Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề mới và chúng ta đã nhắc tới nhiều nhưng trong tư duy của nhiều người vẫn nghĩ đó chỉ là vấn đề môi trường.
Trên thực tế thì nó chi phối toàn bộ đời sống và sinh kế của con người, đặc biệt là với người nông dân - những người đang trông vào đất và nước.
Chia sẻ tại cuộc toạ đàm, GS Nguyễn Đức Ngữ - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - nói: "Trong bối cảnh biến đổi khí hậu trên toàn cầu, nhiệt độ nóng dần lên, sự nhiễu động của hệ thống khí quyển sẽ tăng lên, các nhiễu động ấy phải kể đến các dải hội tụ, các xoáy, bão, áp thấp nhiệt đới, giông, tố lốc mạnh hơn và xảy ra nhiều hơn.
Hiện tượng xảy ra vừa qua tại Sóc Trăng - một trong những nơi chịu thiệt hại nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long - đã phản ánh đúng sự biến đổi khí hậu".
Vậy, tốc độ của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo hay đúng như dự báo của chúng ta, thưa ông?
- Dự báo có 2 loại, một là chúng ta xây dựng kịch bản lâu dài dựa trên những giả thiết mà chúng ta đề ra, trên cơ sở những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
Loại dự báo thứ 2 là ngắn hạn, dự báo ngắn hạn thì tính biến động sẽ tăng lên. Và những việc đang xảy ra hiện nay nó thể hiện những gì mà chúng ta đã xây dựng kịch bản.
Như vậy là mỗi năm sẽ khắc nghiệt hơn?
- Đúng như vậy.
Đó là thách thức rất lớn với chúng ta! Có rất nhiều hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu, vậy hiện tượng nào là nghiêm trọng nhất?
- Đối với Đồng bằng sông Cửu Long có 3 hiện tượng quan trọng nhất cần phải chú ý, đó là hiện tượng nước biển dâng. Trong thời gian qua nước biển đã dâng lên khoảng 20 cm rồi và vẫn đang tiếp tục tăng.
Khi nước biển tăng sẽ dẫn đến hiện tượng xói lở bờ biển tăng lên. Hiện tượng thứ 2 là lũ trên sông Mekong. Theo kịch bản biến đổi khí hậu thì lũ trên sông Mekong trong nửa đầu thế kỷ sẽ tăng lên. Lũ tăng lên sẽ gây nguy hiểm cho đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tượng thứ 3 là bão và bão lũ. Ở những vùng phía Nam trước đây ít thấy bão và áp thấp nhiệt đới nhưng thời gian gần đây đã tăng lên.
3 hiện tượng này không phải xuất hiện đơn lẻ, trong nhiều trường hợp nó lại kết hợp với nhau, ví dụ như nước biển dâng lại có lũ. Cũng có trường hợp cả 3 trường hợp kết hợp, cùng xảy ra. Như thế là sóng to, gió lớn, thuỷ triều dâng cao và sẽ rất nguy hiểm và nghiêm trọng.
Để được biết rõ hơn về nội dung cuộc toạ đàm của các khách mời tại Sự kiện & Bình luận, bạn hãy xem video dưới đây: