Ánh sáng của trò

GD&TĐ - Gần 30 năm công tác tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TPHCM  trải qua nhiều vị trí công tác,  thầy Nguyễn Văn Tài (Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng) luôn nhận được sự yêu mến, kính trọng của học sinh, sự tín nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Trong hành trình gieo chữ, tuy gặp không ít khó khăn nhưng nếu được chọn lại, thầy vẫn nguyện gắn bó với nghề giáo cùng những học sinh kém may mắn nơi đây.

Thầy Nguyễn Văn Tài động viên học sinh trong giờ Tin học. Ảnh: T.G
Thầy Nguyễn Văn Tài động viên học sinh trong giờ Tin học. Ảnh: T.G

Ngôi trường níu chân người thầy

Năm 1990, thầy Nguyễn Văn Tài về công tác tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Bấy giờ, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Toàn trường chỉ chừng 50 - 60 em. Là cử nhân Vật lý, chưa được đào tạo bài bản về giáo dục đặc biệt, nên thời gian đầu, việc dạy các em học sinh của trường khiến thầy gặp không ít khó khăn.

 Ngôi trường chúng tôi như một gia đình, các giáo viên đặt chân tới đây ai cũng gắn bó rất lâu. Bởi tất cả có chung suy nghĩ, nếu mình không ở lại dạy bảo các em, các em sẽ ra sao? Với chúng tôi, 20/11 là một ngày vô cùng đặc biệt. Khi cầm trên tay những món quà của học sinh, chỉ là tấm thiệp nhỏ do các em tự làm, một nhành hoa, lời chúc chưa trọn vẹn hay một bài hát mà các em cất lên khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc và xúc động. Nó như chạm vào trái tim, nó hơn mọi món quà khác. 
Thầy Tài chia sẻ

Thầy Tài cho biết: Học trò khiếm thị, phải thật sự kiên nhẫn, lặp đi lặp lại nhiều lần phần kiến thức, nói làm sao để các em hiểu và nhớ được. Với bộ môn Vật lý, giáo viên phải làm các đồ dùng dạy học phù hợp, để khi các em sờ vào, hiểu được, đó là mạch điện; ròng rọc, đòn bẩy… Để hoàn thiện về phương pháp giảng dạy cho trẻ khiếm thị, năm 2001, thầy đã hoàn thành chương trình giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Cũng như nhiều đồng nghiệp, lúc mới vào trường, thầy từng nghĩ, liệu mình có bám trụ lại được không, vì chưa quen với cách dạy các em, sợ các em không tiếp thu được. Nhưng rồi qua thời gian, với nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, nhìn thấy sự tiến bộ của học sinh, các em ham học dù chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, tình thương yêu đã níu chân thầy và rất nhiều giáo viên ở lại.

Nỗ lực để phát triển

Sau 8 năm công tác tại trường, thầy Tài được Sở GD&ĐT TP điều động về công tác tại Văn phòng Sở rồi Phòng GDTX. Đến năm 2004, thầy được phân công làm giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP. Được 3 năm, với tâm thế “ra đi để trở về”, thầy xin lãnh đạo cho về lại ngôi trường mà mình đã gắn bó và công tác cho tới bây giờ.

Năm 2011, thầy Nguyễn Văn Tài được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Ở cương vị mới, thầy có nhiều đóng góp để đưa ngôi trường ngày càng phát triển.

Trong quá trình làm việc, thầy có nhiều sáng kiến kinh nghiệm giúp công tác giáo dục trẻ hòa nhập, trẻ khiếm thị đa tật tốt hơn. Cụ thể như: Một số biện pháp hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác giáo dục hòa nhập học sinh khiếm thị; Một số biện pháp giáo dục trẻ khiếm thị đa tật mầm non Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu; Những điều kiện cần thiết cho học sinh khiếm thị học hòa nhập tại trường phổ thông…

Hiện thầy trực tiếp dạy học sinh khiếm thị đa tật ở 2 lớp 2 kỹ năng và 3 kỹ năng, đồng thời tham gia hướng dẫn giáo viên và học sinh thực hiện giảng dạy chương trình đặc thù cho học sinh khiếm thị đa tật.

Bên cạnh đó, thầy cùng ban giám hiệu tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ các em học sinh khó khăn tiếp tục được theo học. Thầy Tài chia sẻ: “Nhiều em không có tiền đóng ăn trưa, trường đã vận động các mạnh thường quân đóng góp cho các em để duy trì việc học 2 buổi/ngày. Những em khác, chúng tôi vận động các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trao học bổng”.

Ngoài học sinh khiếm thị (đơn tật), trường đã mở rộng thêm đối tượng như mù -điếc, mù - rối loạn ngôn ngữ, mù - chậm phát triển, mù - bại não… để tạo điều kiện cho tất cả học sinh được học tập. Nhà trường cũng hỗ trợ chuyên môn cho nhiều đơn vị chuyên biệt trong cả nước về giáo dục trẻ khiếm thị và hỗ trợ in ấn tài liệu, sách giáo khoa cho một số đơn vị tỉnh bạn…

Nói về thầy Nguyễn Văn Tài, cô Đinh Phương Lan, giáo viên nhà trường cho biết: “Thầy là người quản lý luôn gần gũi, quan tâm mọi người. Trong chuyên môn, thầy hỗ trợ hết mình cho giáo viên, thường xuyên hỏi chúng tôi giảng dạy gặp khó khăn gì, cứ nói ra hết để thầy và ban giám hiệu tháo gỡ. Làm giáo viên dạy trẻ đa tật khá áp lực, có những lúc căng thẳng, nhưng chính sự động viên, quan tâm dù nhỏ của thầy đã giúp chúng tôi cân bằng lại”.

Từ sự nỗ lực của thầy Tài và tập thể sư phạm, nhiều em là cựu học sinh giờ đã trưởng thành quay về cống hiến cho trường. Có em thành công ở nhiều lĩnh vực như thể thao, học thuật (tốt nghiệp ĐH về lĩnh vực CNTT, ngoại ngữ, kinh doanh…). Và, rất nhiều em khác đã có thể tự phục vụ bản thân, lập gia đình, có việc làm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ