Canh tác trên đất dốc
Trang trại của anh Bùi Mạnh Ly (SN 1983), người Mường, ở xóm Yến Báy (xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) nằm trên núi cao, rộng hơn 45ha.
Cách đây 3 năm, anh Ly đã mạnh dạn đưa máy xúc mở đường lên núi làm trang trại trồng cây đu đủ đực để lấy hoa bán. Con đường mòn chạy qua dãy núi đá lởm chởm như tai mèo dù đã được máy xúc san ủi, nhưng đường lên trang trại vẫn khó như đi "lên trời".
Bất chấp trời mưa tầm tã, anh Ly vẫn kiên trì dùng xe máy chở chúng tôi lên trang trại trên núi.
Trái với cảnh khó nhọc khi lên núi, trang trại của Ly nằm trong thung lũng bình yên đến lạ thường. Xung quanh trang trại trồng cây đu đủ đực của anh Ly, bốn bề được núi đá và rừng già bao bọc giống như "pháo đài" bất khả xâm phạm. Dưới thung lũng cả vạn cây đu đủ bung hoa nở trắng xóa.
Chia sẻ cơ duyên về trồng cây đu đủ đực, anh Ly nói: “Trước đây, tôi xây dựng khu nhà sàn bằng gỗ làm du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch làm kinh tế bị đổ bể, cuộc sống của tôi gặp khá nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất.
Có lần, tôi lên thăm nhà hàng xóm, thấy các mẹ, các cô xào hoa đu đủ đực làm món ăn. Rồi, tôi nghe các già làng trong bản nói, hoa đu đủ còn có thể làm thuốc quý chữa bệnh. Nghe đến đây tôi như bừng tỉnh, nghĩ nhà mình có đất đồi rộng, sao không trồng loài hoa này phát triển kinh tế. Vậy là tôi quyết định lên đồi trồng hơn 3 vạn cây đu đủ đực, với mong muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn nợ nần”.
Theo anh Ly, trong thời gian trồng hoa đu đủ, anh đã mày mò tìm hiểu xem loài hoa này có được thu mua nhiều hay không và được dùng vào mục đích gì.
Sau khi tìm hiểu rõ về loài hoa này trên truyền thông, anh thấy nhiều trang mạng Facebook, Fanpage của các công ty đặt mua với số lượng lớn, đặc biệt là các công ty dược. Nhiều nơi đã chế biến thành công trà hoa đu đủ đực bán với giá 4 triệu đồng/1kg. Vì vậy, anh đã động viên gia đình, cùng nhau chăm sóc cây đu đủ tại thung lũng với kỳ vọng cây đu đủ sẽ cho nhiều hoa để bán với số lượng lớn.
Anh Ly theo dõi sự phát triển của cây mỗi ngày. |
Tạo việc làm cho người dân địa phương
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình, ngoài trồng cây đu đủ đực, anh Ly còn tự ươm cây giống bán cho bà con quanh vùng.
Anh nông dân này còn kỳ công phân biệt hạt đu đủ đực để bán trên mạng xã hội. Hiện mỗi ngày anh Ly bán được hàng trăm đơn hàng.
Không dừng lại ở đó, khi cây đu đủ đực nở rộ, anh Ly còn chế biến chúng thành trà hoa đu đủ đực để bán.
“Cây đu đủ đực sống tốt trên đất cằn, đất sỏi đá, chúng chịu hạn rất tốt. Khoảng cách trồng từ 2 - 3m một cây. Mỗi hecta trồng khoảng 2.000 cây. So với các loài cây khác, cây đu đủ đực dễ trồng, dễ chăm sóc, ít dịch bệnh và được nhiều thương lái, công ty mua với giá khá cao, nên không lo ế hàng”, anh Ly nói.
Anh Ly đang lên kế hoạch liên doanh, liên kết với các hộ dân quanh vùng để mở rộng sản xuất sản phẩm hoa đu đủ. Thời gian tới, anh còn dự định xây xưởng chế biến hoa đu đủ đực.
Mỗi ngày trang trại xuất đi cả tấn hoa đu đủ cho thương lái ở các tỉnh thành trên cả nước. Không chỉ làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo, anh Ly còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động chính và 40 lao động thời vụ, thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
"Qua nhiều năm trồng và học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi về cách chế biến hoa đu đủ đủ thành trà, đến nay tôi đã làm thành công sản phẩm trà để bán ra thị trường. Trà của tôi đã được lưu hành trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng. Tôi cũng dự định xây nhà máy, để chế biến hoa đu đủ đực thành trà, từ đó có thể bán cho nhiều thị trường hơn", anh Ly cho biết.
Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho biết, mô hình trồng đu đủ lấy hoa tại địa phương bước đầu cho thấy rất hiệu quả. Sau thời gian trồng, cây hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt, 4 tháng đã cho hoa bói, 6 tháng cho hoa đại trà.
"Trang trại trồng cây đu đủ lấy hoa của anh Bùi Mạnh Ly là mô hình tiêu biểu, đã cho hiệu quả kinh tế rõ ràng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn Ly còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Có thể nói, đây là mô hình cho lợi nhuận kinh tế cao, thời gian tới Hội sẽ có phương án tuyên truyền đến bà con áp dụng để nâng cao thu nhập, góp phần xóa nghèo tại địa phương", ông Bùi Đức Biên nói.