Tôi thường hướng tâm tư về khu tập thể của gần bốn mươi năm trước, nơi ấy có người bạn vong niên - anh Lê Ngọc Thạch - thầy dạy môn Vật lý cho học trò khối chuyên Trường Lam Sơn Thanh Hóa. Anh ấy là người ghiền thuốc lá, tính tình hơi chút kiêu bạc…
Trong khu tập thể, nhà tôi và nhà anh cách nhau mươi bước chân. Sau bữa tối, anh thường gọi tôi sang uống trà. Thực ra, tôi quen dùng chè xanh hơn. Ngồi nhiều với anh lâu cũng thành nghiện trà.
Thấy tôi còn bỡ ngỡ khi mới về trường nên có trà ngon anh thường gọi tôi. Một lần tôi sang, anh đợi cho trà nhài thật ngấm rồi rót ra hai chén, anh trao tôi chén sau và khẽ khàng: “Đời sống nơi phố thị như vị chè đắng chát dễ gây mất ngủ, lâu dần sẽ chịu được. Cuối kỳ này, tôi tin anh sẽ bỏ ý định muốn chuyển về trường cũ, mấy đứa con anh tôi thấy ham đọc sách. Văn hay Toán, quê hay phố đều có thầy giỏi, còn ngoại ngữ không ở đâu hơn đây được!”.
Người bạn vong niên thật quá tinh tường khi biết tôi đang chịu áp lực sau lúc chuyển từ trường huyện về dạy trường tỉnh. Lời ăn tiếng nói, tâm tính người phố thị hoàn toàn khác nơi tôi từng sống và do vậy, anh biết tôi có ý muốn trở lại trường cũ. Nhưng cuộc đời tôi luôn có quý nhân phù trợ.
Tôi sống bên anh Thạch gần ba chục năm, buổi đầu cùng sinh hoạt tổ chuyên tự nhiên. Từ năm học 1992 - 1993, tỉnh cho phép tách bộ phận khối chuyên thành THPT chuyên Lam Sơn với trọng trách chủ yếu ươm mầm học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Dạo ấy, tôi và anh Thạch thuộc nhóm luyện thi đại học khối A. Anh em chung cảnh sống tập thể, nên thường cùng nhau đạp xe tới dạy luyện thi tại nhà học trò ở làng Tạnh, làng Quảng hay tận làng Hạc. Ghi đông xe có treo túi vải đựng gói nhỏ tài liệu, phía sau thường đèo thêm gói rau bó củi.
Giáo viên luyện thi như tôi và anh được đồng nghiệp gắn cho cái mác là dân thợ cày, ở thị xã Thanh Hóa lúc ấy như chúng tôi chỉ khoảng mươi người. Việc dạy thêm chẳng bị ai cấm đoán, chính quyền không khuyến khích, nên giữ gìn là điều chúng tôi luôn nhắc nhở nhau.
Tối về, nhà nhà bóc lạc cho ngoại thương xuất khẩu. Các cháu trong khu tập thể rất thích nghe bác Thạch kể chuyện “Tam quốc”. Anh vừa kể vừa bình, tay bóc lạc thoăn thoắt. Lũ con nít phố giáo viên thường gọi anh là ông “đèn pin”, bởi đôi con ngươi mắt anh to sáng như ánh đèn pin trong đêm. Vốn cổ văn Trung Hoa cùng kiến thức văn học Pháp ở anh thật đáng nể.
Bố anh cũng nghề dạy nên anh học chữ Quốc ngữ, chữ Hán từ rất sớm, và đặc biệt được nghe thầy giảng bằng tiếng Pháp. Sự học nơi anh thật sự căn bản và toàn diện nên khi lên chức ông nội, ông ngoại anh vẫn đọc được kí tự âm nhạc, chơi piano và hát khá chuẩn chỉ “Làng tôi”, “Ngày mùa” của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Nhà giáo Lê Ngọc Thạch. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Lạ hơn cả, dù anh không một giờ học nghề văn nhưng tiểu thuyết văn học Pháp lại được anh dịch đọc rất có hồn. Với tôi, người bạn vong niên này là ông “đồ”/ ông “tây” từ dáng đến người. Thật không ngoa khi nói rằng, giữa thời buổi củi châu gạo quế, chát đắng vị kim tiền, người bạn vong niên của tôi cùng không nhiều nhà giáo thế hệ anh là mẫu quặng đa kim, đa sắc, đa thanh còn sót lại ở trường học nơi tỉnh lẻ. Năm 1995, Trường chuyên Lam Sơn trân quý mời nhà giáo Lê Ngọc Thạch ở lại thêm hai năm giảng dạy lúc anh sắp tuổi hưu.
***
Tôi có hai chuyện ấn tượng mạnh về người bạn vong niên của mình. Thứ nhất, khi tôi mới về trường được vài năm, Lam Sơn lúc ấy chưa tách thành trường chuyên mà tồn tại song song khối chuyên và khối phổ thông. Hôm đó, hội đồng nhà trường họp buổi cuối năm.
Sau lúc hiệu trưởng sơ kết việc dạy học trong tháng rồi phổ biến công việc trước và sau Tết, mọi người đang rốt róng chuyện năm hết Tết đến, thì một cán bộ thuộc loại tay mơ của trường không hiểu nghe hơi nồi chõ ở đâu hay tự mình nghĩ ra, mà hứng tuyền non đứng lên cao giọng: Trường sắp tới cần và phải chuyển giáo viên không đủ năng lực đi nơi khác. Thực tế trường nào lúc ấy cũng có dăm ba giáo viên lo việc ngoài hơn việc trường và ít trong số đó có chỗ dựa về trường cốt để lấy tiếng. Giữa lúc bấn bíu việc con cá lá rau, việc nhà việc Tết, vị cốt cán nọ lại nêu chuyện lọc loại. Người bạn vong niên của tôi chẳng muốn tốn thì giờ vào những chuyện không đâu, anh dụi tắt mẩu thuốc lá đang cháy dở rồi đứng phắt dậy giơ tay xin phát biểu. Giọng anh tự dưng gay gắt: “Tôi đố các ông các bà lúc này mà làm được!”.
Chuyển giọng cho bớt căng cứng, anh nói rành rọt: “Giáo viên khá giỏi mà bị thuyên chuyển thì trường coi như giải thể, trường này chỉ có ba người là dễ chuyển đi nhất, ông Kênh đánh trống, chú Sen bổ củi nhà bếp, thứ đến là ông hiệu trưởng khi trường bị sa sút, còn lại, người đáng phải chuyển thì tôi nghĩ họ vẫn yên vị!?”.
Anh Thạch dừng lại cốt để mọi người tự hiểu, con thú dễ chết bởi màu lông sặc sỡ nhưng trường hợp này thì ngược lại. Cả phòng họp như bị dội gáo nước lạnh, mọi thứ đột nhiên im bặt. Hội nghị loanh quanh dăm ý kiến rồi giải tán sớm do tiếng pháo tép ngày Tết của lũ con nít đã đì đẹt như gọi giục.
Việc thanh lọc đội ngũ giáo viên là việc phức tạp khó làm, nó cần một lộ trình, một cơ chế được định ra từ bộ máy tổ chức của Sở Giáo dục, nhà trường chỉ thực hiện sau khi Sở ra kế hoạch, và là bước sau cùng. Ý tưởng của vị cán bộ kia như kiểu cầm đèn chạy trước ô tô sẽ làm nội bộ thêm đố kị, người lo lót, kẻ chạy vạy, bất an và tốn thì giờ. Là người coi trọng tính khả thi của những việc cần và nên làm, ông anh tôi đúng là thầy dạy môn Vật lý, anh biết tiết kiệm năng lượng cho mình và cho người.
Thứ hai, là chuyện làm điểm của anh cho học sinh Huy Lê trong năm học 84 - 85 của thế kỷ trước. Lúc ấy, Thanh Hóa chộn rộn vụ khiếu nại của gia đình em Huy Lê học sinh lớp chuyên với một cá nhân trong ban tuyển sinh tỉnh. Em Huy Lê tốt nghiệp THPT năm học đó và thi đại học đạt tổng 22,5 điểm, đủ điểm Nhà nước cử đi học nước ngoài.
Học bạ của Huy Lê có nhiều chỗ bị cho là bất cập như việc cộng điểm, tính điểm và ghi học bạ của giáo viên nên ban tuyển sinh tỉnh không duyệt cho đi. Việc bé xé ra to, chuyện con trẻ bỗng hóa chuyện người lớn. Áp thấp thành bão, đến nỗi nhà văn Phùng Gia Lộc với kí sự “Cái đêm hôm ấy đêm gì” về một xóm quê nghèo không liên quan gì tới vụ học sinh Huy Lê nhưng với không khí nóng bỏng lúc ấy sự vụ lại bị đẩy lên thành hiện tượng.
Trường Lam Sơn được thanh tra tỉnh yêu cầu xem xét lại học bạ, sau đó có thể đánh giá lại kết quả thi tốt nghiệp của học sinh Huy Lê, Bộ Giáo dục không tán thành, T.Ư Đoàn lên tiếng bảo vệ quyền lợi đoàn viên thanh niên. Dạo ấy, báo tuần Tin tức, Văn nghệ... nhiều phen cháy hàng.
Tối đến, tôi thường cùng anh Thạch tản bộ quanh khu tập thể, loa phóng thanh của phường Ngọc Trạo và Ba Đình, sau chương trình thời sự, luôn nhắc nhở người dân hãy đề cao cảnh giác với luận điệu tuyên truyền sai sự thật. Cao điểm nhất, là lần thanh tra tỉnh sang làm việc với nhà trường, thầy giáo Lê Ngọc Thạch được thanh tra mời lên văn phòng yêu cầu tính lại điểm tổng kết môn Vật lý của học sinh Huy Lê.
Anh Thạch lên văn phòng, không phân bua mà điềm nhiên thực hiện. Xong việc, anh viết dòng chữ khá đậm: “Điểm trung bình môn Vật lý lớp 12 của học sinh Huy Lê ghi trong sổ điểm được tôi tính lại là 7,94. Tôi Lê Ngọc Thạch tổng kết, và đã ghi vào sổ điểm cũng như học bạ 8,0, tôi thấy trong việc này tôi không có gì sai”. Anh kí nhoằng một cái, viết chữ Lê Ngọc Thạch to đùng, đặt ngang bút trên tờ giấy rồi đi nhanh về phía cầu thang.
Rõ ràng theo quy định tính điểm, 7,95 mới được phép lấy tròn là 8,0; anh Thạch bảo lưu kết quả đã được ghi vào sổ điểm cũng như học bạ (8,0) từ trước khi học sinh Huy Lê thi tốt nghiệp. Không khó để tôi nhận ra, người bạn vong niên của mình quyết như vậy dù biết rằng bản thân đã sơ suất trong phép làm tròn số. Điều chính yếu là anh không đồng thuận với bộ phận thanh tra muốn làm lại học bạ. Đã nhiều năm phụ trách môn Vật lý của Sở Giáo dục, quy định đánh giá học sinh qua điểm số chẳng có gì lạ đối với anh.
Sau lúc kí vào biên bản của thanh tra tỉnh, tôi nhớ rất rõ khi về phòng, mới đến cửa anh đã bực dọc nói luôn: “Có cái con điểm của anh giáo viên chân yếu tay mềm họ cũng muốn giành lấy. Dạy ba năm, hạnh kiểm của Huy Lê tôi biết, nhưng nó là học trò, cần môi trường để rèn luyện, học tập, thăng tiến. Tôi không tán thành cách dùng lực lượng đông đảo cốt để chứng minh chỉ 7,95 mới làm tròn là 8,0 còn 7,94 thì không thể.
Lúc làm điểm, trong phép cộng điểm thành phần và phép chia lấy điểm bình quân tôi sơ suất dẫn tới chút sai sót, việc đã xảy ra gần nửa năm, học sinh tốt nghiệp ra trường, học bạ được hiệu trưởng xác nhận đóng dấu quốc huy, chưa nói thi đại học môn Vật lý, em Huy Lê đạt 8,5 điểm. Tôi thử hỏi, mười lăm năm trước là đoàn viên thanh niên, bây giờ hết tuổi Đoàn, anh vi phạm khuyết điểm thì có thể khai trừ Đoàn đối với anh, thậm chí kỉ luật những người kết nạp anh vào Đoàn được nữa không?”.
Sau gần nửa năm hội họp, tranh biện, tốn bao giấy mực báo chí, cuối cùng học bạ của Huy Lê không thể làm lại, kết quả tốt nghiệp của em được giữ nguyên. Thái độ kiên quyết của nhà giáo Lê Ngọc Thạch cùng trách nhiệm trước học trò của nhiều cán bộ giáo viên lúc đó là người trong cuộc đã ngăn một sự không đáng có thể xảy ra. Bản tính con người, và đặc biệt bản lĩnh sư phạm của nhà giáo Lê Ngọc Thạch trước sự thăng tiến của học trò thật đáng trọng đáng quý xiết bao!
***
Một sáng đầu năm 2010, khi gió rét còn run trên từng mắt lá, anh Lê Ngọc Thạch bị đột quỵ chỉ vài phút là rời cõi tạm về với miền mây trắng. Bao nhớ thương của dân phố Tịch Điền cùng sự kính trọng của lớp lớp học trò cũng không thể giữ được anh ở lại.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn lượn xe qua phố Tịch Điền trên con đường trải bê tông dưới là nhánh sông nơi mấy đứa con tôi thường hay nghịch nước. Lối xưa cũ càng giờ đã không còn nhưng neo giữ mãi trong tôi những người một thời chung cảnh sống tập thể và nhất là hình ảnh người anh dáng cao, đôi mắt sáng như ánh đèn pin trong đêm - một thứ ánh sáng khác thường!