngột. Toàn bộ năm đầu tiên ở trường đại học diễn ra trong phòng. Tới nay, chúng tôi một lần nữa phải đối mặt với sự gián đoạn giáo dục”, Ray cho biết. Đối với anh, đây là sự thất vọng lớn trong một loạt những thất vọng từ hệ thống giáo dục.

Nhiều sinh viên bị cấp bằng tốt nghiệp muộn.

Nhiều sinh viên bị cấp bằng tốt nghiệp muộn.

Tương lai không chắc chắn

Sự không chắc chắn cũng đang tạo ra căng thẳng cho Emily - người vừa hoàn thành nghiên cứu triết học tại Trường Đại học Southampton. Nữ sinh 22 tuổi, người nhận được lời mời có điều kiện cho khóa học thạc sĩ tại Trường Đại học Edinburgh, đã có điểm đại học.

Tuy nhiên, cô không chắc chắn khi nào mình sẽ được cấp bằng tốt nghiệp chính thức. “Điều đó khiến tôi căng thẳng và thất vọng, liệu bằng của tôi có được cấp hay không. Tôi lo lắng rằng, mình có thể bị ảnh hưởng đến việc tham gia khóa học tiếp theo và tìm cách tự động viên chính mình”, Emily cho biết.

Hiện, nhà trường vẫn gửi cho Emily lời nhắc trên cổng thông tin ứng viên để đưa ra phân loại bằng cấp và hạn chót là vào tháng 8 tới. Song, Emily vẫn cảm thấy áp lực lớn và cô cho rằng, sinh viên đang chịu ảnh hưởng vì sự tranh chấp hoàn toàn không phải lỗi của người học.

Hàng loạt sinh viên khác tại Anh cũng cảm thấy lo lắng về khả năng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Daniel, 24 tuổi, sinh viên lịch sử tại Trường Đại học Sheffield lo ngại rằng, một trong những học phần và luận án của anh có thể bị chấm điểm bởi một học giả khác không chuyên về lĩnh vực đó. Theo Daniel, anh đã được thông báo rằng, có thể những người chấm điểm luận văn sẽ không phải là chuyên gia.

“Suy nghĩ tới việc luận án của tôi về một lĩnh vực nghiên cứu lịch sử rất đặc biệt có thể được chấm điểm bởi một người không có chuyên môn trong lĩnh vực đó khiến tôi vô cùng tức giận. Tôi đã dành cả năm để nghiên cứu và viết dưới sự hướng dẫn và tư vấn của một giảng viên cụ thể. Song, giờ đây, giáo viên hướng dẫn của tôi sẽ không phải là người đọc luận văn”, Daniel cho biết.

Nam sinh này bày tỏ sự ủng hộ cho các giảng viên - những người đang đình công. Daniel cho rằng, tình trạng này thực sự đáng thất vọng, bởi các cuộc đình công đã diễn ra trong nhiều năm mà không có giải pháp.

“Tôi từng nghi ngờ liệu số điểm mà mình đạt được có thực sự phản ánh thực tế không, nếu luận văn được chấm bởi người khác. Cho dù đạt được điểm cao hay thấp hơn mong đợi, tôi cũng cảm thấy rằng, sẽ luôn có một sự không rõ ràng trong bảng xếp hạng bằng cấp của tôi và các nhà tuyển dụng cũng sẽ nghĩ như vậy”, Daniel chia sẻ.

Hàng nghìn sinh viên Anh bị ảnh hưởng bởi giáo viên đình công.

Hàng nghìn sinh viên Anh bị ảnh hưởng bởi giáo viên đình công.

Chưa đạt sự đồng thuận

Vừa qua, Liên đoàn Giáo dục quốc gia (NEU) công bố tiếp tục đình công tại các trường học ở Anh vào ngày 5 và 7/7. Đầu năm nay, các giáo viên ở Anh đã từ chối đề nghị trả lương từ chính phủ. Theo đó, mức lương sẽ tăng trung bình 4,5% vào năm tới, cùng với khoản thanh toán một lần 1.000 bảng cho năm 2022 - 2023.

Các thành viên của NEU, Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường học và cao đẳng, Hiệp hội Hiệu trưởng quốc gia và NASUWT, công đoàn đại diện cho giáo viên, bao gồm cả hiệu trưởng, trên khắp Vương quốc Anh đã bỏ phiếu từ chối lời đề nghị vào tháng 4 vừa qua.

Lời đề nghị của chính phủ bao gồm khoản đầu tư đáng kể cho các trường học để tài trợ cho việc tăng lương. Đồng thời, cam kết giảm khối lượng công việc. Trong khi đó, mức lương giáo viên cho năm tới hiện trải qua quá trình xem xét lương độc lập như thường lệ.

Trong bối cảnh này, Cơ quan Đánh giá Giáo viên Trường học đưa ra các khuyến nghị về việc trả lương cho giáo viên ở Anh và báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng như Thủ tướng.

Như thường lệ, Cơ quan Đánh giá Giáo viên Trường học sẽ chỉ xem xét tiền lương cho năm tới. Điều đó nghĩa là giáo viên sẽ không nhận được khoản thanh toán một lần cho năm học 2022 - 2023. Đề nghị trả lương diễn ra sau một tuần đàm phán căng thẳng giữa các công đoàn và Bộ trưởng Giáo dục Gillian Keegan.

Giáo viên và các nhà lãnh đạo cũng được đề nghị tăng lương trung bình 4,5% kể từ tháng 9 năm nay. Mức này cao hơn dự báo của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách về lạm phát vào cuối năm dương lịch này, là 2,9%. Mức lạm phát được dự báo sẽ giảm hơn vào năm sau.

Mức lương khởi điểm cho giáo viên mới bên ngoài London sẽ tăng 7,1% lên 30.000 bảng. Bên cạnh đó, các công đoàn cũng từ chối đề nghị thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới để giúp giảm khối lượng công việc trung bình năm giờ một tuần cho giáo viên và lãnh đạo.

Trong trường hợp xảy ra đình công tại một cơ sở giáo dục, lãnh đạo nhà trường hoặc chính quyền địa phương quản lý sẽ thực hiện tất cả các bước hợp lý để giữ cho trường học mở cửa cho càng nhiều học sinh càng tốt.

Một số công đoàn có thể cung cấp các khoản thanh toán cấp dưỡng hoặc quỹ hỗ trợ khó khăn cho những người tham gia đình công. Tuy nhiên, NEU cho biết sẽ không làm điều này.

Bởi, Quỹ ủy thác NEU được “thành lập để hỗ trợ các thành viên và gia đình của họ đang gặp khó khăn vì những lý do khác”. “Chúng tôi sẽ không trả lương đình công. Vì vậy, giáo viên sẽ bị trừ lương cho bất kỳ ngày nào đình công”, tuyên bố của NEU cho biết.

Nói về việc 98% thành viên NEU đã bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận tăng lương, Bộ trưởng Giáo dục Gillian Keegan cho biết, kết quả này là “cực kỳ đáng thất vọng”. Bà Keegan nói rằng, việc từ chối “chỉ đơn giản là sẽ dẫn đến nhiều rắc rối hơn cho trẻ em và ít lương hơn cho giáo viên ngày nay”. Cũng theo Bộ trưởng Keegan, một cơ quan đánh giá lương độc lập sẽ quyết định mức lương. Đồng thời, đưa ra đề xuất tăng lương cho năm tới.

Các giáo viên Anh đình công vì tranh chấp về tiền lương. Các thành viên NEU muốn tăng lương 12%, nhưng chính phủ chỉ chấp nhận tăng gần 5%. Công đoàn lập luận rằng, lương của giáo viên đã giảm 24% kể từ năm 2010 do lạm phát. Chính phủ cũng từ chối cung cấp kinh phí để trang trải việc tăng lương. Tuy nhiên, công đoàn cho biết sẽ xem xét tăng lương 9% nếu chính phủ tài trợ đầy đủ cho việc này.

Theo The Guardian; Standard

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.