Ánh sáng từ trái tim yêu thương

Ánh sáng từ trái tim yêu thương

(GD&TĐ) - Số phận đã không thể khuất phục được ý chí kiên cường và trái tim tràn đầy yêu thương của Đặng Ngọc Duy. Tại một góc phố Tam Kỳ (Quảng Nam), mái ấm mang tên Hướng Dương do thầy giáo mù lập ra từng ngày nâng cánh ước mơ cho những trẻ em tật nguyền đang viết nên bài ca đầy cảm động về nghị lực sống và lòng nhân ái.

Cậu bé mù và chuyến phiêu lưu

Thầy giáo Đặng Ngọc Duy đang miệt mài dạy học sinh
Thầy giáo Đặng Ngọc Duy đang miệt mài dạy học sinh
 

Chúng tôi đến với mái ấm Hướng Dương của thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy ở số 79 Tiểu La rất khó tìm ra nếu không phải là người nơi đây. Điều làm những khách lần đầu tiên đến đây nao nao lòng là những tiếng đọc bài, những tiếng cười đùa của các học sinh khuyết tật. Những ánh mắt ngây thơ và đầy niềm vui như chờ đợi một điều gì đó khi chúng tôi bước vào.

Thầy giáo Duy lần từng bước chân chầm chậm ra tới cổng để đón khách và trò chuyện bằng một giọng nói rất truyền cảm và dễ gần. Câu chuyện bắt đầu trong tiếng ê a của học sinh, trong cơn mưa nhè nhẹ và trong những cảm xúc rất lạ của tôi... Dòng suy nghĩ của Ngọc Duy chảy ngược về những ngày ấu thơ, tai nạn kinh hoàng và những kỷ niệm không thể nào quên được với anh...

Cậu bé Đặng Ngọc Duy sinh ra với một tuổi thơ vốn yên bình, hồn nhiên tại phường Phước Hòa, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Nhưng những tháng ngày vui tươi ấy chấm dứt vào một buổi sáng năm Duy 13 tuổi, vừa vào lớp 6. Buổi sáng định mệnh năm 1989 ấy, cậu bé tình cờ nhặt được một kíp nổ trong vườn nhà, loay hoay nghịch thử tháo ra thì kíp phát nổ. Đôi mắt cùng với nửa bàn tay trái của Duy vĩnh viễn mất đi. Cuộc sống cũng bắt đầu từ đó là một màn đêm mù mịt.

Phải mất 3 năm sau, nỗi đau và sự tuyệt vọng của Đặng Ngọc Duy mới nguôi ngoai một phần khi gia đình xin được anh ra học tại Trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng). Phải học lại toàn bộ cấp I ở đây, anh những tưởng những cố gắng của mình sẽ được đền đáp.

Vậy mà nghịch cảnh vẫn không buông tha anh. Năm 1995, sau khi học hết chương trình lớp 5, trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu trả anh về lại địa phương. Chàng thanh niên 19 tuổi lúc ấy thật sự thấy lòng mình hụt hẫng, thất vọng. Anh tìm niềm vui ở thơ ca và đàn hát bằng việc tham gia bút nhóm Thiên Thanh và tìm học đàn ghi ta.

Với một người bình thường, học thành thạo đàn ghi ta vẫn là một chuyện không dễ, huống gì anh vừa mù lòa, vừa mất nửa bàn tay trái. Nhưng Ngọc Duy vẫn kiên trì luyện tập từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa, rồi từ 1 giờ chiều đến 8 giờ tối, có khi ăn tối xong lại tập đến khuya.

Thơ văn, âm nhạc cũng không làm Duy bớt đi nỗi buồn, cô đơn. Anh quyết chí phiêu lưu vào Nam với mong muốn tìm một cơ hội mở ra tương lai cho mình. Một ngày năm 1996, chàng trai mù Đặng Ngọc Duy với số tiền ít ỏi tích cóp được, bắt xe tốc hành lên đường vào Nam khi chưa biết bến đỗ là đâu. Lang thang ở Nha Trang, rồi vào Sài Gòn, anh vẫn không thể tìm được một nơi để ấm lòng, để rọi cho mình con đường sáng.

Anh kể: "Sợ nhất là lúc đặt chân đến Sài Gòn đúng lúc 1 giờ sáng. Bản thân tật nguyền, lại không có bất cứ ai thân thích bên cạnh. Lần đầu tiên đến đây, lại nghe người ta bảo Sài Gòn đáng sợ với nhiều vụ cướp của giết người. Cứ đứng run cầm cập bên một góc bến xe mà chờ trời sáng. Giờ nghĩ lại, đôi lúc thấy hồi đó mình liều thiệt...".

Mấy tháng ở Sài Gòn, đi đến nhiều trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật và những tổ chức nhân đạo, Đặng Ngọc Duy nhận ra rằng chỗ của mình vẫn không phải là nơi đây. Anh hạ quyết tâm quay về quê nhà, tiếp tục con đường học vấn bằng mọi giá để vươn tới ước mơ tri thức, giúp đỡ những người khuyết tật như mình.

Những ước mơ nghèo

Miệt mài với bảng chữ nổi cùng nghị lực không ngừng nghỉ, cuối cùng, thầy giáo Đặng Ngọc Duy cũng đã hoàn thành chương trình đại học Sư phạm tại Trường Đại học Quảng Nam. Vui hơn nữa, ước mơ mở một mái ấm nho nhỏ cho những trẻ em khuyết tật, mồ côi của anh đã trở thành hiện thực. Đó là nhờ vào tiền anh phát hành tập thơ Sắc màu thời gian của mình, cùng với sợ trợ giúp của một số Mạnh Thường Quân.

Đã gần 4 năm trôi qua kể từ ngày mái ấm Hướng Dương đi vào hoạt động theo quyết định số 5935/ QĐ - UBND ngày 17/12/2009 của UBND thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, nơi đây là niềm vui khôn xiết của những phận đời trẻ thơ kém may mắn. Và cũng là niềm vui của thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy.

Từ hầu hết các huyện thành của cả tỉnh (Tam Kỳ, Hiệp Đức, Tiên Phước, Quế Sơn, Núi Thành..v..v..), với những khuyết tật khác nhau như câm, điếc, mù, thiểu năng trí tuệ, trầm cảm... nhưng đến với mái ấm Hướng Dương, các em đã tìm lại được những niềm vui cho chính bản thân và gia đình mình.

Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy chia sẻ: "Năm nay, mái ấm Hướng Dương có tổng cộng 21 em, tăng 5 em so với năm ngoái. Tại đây, các em được ăn, học và vui chơi miễn phí cả ngày. Với tổng cộng cả giáo viên và nhân viên là 6 người, mức lương cao nhất là 2,5 triệu/ tháng, tôi luôn muốn tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các cháu, từ khâu học, ăn uống, ngủ nghỉ.

Rất may là càng ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân chung tay cùng tôi giúp đỡ các em. Giá trị ủng hộ của họ đôi khi chỉ là vài bộ quần áo, vài cuốn sách cuốn vở hay vài trăm nghìn đồng, nhưng đối với tôi rất quý. Thêm một người động viên, chia sẻ với mình, tôi càng vững tin hơn với con đường đã chọn và tương lai đang chờ đón...".

Chưa dừng lại ở đó, anh Ngọc Duy còn đang ấp ủ một ý định hết sức táo bạo là nâng cấp mái ấm Hướng Dương lên thành một ngôi trường khuyết tật với số lượng học viên chiêu sinh hằng năm khoảng 50 em. Mong ước ấy rất đáng trân trọng và đang được một phần thuận lợi trên con đường hiện thực hóa.

Vừa qua, cơ quan chức năng đã ra quyết định giao 800 mét vuông đất tại phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) cho mái ấm Hướng Dương để xây dựng một cơ sở khang trang hơn, đàng hoàng hơn, giúp được nhiều trẻ em khuyết tật hơn. Đỡ được phần đất, là đỡ một nỗi lo.

Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ, chi phí xây dựng dự kiến sẽ lên đến phạm vi trên 4 tỷ đồng. Đó là một số tiền quá lớn đối với anh. Bởi để duy trì mái ấm Hướng Dương hiện nay, nhiều lúc tài chính anh đã phải hết sức chật vật.

Một mái ấm Hướng Dương nho nhỏ nằm ở góc phố đã là một điều đáng quý, nhưng một ngôi trường khuyết tật mang tên Hướng Dương nếu được hoàn thành sẽ vui hơn, quý hơn rất nhiều với người dân Quảng Nam. Ước mơ đẹp ấy của anh Duy thiết nghĩ cần được sự sẻ chia, cộng sức nhiều hơn nữa từ mọi người... 

Xuân Vân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ