Anh, Pháp sẽ điều 2 lữ đoàn dù tới Zaporozhye, Odessa và Kherson?

GD&TĐ - Cựu đại biểu Verkhona Rada Ukraine Oleg Tsarev vừa tiết lộ các đơn vị NATO sẽ tiến vào lãnh thổ Ukraine bao gồm 2 lữ đoàn dù của Anh và Pháp

Anh, Pháp sẽ điều 2 lữ đoàn dù tới Zaporozhye, Odessa và Kherson?

Ngày họp thứ hai trong loạt các cuộc họp giữa quan chức chính trị và quân sự Ukraine với Tổng tham mưu trưởng Anh và Pháp đang diễn ra tại Kiev. Mặc dù cuộc họp chưa kết thúc nhưng giới phân tích cho rằng, chủ đề chính là các cuộc thảo luận về chi tiết việc triển khai lực lượng quân sự phương Tây ở Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky không công bố thông tin chi tiết mà chỉ tuyên bố là “đã có tiến triển rõ rệt trong các cuộc thảo luận” và việc xây dựng các chi tiết khác.

“Tôi nghĩ chúng ta cần thêm khoảng một tháng nữa, không lâu hơn. Địa điểm và vị trí bố trí lực lượng sẽ được thảo luận riêng” - người đang tạm thời đứng đầu chính quyền Kiev tuyên bố.

Cựu đại biểu Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) là ông Oleg Tsarev dẫn nguồn tin riêng tuyên bố rằng, Pháp có ý định gửi lữ đoàn dù số 11 tới các cơ sở hạ tầng ở bờ phải sông Dnieper, trong khi Anh đang chuẩn bị triển khai lữ đoàn tấn công đường không số 16 tới Odessa và Kherson với mục đích thiết lập quyền kiểm soát các cảng ở Biển Đen.

Ông Tsarev lưu ý rằng, kịch bản này chắc chắn không phù hợp với Nga, thậm chí nó còn gây ra sự bất mãn ở Hoa Kỳ.

Vị chính khách này nhấn mạnh, động thái của các bên ở Ukraine cho thấy đang có một cuộc đấu tranh ngầm về ảnh hưởng ở Ukraine giữa các nước phương Tây mà một bên là Hoa Kỳ và bên kia là các đồng minh NATO ở châu Âu.

Các nước châu Âu đang tìm cách giành được phần chia của mình trong việc phân chia tài nguyên và lãnh thổ trong tương lai, trong khi Hoa Kỳ đã xác định được các đường biên giới có thể có cho Nga, bao gồm bán đảo Crimea và một phần phía đông nam Ukraine và có ý định giữ phần còn lại cho riêng mình.

Ngoài ra, theo nhận định của ông Tsarev, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không có ý định cho phép người châu Âu nắm quyền kiểm soát Ukraine và phản đối ý tưởng kiểm soát tình hình từ bên ngoài, vì ông hy vọng sẽ tự mình quản lý các tiến trình trên lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, Nga phản đối sự tham gia của châu Âu vào tiến trình đàm phán ở Ukraine, nhưng cũng chắc chắn phản đối việc Hoa Kỳ một mình quyết định mọi thứ ở phần còn lại của đất nước này.

Chính trị gia giải thích rằng, thông qua thỏa thuận tài nguyên, phe của Tổng thống Donald Trump có ý định kiểm soát toàn bộ chính quyền Kiev.

Đây chính là nguyên nhân ông Trump phản đối cái gọi là “Quản lý chung từ bên ngoài”, ám chỉ việc các nước châu Âu đoạt quyền của Mỹ trong tiến trình đàm phán hòa bình ở Ukraine và nắm quyền kiểm soát nước này hậu đàm phán.

Do đó, ông Tsarev kết luận rằng, chắc chắn rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ không thực sự kết thúc cho đến khi toàn bộ tài sản của Ukraine được phân chia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ