Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát tại châu Âu khiến các nước đóng cửa biên giới, lĩnh vực này đã bị bỏ trống và có nguy cơ phá sản.
Là giáo viên tại Trường Anglolang, một trong những trường Anh ngữ tốt nhất khu vực miền Bắc nước Anh, thầy giáo Dan Methven cho biết: “Trường chúng tôi đã biến thành “ngôi trường ma” trong hai năm liên tiếp vì không có học sinh. Lưu học sinh học tiếng không thể nhập cảnh vào Anh nên giáo viên chẳng còn biết phải dạy cho ai”.
Đi dạo quanh các lớp học trống không và khu vườn vắng bóng học sinh, cô giáo Alison Drew, Giám đốc phụ trách Học tập nhà trường, thở dài, bày tỏ tiếc nuối vì không được chính phủ quan tâm kỹ càng hơn. Cùng với việc thu nhập bị ảnh hưởng, giáo viên các trường cũng bày tỏ thất vọng vì không thể giảng dạy dẫn đến mai một kỹ năng.
Tại Trường Anglolang, nằm ở thị trấn Yorkshire, khoảng 2.500 lưu học sinh từ các nước đến học mỗi năm. Phần đông là học sinh Tây Ban Nha và Italy. Không chỉ giảng dạy ngôn ngữ, trường tạo cơ hội để lưu học sinh sống cùng các gia đình bản ngữ, tham quan danh lam thắng cảnh địa phương.
Những hoạt động này nhằm trau dồi thêm kiến thức về văn hóa quốc gia, đồng thời tạo điều kiện để du lịch địa phương phát triển. Lưu học sinh sẵn sàng chi trả những khoản tiền lớn để được theo đuổi mô hình học tập kết hợp giao lưu văn hoá này. Từ đó, trường học đã góp phần phát triển nền kinh tế du lịch của địa phương.
Tuy nhiên, trong hai năm liên tiếp không thể đón du học sinh, nhà trường đã chịu tổn thất tài chính vô cùng nghiêm trọng. Ngành du lịch và nền kinh tế địa phương cũng vì thế mà bị ảnh hưởng theo.
Các lĩnh vực khác trong xã hội như du lịch, khách sạn đã được Chính phủ Anh cho phép mở cửa trở lại song các trường dạy ngôn ngữ vẫn tạm đóng cửa. Nhà trường cũng không thể dạy trực tuyến vì chương trình đào tạo ngôn ngữ gắn với khám phá, tham quan đời sống địa phương. Trong khi đó, gia đình lưu học sinh không muốn mạo hiểm để con cái du học trong thời kỳ đại dịch.
Ngoài Anglolang, nhiều trường đào tạo ngôn ngữ khác tại Anh đã chỉ trích chính phủ thiếu quan tâm khi tìm biện pháp giải quyết vấn đề trong giáo dục. Một nhóm 36 nghị sĩ đã viết thư cho Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi hỗ trợ lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ, được đánh giá là đóng góp to lớn vào chiến lược phát triển quốc gia.
Các nghị sĩ cảnh báo nhiều trường dạy tiếng, tạo nên 35.000 việc làm, đóng góp 1,4 tỷ bảng mỗi năm, đang ở bên bờ vực sụp đổ. Là ngành công nghiệp dựa vào du lịch trong nước, nguy cơ cao các trường đào tạo ngôn ngữ sẽ phải đóng cửa trong thời gian tới.
Bà Jodie Grey, Giám đốc điều hành của Tổ chức English UK, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi không thể nhìn thấy bất kỳ triển vọng phục hồi nào cho lĩnh vực đào tạo này đến năm 2022”.
Trường Anglolang đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các cấp chính quyền và các tổ chức tư nhân nhưng bà Grey lưu ý, nhiều trường dạy ngôn ngữ khác không may mắn như vậy. Họ phải vật lộn chi trả các khoản phí phát sinh dù trường học bỏ trống và có thể phải đóng cửa trong thời gian tới.
Người phát ngôn của Bộ Kinhdoanh (BEIS) cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao tác động mà đại dịch gây ra đối với các doanh nghiệp, bao gồm các trường đào tạo ngôn ngữ. Chúng tôi đã phân bổ gói hỗ trợ trị giá 352 tỷ bảng Anh cho các trường.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ban hành kế hoạch hỗ trợ tăng cường. Các trường đủ điều kiện có thể được giảm thuế kinh doanh đến 75% trong năm, giảm thuế VAT và được đăng ký Chương trình vay vốn phục hồi”.